Người đời vẫn thường ví von “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Thế nhưng dưới mái nhà của bà Hoàng Thị Thanh ở khu phố Nguyễn Huệ, phường 5 (TP Tuy Hòa) lại không hề xảy ra chuyện “mẹ ghẻ” hà khắc với “con chồng” như câu cửa miệng dân gian. Bà Thanh đã minh chứng một điều, tình mẫu tử giữa “mẹ ghẻ” và “con chồng” là có thực, nếu người ta sống thực sự yêu thương.
Bà Thanh chăm sóc chồng - Ảnh: NGỌC DUNG
Nhìn vào cảnh yên vui, đầm ấm của gia đình bà Hoàng Thị Thanh, không ít người ngạc nhiên khi biết dưới mái nhà này có hai dòng con. Ngày trước, ông Nguyễn Khắc Hàm, chồng bà Thanh hiện giờ, đã từng có vợ. Với người vợ ấy, ông có 3 người con. Nhưng rồi vợ ông chẳng may bị trọng bệnh qua đời. Vừa cảm thương cảnh gà trống nuôi con của ông Hàm, vừa tôn trọng, quý mến người đàn ông trọng tình cảm, tốt bụng, bà Thanh nguyện lòng gắn kết cuộc đời, đồng cam cộng khổ cùng ông chăm sóc, nuôi nấng các con nên người.
Khi biết bà quyết định kết hôn với ông Hàm, có không ít điều tiếng xì xào. Nhiều người bảo bà “Không dưng lại đâm đầu vào bụi rậm. Hết người hay sao mà lại kết hôn với người đàn ông góa vợ, một nách nuôi 3 con nhỏ”. Bà Thanh ngồi hồi tưởng: “Lúc ấy, hiểu và tôn trọng quyết định của tôi, người thân trong gia đình không ai phản đối”. Ngày ấy, bà Thanh ngấp nghé bước sang tuổi 30, còn ông Hàm ở vào tuổi 50. Gần 30 năm chung sống với ông, bà sinh hạ được 3 người con. Và cũng ngần ấy năm, vợ chồng bà Thanh nỗ lực nuôi dạy các con khôn lớn nên người. Bây giờ, 6 người con của ông bà đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng, đang công tác ở hai ngành Điện lực, Sư phạm và đã yên bề gia thất.
Hiện tại, vợ chồng bà đang sống cùng vợ chồng người con trai út. Bà Thanh nói: “Ngôi nhà này là của cậu con trai cả, nhưng thấy điều kiện kinh tế của vợ chồng thằng út còn khó khăn, nên nó quyết định nhường căn nhà lại cho em”. Bà mỉm cười đầy tự hào: Sáu người con của vợ chồng tôi tuy cùng cha khác mẹ, nhưng yêu thương, lo lắng cho nhau như anh em ruột.
Người đời vẫn thường ví von “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Thế nhưng dưới mái nhà của bà Thanh không hề xảy ra chuyện “mẹ ghẻ” hà khắc với “con chồng” như câu cửa miệng dân gian. Bây giờ, sau một thời gian dài cùng chồng vất vả nuôi các con khôn lớn, bà Thanh mỉm cười hạnh phúc: “Nhìn cảnh mẹ con tôi chăm sóc, thương yêu nhau, người ngoài không thể nào biết chúng tôi là mẹ kế - con chồng”. Bà bảo, để tránh tiếng thị phi, vợ chồng họ luôn ý tứ trong từng lời ăn tiếng nói cũng như cách cư xử đối đãi với các con, để tránh tình trạng thiên vị con riêng, con chung… Với anh Nguyễn Khắc Hoanh, mẹ Thanh tuy không phải là người sinh thành, nhưng ơn nghĩa dưỡng dục cùng với tình yêu thương rộng mở và tấm lòng nhân hậu của mẹ, suốt đời này ba anh em anh không biết lấy gì đền đáp. Tình thương ấy với anh, là những đêm mẹ Thanh thức trắng chăm sóc khi họ đau ốm, là giọt nước mắt hạnh phúc của mẹ khi nhìn thấy họ mỗi ngày một trưởng thành… Với anh, mẹ Thanh chẳng khác gì mẹ đẻ mà anh hết mực thương yêu, kính trọng. Còn người anh chồng Nguyễn Khắc Thúy thì nói về cô em dâu: “Tôi chưa thấy người mẹ nào thương yêu, chăm lo cho con cái trọn vẹn như mợ Thanh”.
Hơn 6 năm nay, ông Hàm bị bệnh tắc nghẽn phế quản, mọi sinh hoạt cá nhân đều tại giường. Dù đã chữa chạy khắp nơi, nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm. Ở tuổi 59, bà Thanh vừa chăm chồng bệnh vừa lo toan chuyện nhà, đưa đón các cháu đi học. Mọi việc tưởng như quá tải với người phụ nữ 59 tuổi này nhưng bà không một lời than vãn. Không những thế, mặc dù quỹ thời gian của bản thân eo hẹp, nhưng bà luôn nhiệt tình tham gia công tác ở địa phương. Gần 10 năm tham gia công tác Hội Phụ nữ ở cơ sở, bà thấu hiểu những khó khăn cơ cực của phụ nữ nghèo trong khu phố. Không dừng lại ở việc giúp phụ nữ nghèo xây mái ấm tình thương, vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, bà còn đi góp tiền để lo ma chay cho những người bất hạnh và tích cực tham gia giáo dục cảm hóa những thiếu niên vi phạm pháp luật ở địa phương thành người tiến bộ.
Ở tuổi 59, bà Thanh nở một nụ cười mãn nguyện khi nói về mái ấm của mình và những góp sức nho nhỏ của bà với địa phương trong việc giúp những người không may mắn có cuộc sống tốt hơn.
NGỌC DUNG