Phú Mỡ là vùng đất cách mạng, bao nhiêu nghĩa tình được gắn kết trong chiến tranh, ngày nay cuộc sống nơi đây không ngừng phát triển.
Lúa nước ở Phú Mỡ. - Ảnh: A.NGỌC
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Phú Mỡ từng là căn cứ địa cách mạng vững chắc của tỉnh Phú Yên. Bọn thực dân, đế quốc đã thi hành nhiều âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, nhưng đồng bào ở đây một lòng đi theo Đảng, Bác Hồ. Nhiều cán bộ lãnh đạo tỉnh từng gắn bó máu thịt với vùng đất này như: Võ Mông, Văn Công, Ma Noa, Ma Cử… Các địa danh: Phú Mỡ, Thồ Lồ, Ma Dú, La Hiên… đã ghi danh vào trang sử vàng của Đảng bộ tỉnh Phú Yên.
Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ So Bếp, tâm sự tự hào: Từ một vùng rừng núi hiểm trở, Phú Mỡ đã trở thành một căn cứ địa cách mạng nổi tiếng, như một thành trì bất khả xâm phạm trong chiến tranh.
Phú Mỡ hiện có 5 thôn với 633 hộ, 2.917 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số. Với diện tích tự nhiên 45.400 ha, địa hình xã Phú Mỡ bị chia cắt thành hai vùng bởi con sông Kỳ Lộ. Phía bắc có ba thôn Phú Lợi, Phú Đồng và Phú Hải, dân tộc Ba Na chiếm chủ yếu. Phía nam có hai thôn Phú Giang và Phú Tiến, chủ yếu là người dân tộc Chăm H’roi. Giao thông đi lại còn nhiều khó khăn bởi có nhiều sông, suối, đặc biệt vào mùa mưa lũ, Phú Mỡ bị chia cắt hoàn toàn.
Trước những khó khăn và thách thức đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho Phú Mỡ nhiều công trình phúc lợi. Các chương trình 134, 135 của Chính phủ đã hỗ trợ và đầu tư trực tiếp đến hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm giúp bà con định canh định cư, ổn định cuộc sống. Từ khi triển khai đến nay, Chương trình 134 đã hỗ trợ kinh phí xây dựng mới 254 ngôi nhà cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Về đất sản xuất, đã tổ chức khai hoang các xứ đồng suối Vôi thuộc thôn Phú Lợi, Bà Bang ở thôn Phú Giang, Cà Te, Làng Cũ thuộc thôn Phú Đồng để cấp cho gần 200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với tổng diện tích 62 ha, tổng kinh phí đầu tư gần 600 triệu đồng. Về đất ở, đã san ủi và tạo mặt bằng hơn 10.500 m2, cấp cho 26 hộ dân ở thôn Phú Đồng, với tổng kinh phí đầu tư trên 80 triệu đồng. Về nước sinh hoạt, đã sửa chữa bể nước ở thôn Phú Đồng, cấp nước cho hơn 110 hộ, với tổng kinh phí sửa chữa hơn 20 triệu đồng. Đầu tư xây dựng mới một công trình cấp nước tập trung ở thôn Phú Giang, cấp nước cho gần 200 hộ sử dụng, tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ đồng. Đã đầu tư hơn 160 triệu đồng xây dựng giếng nước tập trung và phân tán, giải quyết vấn đề nước sinh hoạt cho hơn 190 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Chương trình 135 của Chính phủ đã đầu tư cho xã Phú Mỡ cả hai giai đoạn. Riêng chương trình 135 giai đoạn II, đã đầu tư hơn 3,8 tỉ đồng xây dựng các công trình như: phòng học cho các thôn Phú Hải, Phú Đồng và xây dựng cổng tường rào cùng với 4 phòng học ở thôn Phú Giang. Sửa chữa, kiên cố hóa kênh mương và xây dựng các trạm bơm ở thôn Phú Giang và Phú Lợi. Xây dựng đập dâng Suối Hàn và sửa chữa, nâng cấp đập Cây Vừng thuộc thôn Phú Tiến. Về đường giao thông, đã sửa chữa, nâng cấp đường từ Cà Te đến khu sản xuất làng Đồng. Xây dựng hơn 2km đường giao thông nông thôn ở các thôn Phú Tiến, Phú Giang và Phú Hải. Về hỗ trợ sản xuất, đã hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, giống lúa nước, giống mía cao sản và xây dựng mô hình khuyến nông về trồng lúa nước ở thôn Phú Lợi và Phú Giang. Đầu tư mua 4 máy cày hỗ trợ cho ba thôn Phú Tiến, Phú Giang và Phú Lợi. Đã làm thủ tục, chuẩn bị đầu tư tuyến đường thuộc thôn Phú Lợi…
Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ So Bếp, cho biết: Nhờ các chương trình đầu tư của Nhà nước và Chính phủ đã đem lại cho Phú Mỡ một diện mạo nông thôn mới. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên đáng kể, từng bước xóa được đói, giảm được nghèo…
NGỌC NHƯ