Sở Y tế vừa có công văn gửi các sở, ban ngành; Ủy ban MTTQ tỉnh và các hội, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25-31/5 và tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại (PCTH) của thuốc lá.
Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp tổ chức thực hiện Luật PCTH của thuốc lá và Chiến lược quốc gia về PCTH của thuốc lá đến năm 2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá điếu thông thường, tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha tới cán bộ, công chức, người lao động, học sinh, sinh viên...; kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTH của thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm, từ 47,4% (năm 2010) xuống còn 38,9% (năm 2023).
Tỉ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên giảm, trong đó ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống còn 1,9% (năm 2022). Tỉ lệ phơi nhiễm khói thuốc cũng giảm đáng kể, cả ở các hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.
Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỉ lệ sử dụng các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ.
YÊN LAN