Hội LHPN xã An Nghiệp, huyện Tuy An vừa tổ chức thành công “Phiên chợ xanh, phụ nữ An Nghiệp khởi nghiệp” lần thứ ba. Đây là một trong những hoạt động của hội, thúc đẩy phụ nữ làm kinh tế, qua đó góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong hội viên.
Nhộn nhịp phiên chợ xanh khởi nghiệp
Từ năm 2020 đến nay, Hội LHPN xã An Nghiệp đã 3 lần tổ chức hoạt động giao lưu trưng bày sản phẩm khởi nghiệp. Tại hoạt động này, nhiều sản phẩm của các thành viên đã được trưng bày, giới thiệu đến người dân trong và ngoài địa phương. Đặc biệt, trong tháng 8/2024, hội đã tổ chức “Phiên chợ xanh, phụ nữ An Nghiệp khởi nghiệp” với hơn 20 gian hàng của phụ nữ xã An Nghiệp cùng các gian hàng của các đơn vị xã An Dân, An Thạch, An Lĩnh và thị trấn Chí Thạnh tham gia giao lưu.
Đến phiên chợ xanh năm nay, chị Nguyễn Thị Nhung (thôn Trung Lương 2, xã An Nghiệp) có dịp giới thiệu sản phẩm bưởi da xanh do gia đình chị trồng đến đông đảo người dân trong và ngoài xã. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, bưởi da xanh của gia đình chị Nhung có trái to, tròn đều, ngon ngọt, mọng nước được nhiều người tham quan phiên chợ ưa chuộng. Sau phiên chợ, người dân đã biết đến và liên hệ thường xuyên với chị Nhung để đặt hàng.
Mọi năm, chị Nguyễn Thị Hiền (xã An Nghiệp) đều trực tiếp tham gia phiên chợ, nhưng năm nay chỉ có sản phẩm bánh ba đậu được mang đến trưng bày vì chị vẫn đang bận với những mẻ bánh khác do khách đặt làm. Chị Hiền cho biết, bánh ba đậu làm công phu, tốn thời gian nên trước đây bánh chỉ được làm khi các gia đình có giỗ chạp. Sau này, khi thấy bánh được nhiều người biết đến, muốn thưởng thức nên chị quyết định làm để bán hằng ngày. Sau các đợt tham gia phiên chợ, hiện món bánh ba đậu được nhiều người biết đến và đặt hàng nên chị có việc làm thường xuyên.
Ngoài các sản phẩm do hội viên phụ nữ xã An Nghiệp sản xuất, kinh doanh, phiên chợ xanh của phụ nữ xã An Nghiệp năm nay còn có sự góp mặt các sản phẩm đặc trưng khác của huyện Tuy An như: Bún bắp An Dân, tiêu An Lĩnh, bánh phở Chí Thạnh, bánh tráng dừa và sen An Thạch… làm cho không khí mua bán nhộn nhịp. Kết thúc phiên chợ, hầu như các sản phẩm đều được bán hết.
Chị Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã An Nghiệp cho biết: “Phiên chợ xanh, phụ nữ khởi nghiệp xã An Nghiệp” được các chị em nhiệt tình hưởng ứng, qua đó tăng cường hoạt động kết nối, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm truyền thống đặc trưng của người dân xã An Nghiệp và các xã lân cận. Ngoài ra, phiên chợ khởi nghiệp còn tạo cơ hội cho các chị em được giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong kinh doanh; khuyến khích hội viên, phụ nữ tự tin, sáng tạo trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tiếp sức phụ nữ thực hiện hiệu quả Đề án 939
Cùng với tổ chức các phiên chợ khởi nghiệp, Hội LHPN xã An Nghiệp đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939) tại địa phương.
Chị Dương Thị Thanh cho biết, ngay từ đầu năm, ban chấp hành hội đã dành nhiều thời gian nắm bắt tâm tư nguyện vọng của chị em, rà soát hội viên có nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các nguồn vốn do hội quản lý, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn để thực hiện ý tưởng kinh doanh, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện Hội LHPN xã An Nghiệp đang tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT cho phụ nữ vay vốn để kinh doanh, khởi nghiệp với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng; chủ động phối hợp hướng dẫn cách làm ăn, tư vấn mặt bằng, tìm kiếm giới thiệu thị trường, tiêu thụ sản phẩm...
Để tạo động lực thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa, có sự kết nối, hỗ trợ, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm làm ăn và đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ sản phẩm, năm 2019, Hội LHPN xã An Nghiệp đã thành lập CLB “Giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp”. Hiện 98 thành viên trong CLB cũng là lực lượng nòng cốt trong các phong trào, các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động thiện nguyện.
Phẩm chất cần cù, năng động, vượt khó cùng sự chung tay tiếp sức của các ngành, các cấp, đặc biệt của Hội LHPN xã An Nghiệp đã giúp nhiều chị em mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến thử thách thành cơ hội và khẳng định được vị thế trong gia đình và xã hội. Đến nay, hội đã giúp đỡ 112 hội viên khởi nghiệp. Nhiều hội viên buôn bán, làm ăn có thu nhập khá và ổn định như: Dịch vụ ẩm thực của chị Nguyễn Thị Kim Thủy; lò bánh tráng công nghiệp của chị Nguyễn Thị Hồng; bánh lá ba đậu của chị Nguyễn Thị Hiền; tiệm bánh Bảo Trinh của chị Nguyễn Thị Mộng Trinh, bún riêu của chị Vương Thị Thư, chả sạch của chị Nguyễn Thị Hương, bún gạo sạch của chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết...
Tôi đánh giá cao khâu chuẩn bị, kết nối để tổ chức thành công “Phiên chợ xanh, phụ nữ An Nghiệp khởi nghiệp”. Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngày càng lan tỏa, thời gian tới, Hội LHPN huyện Tuy An và cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên; tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ, giúp hội viên có khả năng hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của bản thân, khởi sự kinh doanh ngày càng phát triển, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho phụ nữ nông thôn tại địa phương.
Bà Phạm Thị Đăng Thanh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tuy An |
THÁI HÀ