Thứ Tư, 02/10/2024 05:41 SA
Già làng với công tác dân vận ở cơ sở
Thứ Tư, 20/10/2010 11:00 SA

Ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, già làng có vai trò quyết định trong tổ chức các lễ hội, đặc biệt là thực hiện các quy ước, hương ước của cộng đồng. Vì vậy, già làng chính là cầu nối đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con, góp phần xây dựng buôn làng ngày càng phát triển.

 

MNanh101020.jpg

Già làng Ma Nghĩa (Phú Mỡ, Đồng Xuân) đang trò chuyện với phóng viên – Ảnh: H.CHƯƠNG

 

Theo quan niệm truyền thống, già làng thường là những người cao tuổi trong buôn, hầu hết là nam giới. Đây là những người có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, lễ nghi của dòng họ và của dân tộc mình; có kinh nghiệm xử lý hài hòa, hiệu quả các việc xảy ra hàng ngày ở buôn làng, được người dân kính trọng. Hoạt động của già làng ở cơ sở chủ yếu tập trung vào hòa giải các vụ mâu thuẫn trong nội bộ dòng tộc hoặc trong buôn, động viên dân làng xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của buôn làng, vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, động viên các gia đình cho con em đến trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu. Mỗi khi kẻ xấu – nhất là các thế lực phản động, thù địch – thâm nhập buôn làng xúi giục, dụ dỗ, kích động, gây mất an ninh trật tự, phá hoại cuộc sống yên bình, các già làng luôn cùng với Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đến từng gia đình thuyết phục bà con đoàn kết chống lại âm mưu và thủ đoạn phá hoại của địch... Có thể nói, già làng là người có tác động quan trọng đến nhiều mặt của cuộc sống cộng đồng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở địa phương.

 

Ở các buôn làng ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, có nhiều già làng mang đầy đủ các phẩm chất nói trên. Ở buôn Phú Lợi, xã vùng cao Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân), già làng Ma Nghĩa là một người như vậy. Ông là người đã vận động, tập hợp những người có ruộng, có đất gom lại đem chia cho dân để sản xuất lúa nước. Phương án được thực hiện là gia đình có bao nhiêu khẩu thì được chia bấy nhiêu ruộng và được chia đều theo đầu người. Già làng Ma Nghĩa bộc bạch: “Gia đình tôi có hơn 1ha ruộng lúa nước nhưng cũng được chia như mọi người. Bà con trong thôn, nhà nào cũng có ruộng, với tinh thần có ít hưởng ít, có nhiều hưởng nhiều. Thấy mọi nhà đoàn kết, cùng nhau sản xuất là tôi ưng cái bụng lắm”. Bên cạnh vận động chia ruộng cho dân, già làng Ma Nghĩa còn vận động bà con cùng nhau đào hơn 500m kênh mương để dẫn nước về tưới cho ruộng lúa, đồng thời, hiến đất để làm đường giao thông, mương thủy lợi… Nhờ có Ma Nghĩa mà phong trào làm lúa nước bây giờ  không chỉ ở buôn Phú Lợi mà còn lan ra toàn xã, giúp bà con tự túc được lương thực tại chỗ. 

 

Trong khi đó, ở buôn Hai Krông, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh), già làng Ma Vi lại nổi bật với công tác khuyến học. Là thầy giáo nhiều năm, theo ông, chỉ có đi học, nắm được kiến thức mới thoát khỏi đói nghèo được. Vì vậy, ông thường đến từng nhà vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em đến trường. Hiện nay, buôn Hai Krông nói riêng và xã Ea Bia nói chung, số học sinh đến trường ngày càng nhiều, nhiều con em trong xã là sinh viên các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Ma Vi cho biết: “Qua theo dõi, tôi thấy nhiều em đã học hành tốt và có việc làm giúp cho gia đình ổn định cuộc sống. Do đó, bà con phấn khởi lắm, ngày càng quan tâm đến việc học của con cái”.

 

Còn ở xã Ea Charang (huyện Sơn Hòa), nhiều năm nay, cựu chiến binh Ka Sô Liễng được nhiều người dân địa phương xem như một già làng tiêu biểu. Vốn là phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Phú Yên, về nghỉ hưu tại xã, ông tập trung làm kinh tế vườn, lập trang trại… Trên diện tích 18.400m² ở buôn Kiến Thiết, nơi thấp nhất ông đào ao thả cá, dự trữ nước. Nơi đất cao hơn, ông trồng các loại cây ăn quả như xoài, mít, chanh, bơ, mận… Trên diện tích đất khô cằn, ông trồng 1.200 cây xà cừ, 600 cây điều, 50 cây gió bầu, 30 cây huỳnh đàn… Trang trại của ông mỗi năm thu lãi bình quân hơn 60 triệu đồng. Không chỉ lo cho mình, ông còn hướng dẫn, giúp đỡ các hộ trong buôn làm ăn, xóa đói giảm nghèo hiệu quả, vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới. Bên cạnh đó, ông còn say mê sưu tầm, lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc đặc sắc.

 

Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã tổ chức các hội nghị già làng, gặp mặt các già làng tiêu biểu. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Mặt trận với các già làng, một đội ngũ làm công tác dân vận rất quan trọng ở cơ sở. Đồng thời, góp phần động viên các già làng tiếp tục sống vui, sống khỏe và có nhiều đóng góp thiết thực cho việc xây dựng buôn làng nói riêng, miền núi nói chung ngày càng phát triển mọi mặt, luôn giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.             

 

THẠCH HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek