Thứ Ba, 15/10/2024 03:25 SA
Son sắt nghĩa tình
Thứ Năm, 30/04/2009 11:00 SA

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi từ mùa xuân năm 1975, tính đến nay đã tròn 34 năm. Vậy mà đối với nhiều người vẫn còn tươi nguyên những dấu ấn, những kỷ niệm không thể nào quên. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi: “Không biết sức mạnh nào đã giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách hiểm nghèo tưởng khó có thể vượt qua để đối mặt và đánh thắng được kẻ thù hung hãn nhất?”.

 

Thu-vien-Hai-PHu-090429.gif

Thư viện Hải Phú - một trong những công trình chứa nhiều tình cảm giữa hai quê hương kết nghĩa Phú Yên - Hải Dương. - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Chúng ta bước vào “Cuộc đụng đầu lịch sử” với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, biết trước là sẽ vô cùng gian nan, ác liệt, mất mát, hy sinh nhưng không hoang mang, dao động, không run sợ, yếu hèn vì trí óc ta luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ và trái tim ta luôn được sưởi ấm bởi tình yêu của gia đình, làng xóm, quê hương, của đồng bào cả nước. Tiền tuyến lớn ấm lòng, vững tay súng vì biết rằng cả một hậu phương lớn đang ngày đêm đau đáu lo toan, cưu mang, đùm bọc, tin tưởng, đợi chờ.

 

 

Xin được nói về một việc làm tình nghĩa, đó là việc mỗi tỉnh ở miền Bắc, hậu phương lớn kết nghĩa với một tỉnh ở miền Nam, tiền tuyến lớn trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước. Đây là một việc làm thật ý nghĩa, sáng tạo.

 

Từ ngày 9/1/1960, tỉnh Phú Yên chúng ta vô cùng phấn khởi, tự hào được kết nghĩa với tỉnh Hải Dương, một vùng đất nổi tiếng với những địa danh như: bến Bình Than, đền Kiếp Bạc… gắn với chiến công của các vị vua đời Trần, và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trong ba lần đại thắng quân Nguyên - Mông. Hải Dương còn có Côn Sơn, nơi Nguyễn Trãi, nhà chính trị, nhà văn lớn của dân tộc, đã nhiều năm sinh sống.

 

Nhân dân Hải Dương đã từng ngày, từng giờ theo dõi cuộc đấu tranh đau thương và anh dũng của đồng bào miền Nam, của Phú Yên kết nghĩa. Đồng bào Hải Dương ra sức lao động sản xuất, làm việc bằng hai để bù đắp cho đồng bào miền Nam, đồng bào Phú Yên kết nghĩa. Đồng thời tổ chức hàng ngàn cuộc biểu tình, mít tinh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Chỉ tính riêng thị xã Hải Dương (nay là TP Hải Dương), trong vòng 4 năm (1957-1960) đã có đến 2.321 cuộc mít tinh lớn nhỏ với hơn 25.000 lượt người tham gia, gửi 307 kiến nghị cho Ủy ban quốc tế giám sát Hiệp định Giơ-ne-vơ tại Việt Nam để tố cáo hành động phá hoại hiệp định, lên án những tội ác dã man của ngụy quyền Sài Gòn với những người kháng chiến cũ và đồng bào yêu nước ở Phú Yên.

 

Để nhắc nhở người dân luôn nhớ đến Phú Yên, những khu phố cổ, những nơi buôn bán sầm uất của thị xã Hải Dương đã được mang tên các địa danh của tỉnh Phú Yên: Phố Hàng Giày mang tên phố Sơn Hòa, phố Hàng Bạc mang tên phố Xuân Đài, phố Hàng Đồng mang tên phố Đồng Xuân phố Hàng Lọng mang tên phố Tuy An. Bốn phố này dẫn đến khu chợ cũ (còn gọi là chợ Lớn), giờ được mang tên chợ Phú Yên.

 

Thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam, vì Phú Yên ruột thịt”, đồng bào Hải Dương đã đưa hàng ngàn con em mình vào miền Nam, vào Phú Yên chiến đấu chống Mỹ và bè lũ tay sai. Các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Hưng Đạo và trung đoàn Ngô Quyền (gồm phần lớn là con em đồng bào Hải Dương) đã được nhân dân Phú Yên coi như con em mình. Đơn vị đã lập nhiều chiến công oanh liệt, góp phần cùng nhân dân Phú Yên bẻ gãy nhiều chiến dịch của Mỹ, ngụy.

 

Nghĩa chung đã vẹn, tình riêng thêm nồng. Đội ngũ những cô dâu chú rể của Phú Yên - Hải Dương ngày càng đông và dù chiến đấu công tác ở đâu họ cũng phấn đấu xứng đáng với quê hương Hải - Phú anh hùng. Nhà thơ Nguyên Hồ (người xã Hòa Thắng, Phú Yên) đã viết cả một truyện thơ hơn nghìn câu “Cô gái Phú Yên” kể về mối tình chung thủy của một cô gái Tuy Hòa với anh chiến sĩ quân giải phóng người Hải Dương.

 

Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Yên, trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã nhận được của đồng bào Hải Dương kết nghĩa từng cân chữ chì, từng ký mực in. Nhờ đó tờ báo Giải Phóng, cơ quan của Mặt trận dân tộc giải phóng Phú Yên và các ấn phẩm khác của tỉnh ngày càng sáng sủa, rõ ràng hơn.

 

Tháng 6/1975, đoàn Văn công Hải Dương vào biểu diễn tại rạp Hưng Đạo, thị xã tuy Hòa, đồng thời tặng 1 vạn quyển sách cho Thư viện Phú Yên. Ngày nay, Thư viện Hải Phú được xây dựng khang trang, đẹp đẽ, tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, con đường lớn và đẹp nhất của TP Tuy Hòa, như một biểu tượng của mối tình Hải Dương - Phú Yên thủy chung, son sắt, một tài sản tinh thần quý giá của nhân dân hai tỉnh lưu lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

NGUYỄN BẰNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sức sống mới trên vùng chiến khu xưa
Chủ Nhật, 03/05/2009 07:28 SA
Ngân Sơn - Chí Thạnh- Ngày ấy, bây giờ
Thứ Bảy, 02/05/2009 18:28 CH
Giúp dân thu hoạch lúa
Thứ Bảy, 02/05/2009 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek