Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững là một nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, được thiết kế thành một dự án riêng, có mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể. Qua đó hướng tới hỗ trợ đào tạo nghề, gắn kết chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế góp phần tăng thu nhập cho người nghèo.
Hỗ trợ học nghề
Ông Lê Ngọc Sơn, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong chương trình này có Tiểu dự án 1 về phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN), thuộc Dự án 4.
Mục tiêu của Tiểu dự án 1 là phát triển GDNN cả về quy mô và chất lượng đào tạo, hỗ trợ đào tạo nghề cho người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; gắn kết chặt chẽ GDNN với tạo việc làm, sinh kế bền vững, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đối tượng thụ hưởng là người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp. Do đó, việc triển khai hiệu quả nội dung về phát triển GDNN trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững.
Thời gian qua, các cơ sở GDNN đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo; phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị cấp xã để tuyển sinh và tổ chức đào tạo nghề kịp thời, hiệu quả. Tỉ lệ lao động học nghề gắn với việc làm và có việc làm mới tăng; từng bước gắn với nhu cầu của thị trường lao động, nhu cầu lao động kỹ thuật của các doanh nghiệp cũng như với định hướng phát triển KT-XH của từng địa phương, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề.
Cũng theo ông Lê Ngọc Sơn, triển khai Dự án 4, toàn tỉnh đã tiến hành thu thập dữ liệu “Việc tìm người - Người tìm việc”. Tổng số lao động có nhu cầu tìm việc được thu thập, cập nhật thông tin là 7.880 người. Trong đó, gần 2.000 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 394 người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số; 3.152 lao động nữ. 392 lao động thuộc các trường hợp này được hỗ trợ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm.
Ông Nguyễn Phi Long, Giám đốc Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên TX Sông Cầu cho biết: Từ năm 2021 đến nay, trung tâm đã mở 19 lớp nghề, cho 316 học viên. Trung tâm cũng đã phối hợp các đơn vị tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề; kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động. Đồng thời đẩy mạnh đào tạo nghề nông thôn gắn với nhu cầu việc làm của các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện nhằm tạo điều kiện để người lao động, các hộ nghèo có việc làm ổn định.
Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, anh Phạm Xuân Quang (thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) được Nhà nước hỗ trợ tham gia lớp học nghề, tập huấn mô hình khuyến ngư và hỗ trợ kinh phí để mua sắm ngư cụ đánh bắt hải sản. Nhờ đó, mỗi ngày anh thu nhập từ 120.000-300.000 đồng, hôm nào thời tiết thuận lợi, cá nhiều, thu nhập từ 500.000-700.000 đồng, cộng với công việc buôn bán của vợ, gia đình anh thoát cận nghèo. “Nhờ có nghề, cuộc sống gia đình tôi ổn định, không phải đi làm thuê thời vụ, bấp bênh như trước nữa”, anh Quang nói.
Học viên tham gia học nghề tại Trường cao đẳng Nghề Phú Yên. Ảnh: KIM CHI |
Tháo gỡ khó khăn
Toàn tỉnh hiện có 19 cơ sở đăng ký hoạt động GDNN, trung bình mỗi năm đào tạo từ 8.000-10.000 học viên, sinh viên với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó, nhiều ngành nghề đã thu hút được học viên, ra trường có tỉ lệ xin được việc cao, như: hàn, tiện, sửa chữa ô tô, kỹ thuật lắp ráp máy tính, vận hành máy đào - máy ủi, may công nghiệp, may thời trang, trang điểm cô dâu, uốn tóc, điện dân dụng, điện công nghiệp…
Việc các cơ sở GDNN tuyển sinh ngày càng gắn với nhu cầu xã hội và phù hợp với điều kiện thực tế tại các địa phương đã giúp học viên có nhiều sự lựa chọn. Sau khi được đào tạo nghề, nhiều người chọn làm việc có thời hạn ở nước ngoài có thu nhập cao, cải thiện cuộc sống gia đình, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.
Tuy nhiên, hiện một số huyện, nhất là huyện miền núi đang gặp khó khăn trong việc triển khai dự án phát triển GDNN tại địa phương.
Ông Đặng Văn Trọng, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: Triển khai Tiểu dự án 1, huyện đã triển khai 7 lớp nghề, đào tạo cho 152 học viên, giúp cho lao động có nghề, ổn định cuộc sống. Hiện tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Đồng Xuân còn khoảng 26,6%, hầu hết là những hộ không có khả năng lao động và hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, nên việc tuyển lao động trong độ tuổi lao động gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1 rất lớn, khó có khả năng giải ngân hết trong năm 2024. Phòng LĐTB&XH đang triển khai đào tạo nghề cho lao động thuộc các xã và thôn khó khăn trên địa bàn huyện, trùng với Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 5 (phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Vì không có lao động tham gia học nghề, nên đến nay chưa giải ngân được.
Còn theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, triển khai Tiểu dự án 1 rất khó, bởi trên địa bàn huyện có 7 xã đặc biệt khó khăn, đối tượng thụ hưởng trùng với các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nên không có lao động tham gia học nghề, dẫn đến khó giải ngân nguồn vốn.
Để tháo gỡ khó khăn, hiện nay một số địa phương đề nghị HĐND, UBND tỉnh chuyển một phần kinh phí thực hiện Tiểu dự án 1 sang dự án khác.
Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, bên cạnh thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thì việc đào tạo nghề, tư vấn việc làm là rất thiết thực, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh và các địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình này. Cùng với đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, các đơn vị, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động để các hộ nghèo nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, từ đó chủ động, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, tranh thủ sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể và cộng đồng để vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ bên ngoài.
Đồng thời thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, lao động ở vùng tái định cư, vùng ít đất sản xuất; nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với tạo việc làm…
Nhờ có nghề, cuộc sống gia đình tôi ổn định, không phải đi làm thuê thời vụ, bấp bênh như trước nữa.
Anh Phạm Xuân Quang (thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) |
KIM CHI