Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng vừa tiến hành kiểm tra tại một số địa phương và đơn vị. Qua công tác kiểm tra, đoàn ghi nhận một số vấn đề cần lưu tâm để hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra trong năm 2024.
Thiếu phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng
Xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) là địa phương đầu tiên đoàn kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đến làm việc. Theo lãnh đạo địa phương này, tổng diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2023 trên địa bàn xã Sông Hinh hơn 21.295ha (14.233ha rừng phòng hộ, 7.063ha rừng sản xuất).
Ngoài việc kiện toàn tổ, đội bảo vệ rừng và PCCCR (5 thôn, buôn với 20 thành viên), xã Sông Hinh chưa xác định và phân chia rõ nhiệm vụ của các tổ công tác khi triển khai lực lượng chữa cháy rừng. Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra nhận thấy xã Sông Hinh chưa có phương án PCCCR của hộ gia đình, cá nhân; không có các công trình, phương tiện, dụng cụ PCCCR. Theo phương án, để chữa cháy, họ chỉ dùng các dụng cụ thô sơ gồm: rựa, cào cỏ (10 cái); bầu đựng nước 20 lít (5 cái).
Giải thích về vấn đề này, ông Phạm Hữu Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Hinh cho rằng, nhiều năm qua địa phương không xảy ra tình trạng cháy rừng; đồng thời kinh phí còn khó khăn nên xã không thể trang bị được các phương tiện PCCCR cần thiết. Trong khi đó, theo đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, lực lượng kiểm lâm không thể cấp cho UBND xã Sông Hinh các phương tiện PCCCR, vì địa phương này không có người bảo quản vận hành thường xuyên, thiết bị sẽ hư hỏng, đến khi cần dùng thì không sử dụng được. Đoàn kiểm tra đề nghị UBND xã Sông Hinh sớm trang bị phương tiện PCCCR trong bối cảnh diễn biến thời tiết phức tạp và không thể chủ quan.
Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện phòng cháy, chữa cháy rừng ở huyện Sông Hinh. Ảnh: NHẬT HUY |
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, diện tích rừng đơn vị này quản lý hơn 7.084ha (6.989ha rừng tự nhiên, 43ha rừng trồng có trữ lượng, 53ha rừng trồng chưa có trữ lượng). Vùng nguy cơ xảy ra cháy rừng là 15 vị trí (cấp III đến cấp V) với diện tích hơn 1.078ha; trong đó 1.033ha rừng tự nhiên, hơn 45ha rừng trồng, trên địa bàn các xã Ea Chà Rang, Krông Pa, Sơn Phước, Suối Trai.
“Dù còn nhiều khó khăn, nhưng đơn vị vẫn nỗ lực trong công tác PCCCR. Tuy nhiên, hiện nay các bảng, biển tuyên truyền xây bằng xi măng đã mờ, xuống cấp, đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp kinh phí cho tu sửa. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng cần mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng các phần mềm chuyên dụng cho lực lượng kiểm lâm làm việc tại địa bàn, góp phần làm tốt công tác bảo vệ rừng và PCCCR trong năm 2024”, ông Phạm Văn Nghĩa, Phó Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai nói.
Ông Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết, đoàn kiểm tra ghi nhận những ý kiến từ cấp cơ sở để tham mưu cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh phù hợp với tình hình thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay, nhằm hạn chế tối đa các trường hợp cháy rừng, gây thiệt hại người và tài sản.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp
Lực lượng kiểm lâm tỉnh đặt bảng cấm ở cổng rừng, hạn chế người dân vi phạm pháp luật. Ảnh: NHẬT HUY |
Sau khi kiểm tra trình trạng hoạt động của các công trình, phương tiện và trang thiết bị chữa cháy rừng trên toàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định số lượng công trình bảo vệ rừng và PCCCR gồm: 106 bảng tuyên truyền (15 bảng sử dụng tốt, 91 bảng xuống cấp cần duy tu và đầu tư mới); 37 bảng cấp dự báo cháy rừng (2 bảng sử dụng tốt, 35 bảng xuống cấp cần duy tu và đầu tư mới), 16 bảng quy ước bảo vệ rừng xuống cấp cần duy tu và đầu tư mới. Về phương tiện, có 4 ô tô bán tải có bồn chứa nước, máy phát điện, máy bơm. Trang thiết bị chữa cháy rừng hiện sử dụng tốt có 91 máy thổi gió; 70 máy cắt thực bì, máy cắt cỏ; 41 máy cưa gỗ (xăng); 29 bình chữa cháy xách tay, đeo vai; 8 flycam. Đây là con số khá khiêm tốn để thực hiện công tác PCCCR.
Trong khi chờ tăng cường các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác PCCCR, phương pháp hợp lý với điều kiện hiện nay là chủ động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm công tác PCCCR; chủ động phối hợp các ngành, địa phương kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng, cũng như phối hợp với UBND cấp xã rà soát phương án, kế hoạch PCCCR của các đơn vị, chủ rừng theo quy định.
Hiện 100% lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã được “báo động” về diễn biến phức tạp của thời tiết, đồng thời xây dựng phương án bố trí lực lượng, phương tiện, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm cũng được bố trí ở các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, đơn vị này đã chỉ đạo hạt kiểm lâm ở các địa phương thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ: kiemlam.org.vn; trang điện tử Chi cục Kiểm lâm Phú Yên: kiemlam.phuyen. gov.vn để thông tin với địa phương, chủ rừng biết phòng ngừa, phối hợp và chỉ đạo lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Theo ông Huỳnh Xuân Quang, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ngoài nỗ lực của lực lượng bảo vệ rừng, các địa phương cũng cần chủ động thực hiện tốt chỉ đạo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần bố trí kinh phí mua thiết bị chữa cháy ban đầu cho tuyến xã như máy xịt nước và máy thổi gió. Tối thiểu mỗi xã phải có một máy để chữa cháy ban đầu, khi phát hiện cháy rừng, bởi thời tiết trong năm 2024 còn diễn biến rất phức tạp.
“Sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương, chủ rừng và người dân trong công tác phòng ngừa và ứng phó cháy rừng sẽ góp phần hạn chế và giảm số vụ, diện tích rừng cháy trong năm nay. Nếu thành công, đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các địa phương trên toàn tỉnh”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo kết quả diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng tỉnh Phú Yên năm 2023, toàn tỉnh có hơn 257.169ha rừng. Qua rà soát, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định toàn tỉnh có 212 vùng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, với diện tích rừng trồng khoảng 109.401ha. |
NGÔ NHẬT