Cách đây 75 năm, vào ngày 1/6/1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế quyết định lấy ngày 1/6 hằng năm làm Ngày Quốc tế bảo vệ thiếu nhi; yêu cầu chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống của thiếu nhi. Một năm sau, ngày 1/6 chính thức trở thành Ngày Quốc tế thiếu nhi.
Lần đầu tiên Ngày Quốc tế thiếu nhi được tổ chức, 1/6/1950. Đây là thời điểm công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta đang trải qua thời kỳ cam go ác liệt nhất.
Song, quan tâm đặc biệt đến những chồi non của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Kể từ đó, ngày 1/6 hằng năm được biết đến là ngày tết dành riêng cho trẻ em, cũng là ngày hội chăm sóc và bồi dưỡng thế hệ mầm non tương lai của đất nước.
Trong dịp này, các em không chỉ được vui chơi, nhận những lời chúc mừng chan chứa yêu thương mà còn được tặng những món quà đặc biệt ý nghĩa của ông bà, cha mẹ, người thân.
Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh? Cả cuộc đời Bác đã dành trọn cho dân, cho nước, cho những người cần lao khổ nhọc, đặc biệt là thiếu niên, nhi đồng. Trong đó, 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng đã trở thành nội dung giáo dục đối với Đội TNTP Hồ Chí Minh.
Thực hiện lời dạy của Bác: Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em. Đến nay, chúng ta có hàng trăm văn bản luật và dưới luật liên quan đến trẻ em. Đặc biệt, Luật Trẻ em có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đã cụ thể hóa nhiều quan điểm tiến bộ, góp phần tăng cường công tác giáo dục, bảo vệ trẻ em; tháng 6 hằng năm được chọn là Tháng Hành động vì trẻ em…
Ngày 5/11/2012, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị 20 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”. Thực hiện chỉ thị này, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng.
Đó là, các quyền và môi trường sống của trẻ được bảo đảm; trẻ em khó khăn và có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm hơn trước. Công tác quản lý nhà nước về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ngày càng được chú trọng, qua đó kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ở các cấp.
Các quyền của trẻ em được đảm bảo tốt hơn; chế độ chính sách cho trẻ em được thực hiện đầy đủ, chất lượng giáo dục nâng lên rõ rệt. Trẻ em bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ kịp thời.
Chăm sóc, bảo vệ trẻ em tốt nhất là trách nhiệm không của riêng ai và luôn là mục tiêu không có điểm dừng. Vậy nên, mỗi người chúng ta cần chung tay xây dựng, bảo đảm cho trẻ em một môi trường sinh sống, học tập, vui chơi thực sự an toàn và lành mạnh.
Cùng với bảo đảm đời sống vật chất, chăm lo cho các em được ăn, học đầy đủ, cần quan tâm hơn đến đời sống tinh thần và thể chất của trẻ. Đồng thời tăng cường giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng tự vệ, phòng, chống tai nạn thương tích, nhất là phòng, chống đuối nước trẻ em. Thường xuyên rà soát, bổ sung các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em yếu thế, thuộc hộ nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, đăng ký hoạt động cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật. Nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác trẻ em…
Đặc biệt, không ai bảo vệ trẻ em tốt hơn là chính gia đình các em. Vì vậy, trước hết những người làm cha, làm mẹ cần phải am hiểu pháp luật, nhất là Luật Trẻ em; phải tự trang bị cho mình những kỹ năng về chăm sóc và bảo vệ con cái, để trẻ có một cuộc sống an bình, lớn lên thành người tử tế, có ích cho gia đình và xã hội.
XUÂN HIẾU