Thứ Hai, 25/11/2024 05:50 SA
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải - người viết về những nhân vật lẫy lừng
Chủ Nhật, 16/06/2024 09:00 SA

Ở tuổi 80, sức khỏe giảm sút song nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải vẫn xông pha làm báo, viết văn và giảng dạy. Bà nổi tiếng ở mảng ký chân dung - phỏng vấn với nhiều bài báo, cuốn sách viết về các nhân vật và sự kiện lịch sử lẫy lừng. Đặc biệt, bà là nhà báo đầu tiên và duy nhất đã gặp gỡ, viết về nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn.

 

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải chia sẻ thông tin với tác giả. Ảnh: YÊN LAN

 

Có dịp tham gia một số hoạt động trải nghiệm thực tế cùng nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, các đồng nghiệp trẻ ngưỡng mộ phong cách làm việc chuyên nghiệp của bà. Cây bút 80 tuổi nhanh nhạy trong việc phát hiện đề tài, quan sát tỉ mỉ, ghi chép kỹ càng, chắt lọc từng chi tiết khi viết.

 

Viết báo là tìm kiếm, viết văn là chia sẻ

 

Năm 1971, tốt nghiệp Đại học tổng hợp Hà Nội, Nguyễn Thị Ngọc Hải (quê xã Tích Giang, huyện Tùng Hiện, tỉnh Sơn Tây, nay là TP Hà Nội) đã có một số truyện ngắn được chú ý khi in chung với các tác giả khác.

 

Từ một phóng viên, bà Ngọc Hải dần trưởng thành trong nghề, giữ các cương vị Ủy viên Ban Biên tập, Tổng thư ký tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam. Đến năm 1987, nhu cầu đổi mới bản thân thôi thúc, bà cùng gia đình vào Nam. Nhà báo Ngọc Hải trở thành chuyên viên báo chí của Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Với khả năng phát hiện đề tài, lối viết dung dị, gần gũi, hóm hỉnh nhưng sâu sắc, bà được không ít tờ báo mời viết bài cộng tác hoặc đứng chuyên trang. Bà phụ trách Chuyện nhà tôi trên tờ Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần với bút danh Quảng Yên, mục Hôn nhân và Gia đình của Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh với cái tên thân mật “chị Hạnh Dung”…

 

Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải được biết đến nhiều hơn khi phỏng vấn và viết ký sự về các nhân vật “có lý tưởng”, đặc biệt là viết về cuộc đời Phạm Xuân Ẩn - một nhà báo, tình báo nổi tiếng, được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhưng sau hàng chục năm thống nhất đất nước vẫn không có nhiều người biết. “Bị từ chối nhiều lần, tôi đã tạm gác ý định viết về ông nhưng vẫn muốn gặp gỡ, chuyện trò để được học hỏi nhiều điều từ một tài năng, một nhân cách lớn. Cứ thế cả chục năm, tôi cắp giấy bút đến gặp, nghe ông kể những chuyện không thể đoán định trước rồi miệt mài ghi chép một cách chính xác”, bà chia sẻ.

 

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đã có hơn 20 đầu sách được xuất bản gồm đủ thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, ký sự nhân vật, phiếm đàm… Trong đó, mảng ký sự nhân vật chiếm dung lượng nhiều nhất, là lĩnh vực bà say mê theo đuổi bấy lâu với cách biểu đạt rất riêng, nghiêng về khám phá nội tâm, tìm vẻ đẹp trong tâm hồn từng con người cùng những tố chất đặc biệt. Đã phỏng vấn và viết hơn 500 nhân vật, bà tự hào vì được tiếp xúc và có tác phẩm về các nhân vật như Mai Chí Thọ, Hoàng Đạo, Trần Quốc Hương, Phạm Xuân Ẩn…

 

Trong hơn 10 năm ấy, bà cũng đã đi gặp rất nhiều người để kiểm chứng, xác minh thông tin về vị tướng tình báo. Bà gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu tình báo có liên quan đến tướng Ẩn và bị lãnh đạo nhiều lần nhắc nhở, không cho tiếp tục công việc vì lo ngại bí mật tình báo quốc gia bị ảnh hưởng. Bà đùa rằng: “Sự “vô kỷ luật” của tôi lúc đó đã đưa được nhân vật ra ánh sáng, từ đó mới có thêm một số tác giả phương Tây sang Việt Nam viết về Phạm Xuân Ẩn”. Kể câu chuyện này, bà Ngọc Hải dường như vẫn còn xúc động nhưng ánh mắt lấp lánh niềm vui.

 

Cuốn sách Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời đã đoạt giải A cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”, đồng thời cũng đoạt giải A do Bộ Quốc phòng trao tặng vào năm 2002. Từ đó, tên tuổi của vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn được biết đến rộng khắp.

 

“Viết sách khổ lắm. Nhân vật đã bí ẩn, tài liệu mật lại càng mịt mù không biết tìm đâu, nhiều éo le ngóc ngách phải lần mò thẩm tra, liên kết lại. Mình viết cũng “bí ẩn và cô đơn” theo họ…”, nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải thổ lộ.

 

Tôi chết bắt đầu một thế giới sống là cuốn sách của Nguyễn Thị Ngọc Hải đoạt giải B văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997 (không có giải A), kể về hành trình đi tìm mộ liệt sĩ của bác sĩ Trần Văn Bản. Tác phẩm mang đậm tính nhân văn, đã truyền cảm hứng để các nhà báo của Nhật Bản thực hiện một bộ phim tài liệu về quá trình đi tìm hài cốt, từ lúc khai quật cho đến khi đưa về quê hương của các liệt sĩ. Bộ phim đã tạo được tiếng vang lớn ở Nhật Bản.

 

Nửa thế kỷ làm báo và viết văn, bà Ngọc Hải nhận ra báo chí góp phần hình thành nhãn quan phát hiện nhạy bén, tạo điều kiện thâm nhập mọi ngóc ngách đời sống để thu thập tư liệu; còn văn chương đã đắp bồi, làm phong phú thêm tâm hồn. Tác động tương hỗ ấy biểu hiện rõ trên các trang viết, qua những bài báo giàu chất văn, các tác phẩm văn học phi hư cấu, đậm tính thời sự của bà. Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải đúc kết: “Viết báo là tìm kiếm, viết văn là chia sẻ”.

 

Nhà báo phải là người tử tế, trung thực

 

Với cây bút Nguyễn Thị Ngọc Hải, dường như ai cũng có thể trở thành nhân vật. Nghề báo mang lại cho bà cơ hội gặp và phỏng vấn các nhà sử học, nhà khoa học, các doanh nhân, nghệ sĩ trong và ngoài nước… Làm cách nào để họ đồng ý trả lời phỏng vấn? Đó là điều khó nhất. Nhà báo Ngọc Hải cho hay: “Nếu bạn sang trọng, sắc sảo thì dễ được những người ưa sang trọng, sắc sảo nhận lời tiếp với sự tin tưởng để tranh luận những chuyện lớn quan trọng. Nếu bạn chân thật, thiết tha và biết lắng nghe, bạn sẽ dễ được những người quảng giao, hiểu đời, giàu thương mến tiếp bạn”.

 

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải tác nghiệp tại Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor (Vũng Tàu). Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Làm thế nào để có câu hỏi hay? Lời đáp của nhà báo Ngọc Hải là: Nghiên cứu kỹ. Chuẩn bị là bước bắt buộc của một cuộc phỏng vấn. Ta không được quên rằng nguyên lý xuất hiện câu hỏi báo chí là: Câu hỏi báo chí đưa ta từ chỗ đã đi đến cùng sự hiểu biết của ta mà ta vẫn còn muốn biết thêm. Làm bất cứ việc gì cũng phải kiên trì, yêu thích và chuyên tâm vào công việc thì mới có kết quả tốt.

 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hải cho rằng, với sự hỗ trợ của công nghệ, báo chí hiện nay thông tin nhanh hơn; phóng viên giỏi hơn về ngoại ngữ, công nghệ so với lớp làm báo trước đó. Nhưng công nghệ chỉ là phương tiện, nhà báo mới chính là người quyết định và xử lý thông tin.

 

Nói về thế hệ làm báo hiện tại và tương lai, nhà báo Ngọc Hải cho biết: Mỗi thời suy nghĩ mỗi khác và tùy theo sự lĩnh hội về cuộc sống của mỗi người. Nếu nghĩ rằng nghề báo là một nghề tử tế, góp phần làm cho cuộc sống tử tế hơn thì nhà báo trước hết phải là người tử tế, dù cho xã hội có thay đổi hay biến động. Một nhà báo giỏi không chỉ biết ngoại ngữ, rành công nghệ thông tin, có nhiều mối quan hệ, có nhiều nguồn thông tin mà còn phải là người thật sự có cái tâm sống với nghề, yêu nghề và vì nghề.

 

Nhà báo phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh để vượt qua thử thách và cám dỗ. “Tôi nghĩ, con người có tâm hồn nhạy cảm, biết tức giận trước cái xấu, cái ác, biết rung động trước cái đẹp, cái tốt thì họ sẽ ứng xử tinh tế, trung thực, họ dám dấn thân với nghề”, nhà báo 80 tuổi chia sẻ.

 

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hải, nỗi sợ nghề nghiệp lớn nhất là lạc hậu, vì vậy bà không ngừng học hỏi, ngay cả với bạn bè và người thân. Bà chăm học tiếng Anh, mỗi ngày tự học thêm bằng cách lên mạng tìm dịch và điểm những thông tin thú vị trên báo quốc tế để đăng Facebook. Bà theo dõi nhiều dòng chủ lưu thời sự khác nhau, đưa ra những nhận định dí dỏm mà sâu sắc.

 

Tuy đã nghỉ hưu và không còn giảng dạy báo chí ở các trường đại học nhưng bà vẫn cộng tác với một số tờ báo, dạy online về truyền thông báo chí cho các báo địa phương. “Mỗi khi đi dạy, đi dự sự kiện hay gặp một nhân vật nào đó, tôi dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm và tổng hợp tư liệu, cho mình nền kiến thức đủ để tiếp nhận, khai phá những câu chuyện mới”, nhà báo Ngọc Hải chia sẻ.

 

Đọc những cuốn sách của nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tôi ngưỡng mộ nhân vật và tác giả. Tiếp xúc với bà, tôi nhận được bài học về niềm say mê công việc, tinh thần học tập suốt đời và năng lượng tích cực từ một người cầm bút yêu nghề, cần mẫn và tử tế. 

 

MINH NGUYT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek