Nhờ sự năng động, dám nghĩ dám làm, thời gian qua ở xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ vượt khó. Điển hình là chị Huỳnh Thị Điệp với mô hình tráng bánh tráng máy.
Bám trụ với nghề tráng bánh thủ công hơn 25 năm, chị Huỳnh Thị Điệp luôn trăn trở làm thế nào để đưa công nghệ vào nghề tráng bánh truyền thống nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Với ý tưởng đó, năm 2020, chị Điệp đầu tư hơn 300 triệu đồng lắp ráp máy làm bánh tráng để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Với máy làm bánh tráng, năng suất và sản lượng bánh cao hơn làm bánh thủ công. Cụ thể, máy tráng bánh có công suất trên 1 triệu đồng tiền bánh/giờ; mỗi tạ gạo có thể làm ra trên 94kg bánh tráng thành phẩm, hiệu suất tăng gấp nhiều lần so với làm bánh tráng thủ công. Thêm vào đó, bánh tráng máy không sử dụng các nguyên liệu như củi, trấu, mùn cưa… nên không ảnh hưởng đến môi trường.
Trước kia, mặc dù phải thức khuya dậy sớm, nhưng mỗi ngày cơ sở của chị chỉ tráng tối đa khoảng 20kg gạo. Từ ngày đầu tư máy móc, mỗi ngày cơ sở của chị tráng khoảng 200-300kg gạo. Bình quân, mỗi tháng cơ sở cung cấp khoảng 200.000-300.000 bánh tráng ra thị trường, lợi nhuận khoảng 25-30 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, cơ sở còn tạo việc làm thường xuyên cho 4-7 lao động địa phương, với thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Điệp cho biết, bánh tráng máy của gia đình chị ngày càng được nhiều người biết đến; thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng nhiều tỉnh, thành lân cận.
Bà Nguyễn Thị Ái Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh cho hay: Mô hình sản xuất bánh tráng máy của gia đình chị Điệp là một trong những mô hình kinh tế nổi bật của xã Đức Bình Đông. Đặc biệt, chị Điệp đã rất mạnh dạn đầu tư máy móc, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ tạo nguồn thu ổn định cho gia đình, cơ sở tráng bánh của chị còn tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho các lao động trên địa bàn xã.
NGỌC LY