Tạm rời những quán cà phê sang trọng được đầu tư bài bản để hòa mình vào nhịp đường phố ở các đô thị trung tâm của tỉnh, ta sẽ bắt gặp những phong vị cà phê rất khác. Len lỏi nơi phố nhỏ, ngõ nhỏ có cà phê mộ, cà phê cánh đồng, cà phê ngõ… Trên vỉa hè lại gọn nhẹ với cà phê tủ, để người đi đường bất giác nhớ vị ngọt đắng có thể tranh thủ tấp vào mua.
Cà phê mang đi
Dưới chân cầu vượt đại lộ Nguyễn Tất Thành từ UBND phường Phú Thạnh hướng về trung tâm TP Tuy Hòa có một tủ cà phê nhỏ, thu hút người đi đường bằng chiếc chong chóng nhiều sắc màu. Em Nguyễn Thị Nguyệt, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh (Trường đại học Xây dựng Miền Trung), chủ tủ cà phê này cho biết thay vì đi làm thuê như các bạn, em chọn mở bán cà phê bởi tự do về thời gian, vốn đầu tư ít.
“Em xin bố mẹ hơn 1 triệu đồng đóng tủ bày cà phê, mua 2 chiếc ghế cùng nguyên liệu cà phê, sữa và một số dụng cụ pha chế. Buổi sáng em dậy sớm pha sẵn cà phê rồi bỏ vô bình mang đi bán. Khách uống cà phê sữa thì châm thêm sữa, uống cà phê đen thì bỏ thêm đường… Em bán được gần 1 năm nay, khách lai rai cũng đủ để em trả tiền trọ và ăn uống hằng ngày. Em chủ yếu bán buổi sáng từ 6-10 giờ, buổi chiều lên lớp. Từ khi làm việc này, em thấy mình năng động hơn”, Nguyệt nói.
Như một thói quen, hơn 10 năm nay, sáng nào anh Ngô Văn Sang ở phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa) cũng uống một ly cà phê trước khi vô làm việc cho tỉnh táo. Gần đây, anh chọn cà phê mang đi bởi sự tiện lợi. “Ngay trên đường đi làm, chỉ cần ghé vô vỉa hè, chưa đầy 1 phút, tôi có ngay ly cà phê đá thơm ngon uống liền mà không phải đợi từng giọt như trước”, anh Sang chia sẻ.
Cà phê mang đi được bày bán trong một tủ nhỏ với chiều cao khoảng 1m, rộng 50-90cm; không có ghế ngồi, không có wifi, được đặt gọn nhẹ trên vỉa hè những tuyến đường chính trong nội đô.
Ở TP Tuy Hòa, tập trung nhiều tủ bán cà phê dọc đường Nguyễn Tất Thành từ phường Phú Thạnh tới xã Bình Kiến và bán rải rác trên các tuyến Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ…; ở TX Đông Hòa là từ cầu Bến Lớn qua ngã ba Cây Bảng đến chợ Hòa Xuân Tây…; ở TX Sông Cầu là các công viên và khu trung tâm.
Tuy không gian nhỏ nhưng các quán bán đủ loại từ cà phê đen, cà phê sữa đến cà phê muối… với giá bình dân từ 10.000-15.000 đồng/ly; cà phê pha máy trực tiếp giá nhỉnh hơn chút nhưng không quá 20.000 đồng/ly.
Ngõ nhỏ, phố xa
Đường vào khu phố Nam Bình 1 (TX Đông Hòa) có một quán cà phê khá đặc biệt bởi khi đến đây, khách vừa uống cà phê, vừa “ngắm” hai ngôi mộ. Khách của quán chủ yếu là người dân trong vùng hoặc thành viên hội nông dân, người cao tuổi...
Theo ông Ngô Văn Tịnh, Trưởng khu phố này, trước đây cả khu phố chỉ có một quán cà phê nhỏ, nhiều người phải đến tận trung tâm thị xã uống. Nay nhịp sống phát triển, khu phố đã có tới 5 quán. Đối với quán cà phê mộ, xưa nơi đây đất rộng, từng nhà cách xa nhau nên người dân chôn cất người thân trên đất gia đình. Khi bà con mở quán tại nhà, họ cũng không muốn di chuyển mộ đi.
TP Tuy Hòa nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung không phải là thủ phủ cà phê, nhưng nhiều du khách tới đây vẫn say cà phê theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Chị Nguyễn Thu Trang, một du khách tới từ tỉnh Hưng Yên chia sẻ: Dù đã uống cà phê cả chục năm nay, nhưng uống cà phê Tuy Hòa lần đầu tôi vẫn chếnh choáng nhẹ. Hỏi ra mới biết ở đây cà phê nguyên chất nên uống không quen, có thể bị say. Thế mới biết, từ trước tới nay mình toàn uống cà phê pha đậu nành, bắp…
Thú vị nhất là tháng 3 ở miền Bắc vẫn còn co ro trong cái rét thì tới Tuy Hòa lại được hòa mình trong nắng ấm của gió biển với một ly cà phê sữa ngọt môi nơi quán cóc. Điều này thật sự độc đáo với chuyến du lịch đầu năm.
Theo UBND TP Tuy Hòa, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 650 đơn vị kinh doanh dịch vụ gồm nhà hàng, quán ăn, cà phê. Không gian đô thị càng mở rộng ra với nhiều tuyến đường thì hoạt động kinh doanh cà phê càng đa dạng. Đây là sự phát triển tất yếu của một đô thị đang ngày càng sôi động như Tuy Hòa. |
MINH DUYÊN