Chủ Nhật, 24/11/2024 08:31 SA
Lo ngại mức sinh thấp, già hóa dân số
Chủ Nhật, 11/08/2024 15:39 CH

Đoàn y, bác sĩ tình nguyện TP Hồ Chí Minh khám, phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi đồng bào dân tộc thiểu số xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa. Ảnh: LÊ TRÂM

Theo thông tin từ Bộ Y tế, cả nước có 21 tỉnh có mức sinh thấp, tỉ suất sinh dưới 2 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ. Việt Nam đang đối diện với cảnh “chưa giàu đã già” do xu hướng người trẻ ngại sinh, sinh ít hoặc không sinh con.

 

Giới trẻ hiện nay ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, thậm chí không chịu kết hôn. Thanh niên thích dùng thời gian để học tập, lao động, thăng tiến và hưởng thụ hơn là dành cho việc kết hôn, sinh con, nuôi dạy con.

 

Giới trẻ không chịu kết hôn

 

N.T.Nh (34 tuổi) đang làm việc cho một doanh nghiệp ở Tuy Hòa, dáng người rất cuốn hút bởi xinh đẹp, năng động. Chị gần như có mọi thứ mà một người trẻ mong muốn: công việc ổn định, thu nhập khá, ngoại hình xinh đẹp, cuộc sống vui vẻ.

 

Nhiều người sẽ khó tin rằng, ở tuổi này Nh chẳng có người yêu chứ chưa nói gì đến việc kết hôn hay có con. Nh cho biết, chị từng yêu một người từ thời học cấp 3, khi lên đại học thì chia tay vì mỗi người chọn mỗi trường khác nhau, rồi chị học tiếp cao học. Sau mối tình đầu đó, Nh không yêu ai, cũng có người để ý, tán tỉnh nhưng trái tim Nh không rung động.

 

Gần đây, có người mối mai với người đàn ông hôn nhân tan vỡ và đã có con. Nh cẩn trọng xem có phù hợp với mình không. Và rồi chị cũng trở nên ngần ngại, không muốn bước vào một mối quan hệ ràng buộc. “Trong cuộc sống, thiếu bờ vai làm điểm tựa, tôi lấy công việc làm niềm vui. Tôi cũng học được cách tự làm mọi việc mà không cần có một người đàn ông bên cạnh. Tự tạo cho mình niềm vui đi du lịch, hay những sở thích khác, thay vì bắt buộc phải ràng buộc hôn nhân. “Một mình không có nghĩa là không hạnh phúc!”, Nh nói.

 

B.T.Th ở phường 9, TP Tuy Hòa, năm nay 33 tuổi, vẫn ở vậy. Th nói rằng: “Từ từ có chớ vội gì. Tôi chứng kiến nhiều cặp đôi sống chung một nhà nhưng cãi vã, không có hạnh phúc. Kết hôn mà không làm cho cuộc sống của mình vui hơn, tốt đẹp hơn, thì chẳng cần có làm gì”.

 

Bà Nguyễn Thị Chín, cô ruột của Th tâm sự rằng, nhà cháu Th có “cặp ế”, dưới Th còn có đứa em gái gần 30 tuổi nhưng không có mảnh tình vắt vai. Dịp lễ tết, nhà đám giỗ, cô chú bác về động viên lấy chồng, cháu lắc đầu, nói ở vậy cho “ba má nhờ”. “Con lớn tuổi không lập gia đình, cha mẹ đứng ngồi không yên, còn nó bình chân như vại”, bà Chín nói.

 

Không tính chuyện ở vậy như Th, anh N.T.V ở huyện Phú Hòa, tính chuyện lấy vợ nhưng 35 tuổi vẫn ở mình ên. V làm nghề rửa xe mướn, tiền công đủ đắp đổi qua ngày. “Trước đây có yêu một người, nhưng người đó thấy tôi nghèo nên đi lấy chồng. Thân mình còn nuôi chưa nổi, nói gì vợ con. Ba mẹ già cũng sốt ruột, nhưng tôi vẫn tự thấy rằng nếu không dư dả mà cưới vợ rồi lại cãi cọ vì tiền chỉ làm khổ nhau. Vậy nên tôi giữ gìn sức khỏe làm việc, chiều tối cà phê bạn bè rồi về ngủ”, V nói.

 

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỉ lệ người độc thân tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% vào năm 2019. Thanh niên thích dùng thời gian để học tập, lao động, thăng tiến và hưởng thụ hơn là dành cho việc kết hôn, sinh con, nuôi dạy con.

 

Mức sinh có xu hướng giảm

 

Nói về nguyên nhân ngại yêu, lập gia đình muộn, lười sinh của giới trẻ hiện nay, GS Nguyễn Đình Cử, chuyên gia dân số, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định: Có thể thấy, người đang trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay (trong khoảng dưới 35 tuổi) còn độc thân, hoặc lập gia đình mà chưa sinh con chiếm khá lớn.

 

Đây là lứa tuổi lớn lên trong thời kỳ mở cửa hội nhập, có nhiều thay đổi về lối sống, suy nghĩ. Thanh niên có nỗi sợ về việc phải dành thời gian chăm sóc con, phải nghỉ làm, mất cơ hội thăng tiến. Gánh nặng kinh tế trong việc nuôi dạy con theo mức sống như hiện nay, lo cho con đi học trường tốt, thậm chí đi du học… cũng khiến nhiều người chậm kết hôn, lười sinh; từ đó dẫn đến mức sinh có xu hướng giảm, già hóa dân số.

 

Theo Sở Y tế, Phú Yên đã đạt mức sinh thay thế (năm 2023, ước tính tổng tỉ suất sinh của tỉnh ở mức 2,07 con), tuy nhiên giữa các vùng, miền, mức sinh không đồng đều. Mức sinh có xu hướng giảm ở các vùng thành thị. Nếu mức sinh giảm sâu sẽ dẫn đến tình trạng phát triển không bền vững về dân số, xã hội. Vì vậy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền về duy trì mức sinh hợp lý, duy trì khoảng cách giữa các lần sinh, ổn định mức sinh, nâng cao chất lượng dân số.

 

Cùng với đó, Phú Yên đang ở thời kỳ già hóa dân số (năm 2023, tỉ lệ người trên 60 tuổi là 14,2%, trên 65 tuổi là 9,8%). Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức được già hóa dân số vừa là kết quả của phát triển KT-XH trong thời gian qua, vừa là thách thức trong thời gian tới.

 

Sở Y tế cũng đã triển khai công tác truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển năm 2024. Theo đó, đẩy mạnh truyền thông, tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể; vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ, các mục tiêu về duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển nhanh, bền vững.

 

Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; đảm bảo thống nhất nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển.

 

Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích cho biết: Các hoạt động truyền thông năm 2024 tập trung chủ yếu vào các nội dung: tiếp tục duy trì mức sinh thay thế của tỉnh; nâng cao chất lượng dân số; kiểm soát tỉ số giới tính khi sinh, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên.

 

Theo đó đẩy mạnh các đợt truyền thông cao điểm về những vấn đề dân số ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của địa phương và cả tỉnh: chênh lệch mức sinh giữa các vùng, sẽ tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của tỉnh cả trong hiện tại và tương lai. 

 

Các hoạt động truyền thông về công tác dân số năm 2024 sẽ tập trung đẩy mạnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, huy động sự tham gia tích cực của các ban ngành, đoàn thể; vận động các tầng lớp nhân dân để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ, các mục tiêu về duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển nhanh, bền vững.

 

Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek