Chủ Nhật, 08/09/2024 09:45 SA
Giá cả tăng, các gia đình siết chặt chi tiêu
Chủ Nhật, 09/06/2024 07:18 SA

Kinh tế khó khăn, người mua dè dặt chi tiêu, trong khi người bán cũng chật vật vì bán không chạy hàng. Ảnh: THÁI HÀ

Giá cả hàng hóa tăng cao, kinh tế khó khăn khiến nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu tối đa để đối phó với sự biến động của giá cả và rủi ro.

 

Người bán, người mua đều chật vật

 

Năm 2023 và nửa đầu năm 2024, từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ đến người làm dịch vụ như nhà hàng, quán ăn và người buôn bán lẻ truyền thống đều trải qua một mùa làm ăn khó khăn. Ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh cho thấy, mức giá thịt cá, rau củ đều tăng cao so với trước đây; trong khi đó, sức mua lại giảm đi rất nhiều.

 

Chị Nguyễn Thị Liễu, tiểu thương bán thịt tại chợ Phường 7 (TP Tuy Hòa) cho biết: “Giá mỗi ký thịt ba chỉ hiện 135.000 đồng, sườn non 160.000 đồng. Giá tăng hơn những ngày trước từ 5.000-10.000 đồng/kg, tuy nhiên đây không phải là mức giá quá cao.

 

Có lẽ do kinh tế khó khăn nên chợ rất vắng và người đi chợ cũng đắn đo, chi tiêu dè dặt. Trước tình hình này, tôi đã giảm lượng thịt bán ra chỉ còn một nửa vậy mà có bữa vẫn ế”, chị Liễu nói.

 

Còn tại chợ Hòa Vinh (phường Hòa Vinh, TX Đông Hòa), đến trưa, sạp sắp đóng cửa mà chị Võ Thị Mỹ Dung, tiểu thương bán quần áo cho biết vẫn không có khách ghé mua. Theo chị Dung, nguyên nhân tình trạng ế ẩm một phần là do hiện nay bán hàng online phát triển, phần nữa là do kinh tế khó khăn nên người dân cắt giảm chi tiêu.

 

“7 giờ sáng tôi mở cửa sạp và bày quần áo, nhưng có khi đến trưa mới bán được vài món. Chợ mấy hôm nay lưa thưa chỉ có vài người nên tầm 11 giờ tôi đã đóng cửa; còn trước đây tôi bán đến 3 giờ chiều. Nay đến chợ chủ yếu để mọi người đi qua đi lại thấy mình cũng mở cửa sạp, chứ có bán buôn được gì đâu”, chị Dung chia sẻ.

 

Nhiều người tiêu dùng cho hay, trước tình trạng giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng, trong khi thu nhập giảm, họ phải chật vật tiết kiệm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu, chỉ mua sắm đồ thực sự cần thiết.

 

Vợ chồng chị Lưu Thị Thanh ở phường 9 (TP Tuy Hòa) là lao động tự do. Chị Thanh buôn bán còn chồng làm thợ xây. Chồng chị thất nghiệp từ tết đến nay; mọi chi tiêu đều phụ thuộc vào số tiền lời bấp bênh từ nghề ủ và bán giá đỗ của chị.

 

“Gia đình tôi có 3 con. Con lớn nghỉ học từ lúc cấp 3 để đi làm; hai con nhỏ đang học mầm non và THCS. Bây giờ ra chợ, từ thịt cá đến rau củ quả đều tăng giá. Ngày trước cầm 200.000 đồng là đi chợ cho cả nhà ăn một ngày bao gồm cả trái cây và sữa cho đứa nhỏ. Nay cũng cầm từng ấy nhưng loanh quanh ở chợ không mua được nhiều, nên tôi phải cân nhắc và tính toán rất kỹ trước khi đi chợ để mua đúng những món đồ cần thiết, không dám phóng tay”, chị Thanh cho biết.

 

Chủ động siết chặt chi tiêu

 

Thắt chặt chi tiêu đang là xu hướng chung của nhiều người trước thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay. Chia sẻ bí quyết cắt giảm chi tiêu, chị Nguyễn Thị Hảo (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) cho biết: “Vợ chồng tôi có 2 con, đứa nhỏ học tiểu học và đứa lớn chuẩn bị thi đại học. Ngoài chi tiêu hằng ngày, tôi cần tích lũy cho con vào đại học và để dành một khoản những khi đau ốm. Hiện tại, giá cả mặt hàng nào cũng tăng. Để mức sống được đảm bảo, tôi cắt giảm chi phí ăn ngoài, ít tụ tập cà phê bạn bè, mua sắm”.

 

Trong bối cảnh giá cả hàng hóa có xu hướng tăng, kinh tế khó khăn, chi tiêu tiết kiệm đã trở thành điều bắt buộc phải thực hiện đối với nhiều người.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, để thích ứng với thời điểm này, mỗi cá nhân và gia đình cần có những biện pháp chi tiêu thông minh; xây dựng nguyên tắc chi tiêu, bao gồm việc ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu và đầu tư vào những khoản có giá trị lâu dài như thức ăn, giáo dục và y tế.

 

Ngoài ra, các gia đình cũng cần lập kế hoạch chi tiêu hằng tháng, xem xét lại cũng như cắt giảm những khoản không cần thiết, giảm bớt việc mua sắm xa xỉ hoặc hủy các dịch vụ không quan trọng. Nếu có khả năng, gia đình có thể xem xét việc tìm kiếm các nguồn thu nhập thêm nhằm giảm bớt áp lực tài chính.

 

Giá cả gia tăng, kinh tế khó khăn khiến gia đình nào cũng đau đầu chuyện chi tiêu. Nhưng đây cũng là dịp cả gia đình điều chỉnh lại sinh hoạt, sắp xếp lại các khoản thu chi để đảm bảo chất lượng cuộc sống. Quan trọng hơn, trong khó khăn, các thành viên sẽ biết chia sẻ, biết thông cảm, gắn kết hơn.

 

Các gia đình trẻ cần giữ một khoản tiền dự phòng nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp không lường trước như mất việc hoặc chi phí y tế; tìm hiểu và nắm vững kiến thức về tài chính cá nhân như: lãi suất, rủi ro đầu tư, cách xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn để có thể quản lý và đầu tư tiền một cách thông minh.

PGS.TS Lục Mạnh Hiển, chuyên gia kinh tế

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek