Đó là đề nghị của đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, trưởng đoàn giám sát khi làm việc với UBND huyện Đồng Xuân về tác động, ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi tập trung đối với môi trường sống của nhân dân diễn ra vào ngày 13/8.
Trên địa bàn huyện Đồng Xuân hiện có 27 cơ sở chăn nuôi heo và 2 cơ sở chăn nuôi gà phân bố tại các xã Đa Lộc, Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Xuân Quang 3 của các hộ gia đình, cá nhân liên kết, hợp đồng với Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam và Công ty TNHH CJ Vina Agri - Chi nhánh Bình Dương để hợp đồng thả nuôi với mật độ 1 năm 2 lứa nuôi (trung bình khoảng 500-1.000 con/lứa đối với heo và từ 10.000-20.000 con đối với gà). Nhìn chung quy mô chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi trong nông hộ và tự phát, hệ thống chuồng trại đơn giản chưa đảm bảo các tiêu chuẩn nuôi cũng như tiêu chuẩn vệ sinh chuồng trại.
Đặc biệt, các hộ chăn nuôi đa phần nằm phân tán và xen lẫn trong các khu dân cư, trong quá trình chăn nuôi có phản ánh của người dân về mùi hôi gây ô nhiễm môi trường tại các khu vực chăn nuôi heo.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi heo gây ra, UBND huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện công tác bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện. Huyện cũng đã làm việc với lãnh đạo 2 công ty trên, xem xét chỉ ký kết hợp đồng nuôi gia công với trang trại đảm bảo các điều kiện theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; đất đai và bảo vệ môi trường.
Kết luận tại chương trình giám sát, đồng chí Nguyễn Quốc Hoàn đề nghị UBND huyện Đồng Xuân tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, UBND cấp xã tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát thường xuyên và chặt chẽ công tác bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động chăn nuôi heo trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, chủ động xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định.
Đồng thời phải giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường đối với các trang trại, hộ gia đình chăn nuôi heo thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện, tránh tình trạng người dân phản ánh nhiều lần nhưng không giải quyết. Địa phương cũng cần thiết lập kênh thông tin, tiếp nhận phản ánh của người dân liên quan đến các vấn đề về môi trường để kịp thời giám sát những cơ sở chăn nuôi thực hiện chưa đúng quy định của pháp luật.
THÚY HẰNG