Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là vấn đề bức xúc mang tính toàn cầu, được nhân loại quan tâm giải quyết. Việt
Tác động bão lụt làm nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng, ảnh hưởng đến sản xuất đời sống nhân dân - Ảnh: N.TRƯỜNG
TÁC ĐỘNG CỦA BĐKH TẠI PHÚ YÊN
Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên cho biết, nhiệt độ ở Phú Yên thời kỳ 1990-2007 đã tăng lên 0,330C so với thời kỳ năm 1977-1989; trong đó, trạm Tuy Hòa tăng lên 0,450C và Sơn Hòa tăng lên 0,190C. Nhiệt độ tối cao tuyệt đối trung bình thời kỳ 1990-2008 tăng lên 0,210C/năm so với thời kỳ 1977-1989. Trong đó, tại trạm Tuy Hòa tăng lên 0,310C, trạm Sơn Hòa tăng lên 0,080C.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên -Môi trường Phú Yên Chế Bá Hùng, hiện nay, cơ sở dữ liệu về khí tượng thủy văn trên địa bàn tỉnh chưa đầy đủ để đánh giá chính xác mức độ thay đổi khí hậu tại Phú Yên. Tuy nhiên, qua một số dữ liệu khí tượng thủy văn và những thông tin thu thập từ cộng đồng cho thấy có nhiều hiện tượng thời tiết bất thường đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, đời sống nhân dân cũng như môi trường sinh thái. Theo số liệu của Đài Khí tượng Thủy văn Nam Trung Bộ, trong vòng 50 năm qua, khu vực này (trong đó có Phú Yên), lượng mưa giảm rõ nét nhất là vào tháng 6, tháng 7 hằng năm nhưng tăng khoảng 20% vào mùa mưa. BĐKH tác động đến tài nguyên nước thông qua việc thay đổi lượng mưa, phân bố mưa các vùng và thay đổi về thời gian mùa mưa. Những thay đổi chế độ mưa có thể gây lũ nghiêm trọng vào mùa mưa, và hạn hán vào mùa khô; thay đổi về mưa cũng sẽ kéo theo một loạt những thay đổi về dòng chảy của các dòng sông; tần suất và cường độ lũ; tần suất hạn hán; lượng nước ngầm trong đất, nước cấp cho sinh hoạt.
BĐKH làm gia tăng nhiệt độ có khả năng gây ra tình trạng hạn hán, tăng về cường độ và tần suất các cơn bão, giông tố gây lũ lớn và ngập lụt, lũ quét, trượt lở đất và xói mòn; gia tăng thiếu hụt nước vào mùa khô dẫn đến thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Sự biến đổi dị thường của khí hậu tất yếu ảnh hưởng rất mạnh đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trồng trọt, sẽ giảm năng suất, sản lượng cây trồng do hạn hán, sâu hại, dịch bệnh gia tăng. Theo số liệu sử dụng đất của tỉnh Phú Yên từ năm 1981- 2005, trung bình hàng năm có 100.538 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có 9,06% diện tích bị hạn hán và hoang hóa.
Ngoài ra, BĐKH có thể là nguyên nhân gây ra thời tiết dị thường, cường suất bão, lũ lụt tăng gây hậu quả nghiêm trọng. Theo thống kê, từ năm 1993 đến năm 2009, tình hình thiệt hại do thiên tai và thời tiết dị thường trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã làm chết và mất tích 929 người, bị thương 119 người; 205.150 nhà bị sập và hư hỏng. Ngoài ra, thiên tai còn gây thiệt hại về sản xuất, hạ tầng kinh tế- xã hội. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính 5.380 tỉ đồng; trong đó, thiệt hại nặng nhất là năm 2009 với khoảng 3.178 tỉ đồng.
28 DỰ ÁN ỨNG PHÓ BĐKH TẠI PHÚ YÊN
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Kỳ Phùng (Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam) cho rằng: Dựa trên những đánh giá về diễn biến khí hậu, tác động và khả năng tổn thương theo các kịch bản BĐKH quốc gia đã thống nhất, các giải pháp thích ứng với BĐKH đã được xác định, Phú Yên cần xây dựng kế hoạch hành động của tỉnh. Để ứng phó với BĐKH theo quan điểm thích ứng hơn là chống lại, đòi hỏi từng ngành, từng lĩnh vực phải có những giải pháp cụ thể. Đối với nông nghiệp, cần nâng cao đê sông, đê biển ven đầm, vịnh, cửa sông; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại vùng có nguy cơ cao về hạn hán, ngập úng và nhiễm mặn, bố trí lại thời vụ sản xuất, nuôi trồng né tránh thiên tai, sử dụng các giống cây trồng chống, chịu hạn, mặn. Tăng cường trồng và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, tăng cường phòng chống cháy rừng, chọn và nhân giống những loại cây trồng thích hợp với điều kiện BĐKH. Hoàn nguyên vùng nuôi thủy sản kém hiệu quả, tập trung cho vùng nuôi cao triều, phát triển những hình thức nuôi lồng, nuôi đăng chắn đơn giản, chuyển đối tượng nuôi mặn, lợ vào sâu vùng nội đồng… Trong lĩnh vực xây dựng, cần điều chỉnh quy hoạch khu đô thị có tính đến BĐKH; nghiên cứu điều chỉnh tiêu chuẩn, quy phạm áp dụng đặc thù đối với khu vực chịu tác động của nước biển dâng, thiên tai bão lũ; nghiên cứu và triển khai mô hình nhà chống bão, lũ. Xây dựng kế hoạch phát triển giao thông phải chú ý các vùng nhạy cảm như: vùng ven bờ, vùng thường có lũ quét, trượt lở đất; nâng cấp và cải tạo các công trình giao thông ở các vùng bị đe dọa bởi nước biển dâng và lũ lụt; đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng các loại vật liệu mới có tính bền vững trong điều kiện thời tiết thay đổi và các biện pháp thi công tiên tiến, nâng cao tính bền vững, giảm giá thành…
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Phú Yên Chế Bá Hùng cũng cho biết: Để thực hiện những nội dung và giải pháp nhằm ứng phó BĐKH theo Quyết định 158/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH, UBND tỉnh Phú Yên đã đề ra danh mục gồm 28 dự án ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh với kinh phí gần 210 triệu USD và đăng ký với Bộ Tài nguyên - Môi trường để tìm nguồn tài trợ quốc tế. Hiện nay, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Phân viện Khí tượng Thủy văn và Môi trường phía Nam lập đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh, với những nội dung chính: Thu thập thông tin, đánh giá diễn biến của nhiệt độ, lượng mưa và độ ẩm trên địa bàn tỉnh, kết hợp với các dự báo theo kịch bản của Bộ Tài nguyên - Môi trường để xây dựng kịch bản BĐKH cho Phú Yên; đánh giá được mức độ biến đổi tài nguyên môi trường và kinh tế- xã hội tỉnh Phú Yên do BĐKH và mức độ tác động của BĐKH đối với các ngành, lĩnh vực kinh tế- xã hội của tỉnh; xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH và danh mục các dự án, chương trình ưu tiên thực hiện giai đoạn 2011-2015, 2016-2030; củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách của địa phương nhằm ứng phó với BĐKH; nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế để thực hiện các dự án ứng phó với BĐKH.
NGUYÊN TRƯỜNG