Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.
Nghị quyết này gồm 11 điều, hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự liên quan đến các hành vi: xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép; bảo vệ nguồn lợi thủy sản; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông để khai thác thủy sản trái phép; xâm phạm trong lĩnh vực thương mại thủy sản. Đây là một phần quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam để đáp ứng khuyến cáo Ủy ban Châu Âu (EC) và hướng đến phát triển bền vững ngành Thủy sản.
Ngay sau khi Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 04/2024/NQ-HĐTP, Bộ NN&PTNT đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành liên quan và các địa phương ven biển triển khai thực hiện nghị quyết này.
Phú Yên là một trong những địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp chống khai thác IUU được bộ ngành trung ương ghi nhận. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Công tác chống khai thác IUU ở Phú Yên được triển khai quyết liệt, với sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Ngư dân và doanh nghiệp thủy sản được phổ biến, tuyên truyền đầy đủ về chống khai thác IUU.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, nhưng trong quý I/2024, qua kiểm tra, ngành chức năng phát hiện một số địa phương ven biển của tỉnh vẫn chưa quản lý, kiểm soát được tàu cá “3 không” (không đăng kiểm, không đăng ký, không giấy phép), chưa quyết liệt xử lý các hành vi vi phạm như ngắt kết nối thiết bị VMS, vi phạm về nhật ký khai thác… Đây là những hạn chế cần khẩn trương khắc phục.
EC áp thẻ vàng cảnh báo các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tại Việt Nam từ năm 2017. Sau cảnh báo này, ngành Thủy sản của nước ta chịu tổn thất nghiêm trọng về xuất khẩu và uy tín quốc tế. Tỉ trọng xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) giảm dần, từ 11,8% năm 2018 xuống còn 9,4% năm 2022. Nếu bị áp thẻ đỏ, Việt Nam sẽ mất thị trường EU, gây tổn thất 350-400 triệu USD mỗi năm và ảnh hưởng đến các thị trường khác.
Việc gỡ bỏ thẻ vàng là nhiệm vụ cấp thiết vì EU là một trong năm thị trường xuất khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên theo Bộ NN&PTNT, trong đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn thanh tra EC vào tháng 10/2023, dù công tác chống khai thác IUU của Việt Nam đã có tiến bộ nhưng vẫn tồn tại những hạn chế chưa được khắc phục hoàn toàn, dẫn đến việc cảnh báo thẻ vàng chưa được gỡ bỏ.
Việc Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao ban hành Nghị quyết 04 là hành động quyết liệt, thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc phát triển ngành Thủy sản bền vững và có trách nhiệm. Đợt kiểm tra lần thứ 5 sắp tới, dự kiến vào tháng 9 hoặc 10/2024 của EC, là thời điểm quan trọng, có tính quyết định để Việt Nam chứng minh những cải thiện thực chất của ngành Thủy sản về chống khai thác IUU.
Để đạt được mục tiêu gỡ bỏ thẻ vàng, phụ thuộc vào những nỗ lực bền bỉ, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương. Các biện pháp cần được triển khai đồng bộ, từ việc kiểm tra, giám sát đến tuyên truyền, giáo dục. Sự tham gia tích cực của ngư dân và doanh nghiệp là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả các quy định chống khai thác IUU.
Gỡ bỏ thẻ vàng là cơ hội để nước ta nâng cao uy tín và vị thế trên thị trường quốc tế; đồng thời đảm bảo quyền lợi, sinh kế bền vững cho ngư dân, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam.
THANH HỘI