Thứ Hai, 07/10/2024 07:20 SA
Duyên hải miền Trung trong tác động của biến đổi khí hậu
Thứ Năm, 17/09/2009 07:27 SA

Ở Việt Nam trong khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,5 - 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Biến đổi khí hậu đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng phức tạp. Hậu quả của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, sự phát triển bền vững của đất nước. Việc nước biển dâng cao có thể khiến 22 triệu người Việt Nam mất nhà; một phần lớn diện tích của đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long có thể bị ngập lụt.

 

chay-rung090917.jpg

Cháy rừng làm tăng biến đổi khí hậu - Ảnh: N.T

 

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế- xã hội trong tương lai.  

 

Từ vài thập kỷ gần đây, rừng đầu nguồn phía tây bị tàn phá nhiều, địa mạo vùng duyên hải Trung bộ ngày càng không ổn định, thể hiện rõ nhất là lở núi, lòng các hồ đập bị lấp dần, các cơn lũ tràn và lũ quét đổ ra biển Đông. Lòng sông, địa mạo các cửa sông thay đổi nhiều sau mỗi mùa lũ. Hậu quả của các cơn bão, các trận lũ quét đối với hạ tầng cơ sở là khá nặng nề. Những năm gần đây, tình hình bờ biển bị xâm thực, triều cường xảy ra nhiều hơn. Khác với hậu quả của các cơn bão hay lũ quét thường xảy ra vào mùa mưa bão hàng năm, sự đe dọa của nước biển dâng lên hạ tầng cơ sở dọc bờ biển theo mùa, theo kỳ triều và thường xuyên hơn. Do tính ổn định của địa mạo kém hơn những địa bàn khác, ở vùng duyên hải miền Trung còn chịu tác động về mặt tự nhiên và kinh tế xã hội gắn chặt và trực tiếp với nhau, từ các đồi núi phía tây cũng như từ phía biển Đông. Những địa bàn bị ảnh hưởng mạnh nhất là các đồng bằng ven biển và ở cuối các con sông, nơi mật độ dân số rất cao và phải chịu sức ép từ hai phía biển và núi. Kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, xã hội, văn hóa và du lịch tập trung phần lớn ở vùng đồng bằng và ven biển, các cảng biển đã xây dựng dọc miền Trung sẽ chịu sự uy hiếp mạnh mẽ từ mực nước biển dâng.

 

Nhìn tổng thể, kinh tế- xã hội vùng duyên hải miền Trung sẽ chịu sự tác động trên các mặt: Biến động về mặt tự nhiên tác động lên kết cấu hạ tầng, lên kinh tế biển và du lịch; Sức hút đầu tư cho khu vực II và khu vực III có thể bị ảnh hưởng; Xây dựng và bảo vệ kết cấu hạ tầng tốn kém hơn; sẽ diễn ra sự dịch chuyển dân cư, lao động, các đô thị và cơ sở kinh tế trong nội vùng từ vùng thấp lên vùng cao, và ra ngoài vùng. Biến động này có thể tác động đến sự ổn định địa mạo nếu không tính toán và chuẩn bị kỹ vị trí các địa bản tiếp nhận. Những biến động sâu sắc về môi trường tự nhiên và về kinh tế - xã hội nêu trên đây có ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng duyên hải miền Trung, mà còn đối với cả nước trong chừng mực mà kết cấu hạ tầng nối liền Bắc - Nam hiện nay đều đi qua vùng này.                              

 

N.T (tổng hợp)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek