Cứ vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, khi thời tiết bắt đầu chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa thì trên những tán rừng dọc mảnh đất Đồng Xuân, trời đất lại ban tặng cho người dân nơi đây một loại thực phẩm đặc trưng là nấm tràm (hay còn gọi là nấm keo) mà ai thưởng thức một lần sẽ khó quên.
Tác giả đi hái nấm tràm. Ảnh: CTV |
Lộc trời
Nấm tràm mọc từng đợt 3-5 ngày trên lớp lá mục ngay gốc cây tràm. Sau những cơn mưa giữa mùa hạ sang mùa thu, bào tử nấm hút được cái nóng ẩm của đất rừng, cái nồng cay của tinh dầu tràm mà kết thành những vạt nấm tràm bạt ngàn với vị nhân nhẩn không lẫn vào đâu được.
Nấm tràm có thể mọc riêng lẻ mỗi cây hoặc cả cụm sát nhau. Nấm ngon là nấm búp mới nhú thường mập ú, chắc nặng, màu tím sậm. Nấm nở to thì xòe ra như chiếc ô nhỏ, màu tím nhạt hơn. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, nấm hái đến đâu cắt gốc đến đấy thì thân và tán các cây nấm khác không bị dính đất, khi luộc sẽ sạch sẽ, trắng trẻo hơn.
Nấm tràm hái về, đổ ra rửa sạch vài lần, tiếp đó luộc trong nước sôi cùng với một chút muối, bỏ vô nắm lá giang hoặc mấy lát chanh. Sau khoảng 3-5 phút, vớt ra, để ráo rồi tắt bếp. Cần phải luộc kỹ trước khi nấu để sạch nhớt và giảm vị đắng của nấm tràm. Có nhiều người tranh thủ lúc nấm nhiều, mua về sơ chế rồi cấp đông hoặc phơi khô gửi đi xa hoặc để dùng dần.
Cây nấm tràm có vị đắng nhẩn nhưng ngọt hậu. Khi thưởng thức món ăn, ta sẽ cảm nhận ngay được nhiều hương vị hòa quyện vào nhau. Ông La O Trới ở làng Đồng, xã Phú Mỡ chia sẻ: “Nấm tràm ai ăn quen thì thấy ngon lắm! Lúc mới ăn thì có vị đắng ở đầu lưỡi nhưng ăn xong lại ngọt ở cổ”.
Nấm tràm dần trở thành món ăn yêu thích và cũng là lộc trời dành cho người dân Đồng Xuân sau những ngày giao mùa mưa - nắng. Đầu mùa, nấm tươi có giá 20.000-25.000 đồng/kg, nấm luộc 40.000-50.000 đồng/kg và giảm dần khi nấm mọc nhiều hơn.
Nhà sát rừng tràm nên ngay từ sáng sớm, vợ chồng chị Ka Pá Thiệt ở xã Xuân Lãnh đã có mặt tại khu rừng tràm phía Bắc của huyện. Chị Thiệt hồ hởi: “Một tuần qua, vợ chồng mình hái liên tục, được bao nhiêu chủ vựa cũng thu mua hết, mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng nên tuy mệt mà ham lắm!”.
Chị Cao Thị Minh ở thị trấn La Hai chuyên thu mua nấm tràm tươi cho biết: “Mỗi ngày tôi thu mua 2-3 tạ nấm tươi và 2 tạ nấm luộc chuyển vô TP Hồ Chí Minh. Những hôm cao điểm phải thuê tới 3 nhân công phụ việc. Nấm chất lượng nên dễ bán và được khách hàng phía Nam ưa chuộng”.
Chị Vân Tuệ ở xã Xuân Phước chia sẻ: “Năm nào gia đình tôi cũng mua vài chục ký nấm tràm về ăn dần và gửi cho bạn bè, người thân ở xa quê. Tôi mua nấm tươi về luộc sạch, cấp đông để dự trữ, vì hết mùa muốn tìm ăn cũng không có”.
Nấm tràm sau khi hái về, được gom lại để cung cấp ra thị trường. Ảnh: TÂM PHẠM |
Hương vị quê nhà
Nấm tràm luộc xong có mùi thơm nhẹ, vẫn còn vị dai nhưng mềm, nhẩn và béo ngậy. Nấm tràm giàu dinh dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn tùy theo sở thích, như: Nấm tràm xào với ngọn rau muống, lòng bò, lòng heo, thịt ba chỉ hoặc đổ bánh xèo, nấu canh gà, nấu cháo, kho tiêu. Có người còn nấu súp nấm hải sản, đặc biệt là nấu canh lá sắn hoặc lá rau lang. Lạ ở chỗ, 2 loại lá này hòa hợp giúp giảm bớt vị đắng của nấm, nấm cũng làm cho nồi canh lá sắn và món rau lang xào ăn dậy mùi thơm hơn, ngọt hơn.
Có thể nói, nấm tràm với vị đắng khá lạ đối với người lần đầu thưởng thức, nhưng chỉ vài lần, món ăn từ nấm tràm sẽ đánh thức giác quan khiến người ta thèm, muốn ăn liên tục. Thế nên, nấm sau khi chế biến, được đóng gói cẩn thận, cấp đông rồi gửi đi các vùng đất nước như một món quà quê cho người xa xứ.
Chị Trần Lệ Thu lấy chồng ở tỉnh Bình Thuận cho hay: “Nếm vị đắng, mềm, dai của chén cháo nấm tràm, tôi và những người con Đồng Xuân xa xứ có thể cảm thận rõ ràng mùi của rừng của rẫy, mùi của mảnh đất miền núi hòa quyện mà nao nao nhớ quê nhà”.
Anh Đoàn Thành Dũng, một người con Đồng Xuân đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trưởng thành, tôi được đi nhiều nơi, ăn được rất nhiều món ngon miệng đắt đỏ, nhưng cảm giác được ăn bánh xèo đúc nấm tràm nó ngon thấu đến tim gan. Nấm tràm, khó ăn với nhiều người nhưng lại là món ăn đặc biệt nhất trong cuộc đời tôi”.
Hình dáng cây nấm tràm. Ảnh: TÂM PHẠM |
Nhiều công dụng đối với sức khỏe
Theo đông y, nấm tràm có tác dụng chữa trị mệt mỏi, cảm cúm, nhức đầu, bồi bổ nội tạng nhờ chất tinh dầu tràm. Vị đắng của nấm có tính chất thanh nhiệt, giải độc, giã rượu... Nấm tràm còn chứa nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3…), cùng thiamin, niacin và pantothenic. Những chất này đặc biệt tốt cho cơ thể khi hỗ trợ hệ thần kinh, trí não thêm minh mẫn, ngủ ngon giấc. Đồng thời sử dụng loại nấm này cũng giúp cơ thể hấp thụ nhiều vitamin D, protein, sắt, chất xơ...
Ngoài ra, nấm tràm còn chứa chất selen chống oxy hóa, chất ergothioneine giúp tiêu hóa tốt, các chất có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm, phòng chống ung thư. Theo đó, nấm tràm đặc biệt tốt cho phụ nữ mang thai, người già, người ăn chay...
Với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như vậy, nấm tràm ngày càng được săn lùng và ưa chuộng, trở thành một đặc sản không chỉ riêng huyện Đồng Xuân mà cả tỉnh Phú Yên cũng như nhiều vùng trên cả nước.
So với giá nấm tràm ở các nơi, đặc biệt như nấm tràm tươi bán ở chợ Phú Quốc dao động từ 150.000-200.000/kg thì giá nấm tràm ở Đồng Xuân thực sự quá rẻ. Nếu có sự phối hợp của cộng đồng và các ban ngành chung tay góp sức quảng bá rộng rãi và chế biến được nấm tràm khô bán ra cả nước thì những rừng tràm bát ngát ở Đồng Xuân sẽ trở thành nguồn thu nhập lớn cải thiện đáng kể cho cuộc sống người dân nơi đây.
Nấm tràm ai ăn quen thì thấy ngon lắm! Lúc mới ăn thì có vị đắng ở đầu lưỡi nhưng ăn xong lại ngọt ở cổ.
Ông La O Trới ở làng Đồng, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân |
TÂM PHẠM