Chùa Từ Quang nằm trên triền núi Xuân Đài, nhìn về hướng đông - nam, tọa lạc tại thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An. Chùa Từ Quang có nhiều tên khác nhau, như chùa Bạch Thanh, Từ Quang hay Linh Quang, được xây dựng trên triền núi có nhiều tảng đá trắng nên còn có tên là chùa Đá Trắng.
Kiến trúc độc đáo
Chùa được tạo lập thời vua Quang Toản (nhà Tây Sơn). Năm 1793, thiền sư pháp chuyên Thích Diệu Nghiêm, phái Lâm Tế đời thứ 36, thấy vùng đất này khá đẹp, tựa lưng vào núi, phía trước có quốc lộ 1, nhìn ra sông Ngân Sơn và sông Nhân Mỹ, nên ông cho tạo lập một am nhỏ để thờ cúng. Đến năm 1797, hòa thượng dựng một ngôi chùa mái lá trên triền núi lô nhô những tảng đá trắng.
Chùa Từ Quang trải qua nhiều vị trụ trì, đến đời thiền sư Huệ Nhãn đã có công rất lớn huy động các tăng ni, phật tử thập phương góp công sức kiến tạo ngôi chùa. Đứng trong sân chùa có thể thả tầm mắt bao quát cả một vùng núi đồi trập trùng.
Ở độ cao 100m so với mực nước biển, với diện tích khoảng 5.000m2, chùa Đá Trắng có lợi thế cực kỳ nổi bật với những khối đá trắng, kiến trúc chùa từ cổng, bờ thành, sân chùa, vườn mộ tháp đến nhà chánh điện thờ Phật... đều nhỏ nhưng rất đẹp và chỉn chu.
Trong chiến tranh, ngôi chùa bị tàn phá; sau đó được kiến tạo lại và vẫn giữ đường nét kiến trúc ban đầu. Khi đến đây, bạn sẽ ấn tượng ngay khi bước chân vào cổng chùa, rồi đến khu vườn mộ tháp còn nguyên vẹn với 8 ngôi mộ lớn nhỏ, có lối kiến trúc độc đáo. Bên những mộ tháp là những tượng thú, hoa văn, phù điêu tinh xảo, với nhiều tư thế dáng vẻ khác nhau. Mỗi ngôi mộ tháp là một tác phẩm kiến trúc phủ màu thời gian; khu vườn mộ tháp là một bộ phận quan trọng tạo nên vẻ đẹp độc đáo của ngôi chùa này.
Những phiến đá lớn nhỏ màu trắng tạo nên con đường từ quốc lộ 1 lên chùa được gọt đẽo, lắp đặt công phu, với nhiều kiểu dáng khác nhau, nối dài vài trăm mét cho ta thấy được độ thẩm mỹ và công sức của người xưa. Đá trắng ở đây cũng là một thành phần tạo nên vẻ đẹp quyến rũ và khác biệt của ngôi chùa.
Là ngôi chùa cổ, nổi tiếng ở Phú Yên, ngoài vẻ đẹp về cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc, nơi đây còn là địa chỉ đỏ trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương và phong trào đấu tranh chống Pháp của Nhân dân Phú Yên vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Những mốc son lịch sử
Tương truyền rằng, những lần đi thuyền chiến trên vịnh Xuân Đài, chúa Nguyễn Ánh đã có cơ hội được thưởng thức các món ngon vật lạ của vùng đất này và ông tỏ ra rất thích xoài tại chùa Đá Trắng. Dưới thời vua Gia Long, xoài đá trắng ở Phú Yên trở thành sản vật tiến vua trong dịp tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch) hằng năm.
Xoài đá trắng trái nhỏ, vỏ mỏng, vị thanh ngon. Hiện nay chỉ còn lại 4 cây ở 4 góc chánh điện, trong đó 3 cây không còn ra trái, 1 cây năm có năm không. Các cây xoài này trở thành cây cổ thụ, cây di sản Việt Nam.
Chùa Đá Trắng còn là pháo đài của nghĩa quân Cần Vương cuối thế kỷ XIX ở Phú Yên. Chùa cũng là nơi gặp gỡ, hội họp giữa thống sứ Lê Thành Phương với các nghĩa sĩ, tướng quân Cần Vương. Sau 2 năm dựng cờ khởi nghĩa, lập được nhiều chiến công, cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương bị thực dân Pháp và bọn tay sai đàn áp dã man. Hai khẩu súng thần công ở chùa cũng cùng chung số phận, nằm “trơ gan tuế nguyệt” làm bạn với tiếng chuông chùa, với vườn xoài và cây cỏ chim muông.
Đầu tháng 7 âm lịch năm 1898, bổn đạo thập phương về chùa báo đáp, dự lễ Vu lan; tranh thủ cơ hội này, lãnh tụ Võ Trứ triệu tập một cuộc họp bí mật tại chùa bàn chuyện khởi nghĩa. Quân sư Trần Cao Vân từ Huế nghe tin lên đường vào dự khẩn cấp, mặc dù lúc này ông đang bệnh nặng. Đúng như dự liệu của Trần Cao Vân, cuộc khởi nghĩa còn non do vũ khí còn thô sơ, binh sĩ chưa được huấn luyện nên thất bại; lãnh tụ Võ Trứ và Trần Cao Vân cùng các binh sĩ đã hy sinh anh dũng dưới sự đàn áp tàn bạo của thực dân Pháp. Ngày nay, tại chùa có lăng riêng và ngôi miếu nhỏ để thờ hai chí sĩ yêu nước cùng các nghĩa quân.
Từ giá trị về cảnh quan kiến trúc và mốc son lịch sử, năm 1997, chùa Từ Quang được Bộ VH-TT (nay là Bộ VHTT&DL) công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, hòa thượng Thích Đồng Tiến, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên trụ trì với sự trợ giúp của đại đức Thích Chúc Thuận.
Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ và người dân Phú Yên về đây hành lễ, dâng hương tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng quê hương. Chùa Đá Trắng còn là địa chỉ du lịch nổi tiếng cho du khách thập phương khi đến tham quan vùng đất hoa vàng cỏ xanh.
HOÀNG XUÂN THƯỞNG