Thứ Tư, 02/10/2024 11:25 SA
Cổ tích của trẻ lang thang
Chủ Nhật, 30/10/2005 10:57 SA

Trong gian phòng khá rộng, bọn trẻ ngồi cặm cụi mài, cưa và lắp ghép những mảnh dừa nhỏ lại với nhau. Những đôi mắt chăm chú dõi theo từng công đoạn tạo hình sản phẩm. Trái với đặc tính hoạt náo của bọn trẻ, ở đây, không có tiếng cười nói ồn ào, chỉ có tiếng máy mài dừa vang lên trong không gian im lặng và những đôi tay bé nhỏ cần mẫn mải mê bên công việc.

 

Nguyễn Thanh Tâm:" Em vui vì được học nghề ở đây" - Ảnh: Ngọc Dung

 

Lê Văn Tính tháo bỏ chiếc khẩu trang, rồi phủi phủi những bụi dừa li ti bám trên chiếc áo thun bạc màu nhìn tôi cười rụt rè: “Được học nghề miễn phí ở đây không phải tốn tiền, em thấy dui lắm!”. 14 tuổi, mà Tính nhỏ như một cậu bé lên tám. Ước mơ lớn nhất của Tính là có cơm no bụng ngày ba bữa và một việc làm để tự lo cho bản thân. Với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình bình thường, thì những điều ước như cậu bé này không phải là... ước mơ. Nhưng với Tính, một cậu bé 14 năm nay không hề biết mặt cha. Một “đồng nghiệp” của Tính cùng ở cùng thôn Nam Bình, xã Hoà Xuân Tây (Đông Hoà) thầm thì với tôi: “Ba nó bỏ mẹ hầu nó còn nhỏ xíu. Nhà nó khổ lắm. Anh trai làm mướn, mẹ đi bán vé số ở trong Sài Gòn”. Còn hiện tại, ngồi bên tôi, đôi mắt Tính đang lấp lánh niềm vui, vì cậu bé đã có việc làm đúng như mong ước.

 

Anh Trần Ngọc Năm, Quản đốc phân xưởng Công ty Bình SVC: “Các em học nghề ở đây có gia cảnh rất khó khăn. Vì thế, doanh nghiệp chúng tôi đã phối hợp với Trường dạy nghề tỉnh, Sở lao động thương binh xã hội mở lớp dạy nghề miễn phí cho các em. Đa số các em học nghề ở đây đều chịu khó và ham học hỏi. Sau khi hoàn thành khoá học, nếu em nào có nguyện vọng ở lại công ty, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các em tiếp tục làm việc lâu dài ở đây”.

Vừa ngồi tỉ mẩn lắp ghép những mẩu dừa nhỏ lại với nhau, cậu bé Võ Thanh Phong, quê ở Phú Mỹ, Hoà Đồng (Tây Hoà)và Nguyễn Thanh Tâm, thôn Hội Cư, Hoà Tân Tây(Tây Hoà) buồn buồn kể về giấc mơ học hành dở dang của mình và những chuỗi ngày lang thang kiếm sống ở đất Sài Gòn, rồi nói: “Đó là những chuyện đã cũ, còn mấy tháng nay, tụi em may mắn được các cô chú, anh chị ở Sở Lao động Thương binh - Xã hội, Doanh nghiệp Bình SVC và Trường Dạy nghề tỉnh tạo điều kiện học nghề miễn phí ở đây”.

 

Bây giờ trên gương mặt u buồn của cô gái 21 tuổi, Lê Thị Aùnh Thư ở thôn Bàn Thạch, xã Hoà Xuân Đông (Đông Hoà) đã bật sáng niềm vui. Thư nói: “Em bị dị tật chân, tay phải từ nhỏ. Đi đứng không được vững vàng, nói chi làm những việc nặng nhọc. Em thấy vui vì mình thích hợp với nghề thủ công mỹ nghệ dừa này, làm nó rất nhẹ nhàng không hề vất vả, cực nhọc. Đặc tính của nghề là sự chịu khó, nhẫn nại lại phù hợp với tính cách của em”.

 

Trong những người học nghề ở đây, có lẽ Đinh Văn Lộc ở Nam Bình, Hoà Xuân Tây (Đông Hoà) là có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhất. Nhà Lộc có 7 anh em, Lộc là con thứ sáu. Nhưng bây giờ, chỉ có mỗi cô em gái út còn đang học lớp 3, còn sáu anh em Lộc đều nghỉ học và từ nhiều năm nay phải tự kiếm sống bằng nghề làm thuê cuốc mướn và bán vé số. Trong đợt đưa trẻ em lang thang  ở TP Hồ Chí Minh về với gia đình, Lộc cùng người anh trai đã được đưa về trong đợt này. Cha Lộc mất cách đây hai năm, một mình mẹ Lộc sấp ngửa chạy vạy kiếm tiền nuôi 8 miệng ăn trong nhà. Mân mê chiếc bình hoa vừa được làm xong, Lộc nói nho nhỏ cho tôi nghe ước mơ của mình: “ Em mong mình sau khi hoàn thành 3 tháng học nghề ở đây, em sẽ được tiếp tục ở lại làm việc trong công ty, để sau này vừa kiếm được tiền tự lo cho bản thân, vừa phụ giúp má”.

 

Người ta thường nói về những ước mơ. Có những ước mơ cao vời thoát khỏi thực tại, có những ước mơ giản dị nhỏ nhoi gắn liền với nỗi lo cơm áo gạo tiền của cuộc sống đời thường vây bủa như những đứa trẻ có gia cảnh bất hạnh này. Những ước mơ không thoát khỏi những năm tháng nhọc nhằn của tuổi thơ- Những ước mơ dễ làm người ta đau khi chạm vào.

NGỌC DUNG

Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Võ Văn Binh:

Để tạo điều kiện cho trẻ lang thang hồi gia và tránh tình trạng trẻ tái lang thang, bên cạnh việc tập trung giúp đỡ tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình của các em, chúng tôi còn tổ chức cho các em được học nghề miễn phí, ngoài ra còn hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/khoá học. Với các em học nghề tại cộng đồng sẽ hỗ trợ 2 triệu đồng/ em. Và dự án này sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek