Thứ Hai, 14/10/2024 21:14 CH
Ngân Sơn - Chí Thạnh- Ngày ấy, bây giờ
Thứ Bảy, 02/05/2009 18:28 CH

Ngày ấy, cả vùng Ngân Sơn- Chí Thạnh đẫm máu bởi vụ thảm sát dã man của quân thù. Ngày nay, Ngân Sơn- Chí Thạnh đã trở thành một đô thị trẻ với sức vươn lên như một chàng trai trẻ đầy sức sống.

 

Dang-Lac-090429.gif

Ông Đặng Lạc kể lại vụ thảm sát Ngân Sơn – Chí Thạnh cho con cháu nghe bên tấm bia tưởng niệm - Ảnh: D.T.X

 

MỘT CHIỀU ĐẪM MÁU

 

Ông Đặng Lạc, năm nay 83 tuổi, nhà ở cạnh Trường tiểu học Ngân Sơn (thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An) nhớ lại một buổi chiều cách đây 55 năm đầy máu và nước mắt. Ngày ấy, sân trường này đầy tang thương, hoảng loạn trong tiếng súng của quân thù. Ông Lạc kể: Sau khi hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, chính quyền Ngô Đình Diệm lần lượt đưa quân đội ra tiếp quản vùng tự do mà lực lượng cách mạng đã xây dựng trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Ngày 7/9/1954, ba đại đội thuộc tiểu đoàn 10 lính ngụy kéo ra Ngân Sơn để chiếm đóng, lập chính quyền. Đại đội 1 đóng trên quốc lộ, đại đội 2 căng lều bạt ở phía đông trường tiểu học, đại đội 3 do tên đại úy Đê chỉ huy đóng ngay trong các phòng học. Sau khi ổn định, tên Đê đi ra sau trường, vào nhà ông Bành Liến. Thấy trên bàn thờ có ảnh Bác Hồ, hắn giật xuống. Bị chạm vào niềm tin thiêng liêng, vợ ông Bành Liến lúc bấy giờ đang quét sân, liền quật cho tên đại úy này mấy chổi. Hắn quay ra xô xát với chủ nhà. Cả nhà cùng la làng. Nhiều người chạy đến, một lúc sau nhân dân các vùng Ngân Sơn, An Thạch, An Dân… cùng đổ xô đến, bày tỏ thái độ phản đối sự hống hách của bọn lính ngụy. Bất ngờ, từ trong trường, tên đại úy Đê (sách Lịch sử Đảng bộ và nhân dân thị trấn Chí Thạnh viết là tên Võ Duy Đệ) ra lệnh cho lính bắn thẳng vào đám đông đang tập trung trong sân trường. Chín người bị trúng đạn chết ngay tại chỗ, mười người khác bị thương. Không khí căm phẫn sục sôi bao trùm khiến bọn địch nao núng, vội vã rút vào Chí Thạnh. Cơ sở Đảng hoạt động bí mật ở Ngân Sơn vận động nhân dân khiêng những người chết, bị thương đi vào Chí Thanh tiếp tục đấu tranh với địch. Lúc này nhân dân các xã An Ninh, An Định, An Cư… cũng rầm rộ kéo đến ủng hộ cuộc đấu tranh. Từ dốc Nhà Thương (nay là phía bắc khu phố Trường Xuân, thị trấn Chí Thạnh), địch đặt súng đại liên bắn thẳng vào đoàn người từ hướng An Ninh lên. Hàng loạt người đổ gục xuống ruộng. Nhân dân từ phía An Định kéo xuống cũng bị chúng bắn chết, nhiều người khác cũng gục ngã tại chùa Trường Giác (nay thuộc khu vực sân vân động huyện Tuy An). Trong buổi chiều 7/9/1954 đẫm máu đó đã có 79 người chết, 76 người bị thương. Sự căm hận trước sự dã man của quân thù ngày càng dâng cao.

 

VÙNG “XÔI ĐẬU” HOANG TÀN TRONG NHỮNG NĂM CHỐNG MỸ

 

Những người già thuộc thế hệ sáu mươi, bảy mươi tuổi trở lên ở vùng Ngân Sơn, Chí Thạnh đều có ít nhất ba, bốn lần làm nhà trong những năm trước 1975. Cứ nhà làm xong là giặc đến đốt, phá, phải làm nhà khác. Đến cuối năm 1965, đầu 1966 nhiều người không thể ở lại, phải bỏ làng ra đi. Địch co cụm vào khu vực quận hành chính, chi khu quân sự ở Phú Tân khống chế những “khu định cư”, “trại tiếp cư”, thực chất là những khu dồn dân. Cả một vùng rộng lớn từ Chí Đức ra đến An Dân trở thành vùng xen kẽ ngày địch đêm ta. Ngân Sơn trở thành vùng giáp ranh. Đội du kích Ngân Sơn với những trận xuất kích bất ngờ khiến bọn lính ngụy mất ăn mất ngủ. Tại Chí Thạnh, bọn lính Nam Triều Tiên chiếm đóng các cao điểm, sẵn sàng nã đạn vào bất cứ chỗ nào chúng khả nghi có du kích. Bởi vậy, sau ngày 30/4/1975, Chí Thạnh, Ngân Sơn là một vùng thưa thớt dân cư.

 

Năm 1979, khi chia tách huyện Xuân An, Chí Thạnh trở thành thị trấn của huyện Tuy An. Đến cuối năm 1985, trung tâm của Chí Thạnh vẫn tập trung ở  quanh khu ngã tư gần đường sắt với vài quán cà phê, quán ăn, sửa xe, cửa hàng tạp hóa. Đêm đến chỉ có điện từ 19 đến 21 giờ, sau đó là đèn dầu. Nhiều người còn nhớ Chí Thạnh là thị trấn của cây trứng cá và đèn hột vịt. Khu vực cơ quan nhà nước chiếm diện tích khá lớn dọc theo quốc lộ nhưng chỉ hoạt động ban ngày, còn ban đêm là bóng đêm, ít người qua lại.

 

ĐÔ THỊ TRẺ CHUYỂN MÌNH

 

Mười năm trở lại đây, Ngân Sơn- Chí Thạnh đã trở mình như một chàng trai trẻ, nhà cửa khang trang hơn, đường sá được qui hoạch rộng rãi, thẳng tắp. Quốc lộ 1A từ đường sắt ở Chí Thạnh ra đến cầu Ngân Sơn được mở rộng, giữa là dải phân cách trồng hoa cỏ được chăm sóc xanh tươi. Đèn đường rực sáng cả đêm. Trụ sở các cơ quan của huyện được sắp xếp lại, được nâng cấp quy mô hơn, đẹp đẽ hơn. Đường nội thị tại Chí Thạnh được bê tông nhựa sạch sẽ, hai bên đường trồng nhiều loại cây xanh đang độ tỏa bóng, ra hoa. Chợ Chí Thạnh họp ngày hai buổi là đầu mối giao thương cho vùng Tuy An, phía đông huyện Đồng Xuân. Ở cạnh bia tưởng niệm vụ thảm sát Ngân Sơn-Chí Thạnh, Nhà Văn hóa huyện Tuy An được xây dựng rộng rãi, đủ cho cả ngàn người đến sinh hoạt, giải trí. Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thị trấn Chí Thạnh, khẳng định dù còn nhiều khó khăn nhưng thị trấn Chí Thạnh đang tăng tốc phát triển.   

 

Ngày trước thôn Ngân Sơn ẩn mình dưới những rặng tre, chỉ có một con đường nối từ quốc lộ 1A đi An Ninh. Ngày nay, các vùng trũng đã được san lấp, qui hoạch thành khu phố văn hóa Ngân Sơn dân cư đông đúc. Con đường vẫn đi giữa hai hàng tre xanh mát rượi song đã được bê tông xi măng sạch sẽ, đàng hoàng. Trường tiểu học, điểm đầu tiên diễn ra vụ thảm sát nay là ngôi trường hai tầng khang trang. Trong sân trường, tấm bia lớn ghi dấu sự kiện đẫm máu ngày xưa được các thầy cô, học sinh trồng hoa xung quanh. Màu hoa tươi thắm luôn nhắc các thế hệ nhớ đến những người đã ngã xuống trên đất này để có độc lập, tự do hôm nay.

 

KIM LONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek