Thứ Ba, 15/10/2024 01:25 SA
Hãy cứu lấy người bệnh tâm thần!
Đi đâu, về đâu người bệnh tâm thần?
Thứ Bảy, 25/04/2009 15:30 CH

“Phú Yên là tỉnh độc nhất vô nhị trong cả nước không có cơ sở điều trị nội trú cho bệnh nhân tâm thần. Ngoài một số tỉnh lớn có Bệnh viện tâm thần, hầu hết các tỉnh còn lại ít nhất cũng có được chuyên khoa Tâm thần nằm trong Bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc Trung tâm phòng chống bệnh xã hội. Một thực tế thật đau lòng cho người bệnh và gia đình họ”. Bác sĩ Lê Văn Lý, Trưởng trạm tâm thần Phú Yên nói.

 

kham-tt-090425.gif

Khám và tư vấn cho bệnh nhân tâm thần  - Ảnh: THU THỦY

 

 NUÔI DƯỠNG TẬP TRUNG KHÔNG ĐÚNG CHỨC NĂNG

 

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh (Bình Kiến- TP Tuy Hòa), đối tượng tâm thần lang thang không còn người thân ở chung với những người già neo đơn thuộc đối tượng xã hội rất phức tạp. Kể cả những người thuộc diện chính sách được nghỉ dưỡng hàng năm cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng la hét suốt đêm.

 

Tỉ lệ người dân bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần trên thế giới là 25%, ở Việt Nam gần 20%, trong đó có hơn 2% bệnh nhân nặng cần được chăm sóc, chữa trị thường xuyên. Trong số bệnh nhân nặng, có khoảng 20-30% cần điều trị chăm sóc ở các cơ sở nội trú, miễn phí của Nhà nước.

Ông Bùi Thanh Chi, Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Do không có chức năng nuôi dưỡng người tâm thần nên công tác quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng này gặp nhiều khó khăn, nhiều trường hợp khi lên cơn rượt đuổi đối tượng khác đang nuôi dưỡng, kể cả đánh cán bộ phục vụ, có trường hợp bệnh nhân tâm thần ở chung đánh đập lẫn nhau. Ngoài ra, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng ở, khám chữa bệnh và các điều kiện sinh hoạt khác ở đây và Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội cũng không đảm bảo an toàn để tổ chức nuôi dưỡng đối tượng tâm thần. Hệ thống điện, quạt, đèn thắp sáng, trang thiết bị trong phòng đều bị các đối tượng đập phá, chưa kể khả năng bị điện giật.

 

Hiện có 15 người tâm thần không người thân được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Không thể bố trí nhiều người tâm thần ở chung với nhau mà mỗi người ở một phòng. Bệnh phát lên là ông Trần Kính ca hát, la hét suốt đêm khiến nhiều người bên cạnh như ông Trần Hường (cha liệt sĩ) mất ngủ và luôn trong tư thế đề phòng. 

 

Hành vi họ thường bộc phát nên người phục vụ không chủ động, rất vất vả. Hộ lý phải theo dõi cho ăn uống và tắm rửa hàng ngày. Điều dưỡng Hồ Văn Lực, trực tiếp điều trị bệnh nhân, cho biết: “Khi lên cơn kích động thì chúng tôi cho họ uống thuốc liều cao gấp đôi và xích họ lại cho khỏi phiền người xung quanh”.

 

Không chức năng, không chuyên môn, không cơ sở vật chất nên việc nuôi dưỡng bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội là không phù hợp.

 

ttbt-090425.gif

Vất vả chăm sóc người bệnh tâm thần tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Bảo trợ xã hội  - Ảnh: T.THỦY

 

“TRẮNG” CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ

 

Sau gần 34 năm kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước Phú Yên vẫn chưa có cơ sở điều trị nội trú cho bệnh nhân tâm thần, ngay cả khoa tâm thần cũng không có. Bệnh viện Đa khoa Phú Yên khi có bệnh nhân tâm thần đến, thì điều trị tại khoa Nội B. Hiện đơn vị này chỉ có 1 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhưng điều dưỡng và hộ lý không có kinh nghiệm trong chăm sóc bệnh. Trước đây, có vài trường hợp vào viện, quậy phá gây phiền hà cho bệnh nhân khác. Ông Bùi Trần Ngọc, Quyền Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Yên nói: “Khoa Nội B luôn quá tải, nên không có phòng riêng để thu dung bệnh nhân tâm thần được nhiều”.

 

Theo báo cáo điều tra thống kê của các địa phương, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 2.412 người mắc tâm thần mãn tính. Trong đó, người tâm thần đang sống tại gia đình 2.360 người, người tâm thần lang thang là 52 người, người tâm thần có hành vi nguy hiểm cần đưa vào nuôi dưỡng là 107 người. Sông Cầu là địa phương có số người tâm thần mãn tính cao nhất tỉnh với 461 người, TP Tuy Hòa với 400 người, Phú Hòa 396 người.

 

Y sĩ Phạm Thị Kim Thoa, Trung tâm Y tế dự phòng huyện Sông Cầu, thổ lộ: Bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị tại cơ sở không có hiệu quả cao, do thiếu thuốc uống, chống tái phát và chống kháng trị. Mặt khác, gia đình không quản lý nổi bệnh nhân. Theo thông tư hướng dẫn số 13/CTQG ngày 10/8/2006 của Dự án bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng của Bộ Y tế, bệnh nhân tâm thần phân liệt được quản lý và điều trị tại cộng đồng là những bệnh nhân ở tình trạng ổn định, không bị rối loạn hành vi và không có những biểu hiện gây nguy hiểm cho những người xung quanh. Còn các trường hợp nặng cần được điều trị nội trú tại bệnh viện có giường bệnh và bệnh viện chuyên khoa tâm thần.

 

 Theo bác sĩ Lê Văn Lý, khi tái phát, người bệnh chống đối quyết liệt, gây rối an ninh trật tự và có thể có hành vi giết người. Lúc bệnh, họ không chịu uống thuốc điều trị, bệnh sẽ nặng thêm. Nếu lên cơn tái phát, mà đưa họ vào bệnh viện điều trị ngay thì hiệu quả hơn. Tạm ổn thì đưa họ về gia đình, địa phương quản lý theo chương trình Chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng (đã triển khai 104 xã, phường, thị trấn). Mặt khác, nếu có bệnh viện thì sẽ có đội ngũ giải quyết cấp cứu lưu động về cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có Trung tâm Nuôi dưỡng điều trị bệnh mãn tính để đảm bảo an ninh đô thị, khỏi lang thang ăn ở trên đường phố. Có như vậy, bệnh nhân mới hòa nhập với cuộc sống, gia đình họ yên tâm. Đó cũng là cách góp phần xóa đói giảm nghèo.

 

Khi Thủ tướng ký quyết định số 190/2001 về việc hỗ trợ vốn xây dựng cơ bản BV tâm thần cho các tỉnh; Khi Bộ Y tế có công văn gởi UBND các tỉnh và Sở Y tế “V/v hỗ trợ đầu tư dự án xây dựng cơ bản các BV tâm thần, BV lao và BV phong”. Sở Y tế đã trình lên tỉnh và trong thông báo do Chủ tịch ký ngày 11/6/2004, UBND tỉnh cho phép Sở lập thủ tục đầu tư dự án xây dựng bệnh viện chuyên khoa tâm thần Phú Yên. Tháng 9/2004, Sở hoàn tất dự án bệnh viện chuyên khoa tâm thần với 50 giường bệnh, tổng kinh phí gần 18 tỉ đồng (trong đó, vốn Trung ương hỗ trợ 80%) và đã được các ngành chức năng góp ý; địa điểm xây dựng cũng đã được chọn. Tất cả đều được thuận buồm xuôi gió. Vậy nhưng mà đến nay vẫn chưa có Bệnh viện Tâm thần tại Phú Yên?

 

BỆNH NẶNG PHẢI ĐIỀU TRỊ NỘI TRÚ BẮT BUỘC

 

Bệnh tâm thần phân liệt tăng lên theo đà phát triển công nghiệp. Trạm chuyên khoa tâm thần Phú Yên đang quản lý hơn 5.000 bệnh nhân các loại (khoảng 60-70% số lượng thực có trong cộng đồng), trong đó, có hơn 2.100 bệnh tâm thần phân liệt. Bản chất của bệnh là tái phát, có thể quản lý tại nhà nhưng không đảm bảo. Khoảng 10% bệnh nhân bắt buộc điều trị nội trú. Các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa không thu nhận bệnh nhân ngoài tỉnh vì đã quá tải. Trong khi đó mỗi năm Phú Yên phát hiện mới 350 bệnh nhân tâm thần các loại.

 

 

VŨ HOÀNG

(Bài cuối: Cần sớm có cơ sở điều trị và nuôi dưỡng bệnh nhân)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek