Các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt

Các địa phương khắc phục hậu quả lũ lụt

Hôm qua, người dân ở nhiều vùng trong tỉnh vừa khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt do áp thấp nhiệt đới gây ra, vừa phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với cơn bão số 10 vừa hình thành trên Biển Đông đang hướng thẳng vào đất liền Nam Trung Bộ - Nam Bộ.

* Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc: Ổn định đời sống nhân dân, duy trì lực lượng ứng phó bão số 10

* Còn 18 tàu thuyền với 160 lao động Phú Yên trên biển

* Lũ lụt làm 3 người chết

* Hôm qua, vẫn còn nhiều địa phương bị ngập.         

Hôm qua, người dân ở nhiều vùng trong tỉnh vừa khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt do áp thấp nhiệt đới gây ra, vừa phải chuẩn bị tinh thần ứng phó với cơn bão số 10 vừa hình thành trên Biển Đông đang hướng thẳng vào đất liền Nam Trung Bộ - Nam Bộ.

gieo-trong-081117.jpg
Người dân Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) thu gom giống hoa lay-ơn bị ngập  - Ảnh: L.KHA

Do ảnh hưởng của vùng rìa áp thấp, trong các ngày 13-14/11, tại Phú Yên đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được chỉ trong khoảng thời gian từ 19g ngày 13 đến 19g ngày 14/11 phổ biến từ 88,6-469,5mm. Với lượng mưa trên, nước lũ trên các sông đã lên rất nhanh, nhiều sông vượt báo động cấp III. Mưa lũ đã gây ngập nặng ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tuy An là địa phương bị ngập nặng nhất tỉnh Phú Yên. Đến chiều qua (16/11), Trưởng phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, Phó trưởng BCH PCLB-TKCN huyện Tuy An Nguyễn Vũ Hành cho biết, khu vực các xã phía đông của huyện đã không còn bị chia cắt do nước rút, đường sá đã có thể đi lại được. Riêng các xã phía tây vẫn còn bị chia cắt. BCH PCLB-TKCN huyện Tuy An đã yêu cầu lực lượng ứng cứu, lực lượng xung kích các địa phương nhanh chóng giúp đỡ người dân dọn dẹp nhà cửa ổn định chỗ ở. Riêng hơn 250 ha lúa vụ 10 và 12 bị ngập, BCH yêu cầu các địa phương và người dân kiểm tra phần nào bị thiệt hại hoàn toàn, phần nào có khả năng thu hoạch được thì tập trung rửa phèn, tiêu úng, khôi phục khả năng sinh trưởng để có thể thu hoạch. Ông Nguyễn Vũ Hành nói: Nước rút tới đâu thì ổn định dân cư tới đó, BCH PCLB - TKCN các cấp đang huy động các lực lượng tại chỗ nhằm nắm bắt thực tế tình hình thiệt hại và đời sống của người dân sau mưa lũ để có phương án khắc phục. Tại những vùng trũng thấp vẫn còn ngập trong nước, địa phương cùng phối hợp với ngành y tế, Trung tâm vệ sinh phòng dịch khử trùng nước và diệt các mầm bệnh do nước lũ để lại. Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra ở Tuy An là trên 770 triệu đồng.

Trong khi đó, tại huyện Sơn Hòa, Phú Hòa và phường 6 TP Tuy Hòa, các lực lượng xung kích tích cực giúp 209 hộ dân đã di dời quay lại chỗ ở sau khi chạy lũ. Tại TP Tuy Hòa, vào sáng 16/11, khi nước lũ vừa rút khỏi những cánh đồng ở xã Bình Ngọc, hàng trăm hộ dân đã nhanh chóng làm vệ sinh đồng ruộng, thu gom số giống hoa lay-ơn còn lại trên đất. Diện tích hoa lay-ơn này vừa được người dân nơi đây xuống giống vài ngày, đã bị lũ làm ngập úng, có thể bị chua rễ, thối củ.

khac-phuc-081117.jpg

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Phát triển nhà và công trình đô thị dọn vệ sinh đường phố Tuy Hòa sau khi lũ rút - Ảnh: N.LƯU

Tại Đồng Xuân, đến giữa trưa qua, tuyến đường từ thị trấn La Hai đi xã Xuân Sơn Bắc vẫn chưa đi lại được do tràn sông Cô còn ngập. Theo nhận định của BCH PCLB-TKCN xã Xuân Sơn Bắc, nếu trời không mưa thì phải đến chiều nay, tràn sông Cô mới hết ngập. Tràn sông Trà Bương (xã Xuân Quang 3) vẫn ngập sâu gần 1m, giao thông còn ách tắc, người qua lại phải nhờ sõng đưa. Theo BCH PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân, đến chiều qua, hầu hết các hộ dân đi sơ tán đều đã trở về nhà an toàn. Trưởng Phòng NN và PTNT, Phó trưởng BCH PCLB-TKCN huyện Đồng Xuân Nguyễn Lý Nguyên cho biết: Ngay sau lũ, UBND huyện Đồng Xuân đã có chỉ thị yêu cầu UBND các xã, thị trấn nhanh chóng giúp người dân dựng lại nhà cửa, kiểm tra số hộ có khả năng bị thiếu đói, mất giống sản xuất nhằm có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, vẫn tiếp tục giữ vững việc ứng trực tại các điểm ngập, nước chảy xiết, tại các khu vực cầu yếu có khả năng gây thiệt hại cho người qua lại.

Tại Sông Cầu, hôm qua, người dân ở hai khu dân cư bị ngập lụt là Vạn Phước và Long Bình ở thị trấn Sông Cầu đã ổn định cuộc sống trở lại. UBND xã Xuân Phương đã huy động nhân dân đắp lại 2 đoạn bờ bao ruộng muối ở thôn Trung Trinh bị sạt lở. Trong khi đó, xã Xuân Bình đang huy động nhân dân làm lại 5m cầu gỗ từ Hòa Thạnh đi Hòa Lạc bị gãy đổ do mưa lũ. Hiện 760m đường giao thông nông thôn thuộc các xã Xuân Lộc, Xuân Phương, Xuân Thọ 2 bị sạt lở chưa khắc phục được.

LY KHA – HOÀI NAM – KHẮC NHO

PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH, TRƯỞNG BCH PCLB-TKCN TỈNH PHÚ YÊN NGUYỄN BÁ LỘC:Ổn định đời sống nhân dân, duy trì lực lượng ứng phó bão số 10

Chiều qua (16/11), Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCH PCLB-TKCN tỉnh Phú Yên Nguyễn Bá Lộc đã yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương và người dân cùng góp sức nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bá Lộc chỉ đạo:

Các địa phương có người chết thực hiện hỗ trợ theo quy định, UBND các huyện, xã kịp thời giúp dân dựng lại nhà cửa bị sập, nghiêng để ổn định cuộc sống. Ngành Y tế triển khai ngay việc kiểm tra các vùng dân cư bị ngập sâu, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, dùng thuốc khử trùng các giếng nước, phun thuốc diệt muỗi, diệt mầm bệnh sau lũ.

Với các công trình thủy lợi, kênh mương bị sạt lở, hư hại, yêu cầu các địa phương, hợp tác xã huy động lực lượng tại địa phương khắc phục ngay để kịp thời phục vụ nước tưới cho vụ đông xuân theo lịch thời vụ đã đề ra. Các công trình giao thông đã bị hư hại thì tỉnh, huyện cùng với Trung ương sẽ nhanh chóng triển khai các biện pháp khắc phục nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và an toàn.

Bằng mọi cách, các địa phương, HTX, các đơn vị, ngành chức năng phải thực hiện ngay các biện pháp nhằm chuẩn bị cho bà con nông dân bước vào vụ sản xuất đông xuân đúng lịch. Tại những vùng trũng thấp bị ngập nặng, nông dân thiếu các loại giống, rau, màu, UBND tỉnh sẽ có biện pháp hỗ trợ hoặc đề nghị TW hỗ trợ giống kịp thời.

Về ứng phó với cơn bão số 10, đồng chí Nguyễn Bá Lộc yêu cầu: Tất cả các địa phương, BCH PCLB-TKCN các cấp phải duy trì lực lượng, phương tiện và phương án ứng phó lũ, bão từ áp thấp nhiệt đới vừa rồi, với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Các đơn vị đặc biệt chú trọng phương án tránh thiệt hại về người, sạt lở, vỡ bờ bao các công trình thủy lợi, đê kè… Các địa phương và người dân không được lơ là trong vấn đề phòng, tránh và ứng phó với mưa lũ có thể xảy ra. BCH PCLB - TKCN Phú Yên, BCH Bộ đội Biên phòng tiếp tục liên lạc với các tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn cho tàu thuyền di chuyển đến vị trí tránh, trú bão an toàn.    

           

KHOA THY

Còn 18 tàu thuyền với 160 lao động Phú Yên trên biển

Chiều tối qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết, hiện còn 18 tàu cá với 160 lao động Phú Yên hành nghề câu cá ngừ đại dương đang tránh trú ở tọa độ 7-80 vĩ Bắc, 110-1110 kinh Đông. 17g30 chiều qua, trung úy Nguyễn Ngọc Ry của Trạm Kiểm soát biên phòng Đà Rằng đã liên lạc được 10/11 tàu cá khu vực phường 6 (7 chiếc còn lại thuộc phường Phú Đông). Tất cả các tàu đang chạy từ tọa độ 80 vĩ Bắc về tránh trú an toàn ở 6,50 vĩ Bắc. Có 2 tàu chưa liên lạc được là PY90319 TS và PY90963 TS. Tuy nhiên, liên hệ với người nhà ông Võ Văn Yên chủ tàu PY90863 TS thì được biết, tàu PY90963 TS và tàu PY90090 TS trên đường về, khoảng 8g sáng nay sẽ cập bến Tuy Hòa.

Bộ đội biên phòng Phú Yên cũng duy trì 110 cán bộ chiến sĩ, 5 ô tô, 5 tàu, 7 ca nô ở các đồn biên phòng và Hải đội, cơ quan thường trực sẵn sàng lực lượng cơ động phòng chống bão số 10.

                       

TRẦN QUỚI

3 NGƯỜI CHẾT, HÀNG NGÀN HECTA RAU, MÀU BỊ NGẬP

Theo thống kê sơ bộ của BCH PCLB - TKCN tỉnh Phú Yên, đến chiều qua (16/11), mưa lũ đã gây thiệt hại tại các địa phương như sau:

do-081117.jpg

Hôm qua, nhiều vùng ở Đồng Xuân vẫn phải đi lại bằng sõng - Ảnh: H.NAM

- 3 người chết:

Lê Thị Kim Ngọc, SN 1991, thôn Xuân Thành xã An Xuân, huyện Tuy An.

Trần Minh Thắng, SN 2007, thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa.

Nguyễn Thị Bích Phương, SN 1993, thôn Nam Bình 1, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa.

- Nhà sập hoàn toàn: 4 cái, hư hại 50%: 4 cái, nhà bị ngập: 2.211 nhà; một trạm xá và 2 phòng học bị hư hỏng nặng.

- Số hộ dân phải sơ tán: 209 hộ (Phú Hòa: 65 hộ, Sơn Hòa: 125 hộ, TP Tuy Hòa: 15 hộ).

- Tàu thuyền bị chìm: 2 chiếc.

- Diện tích lúa bị ngập: 963 ha (Tây Hòa: 260 ha, Tuy An: 250 ha, Sông Cầu: 114 ha, Đồng Xuân: 201 ha, Sơn Hòa: 40 ha, Sông Hinh: 50 ha, Phú Hòa: 48 ha); diện tích rau, màu bị ngập: 298 ha (Tây Hòa: 6 ha, Sông Cầu: 5 ha, Đồng Xuân: 201 ha, Sơn Hòa: 115 ha, Phú Hòa: 360 ha, Đông Hòa: 20 ha); diện tích mía bị ngã đổ: 911 ha; diện tích sắn bị ngập: 352 ha. Kênh mương bị bồi lấp, sạt lở: 11.180 m3. Đê kè bị vỡ, bờ sông, bờ bao bị xói lở: 110m3

- Giao thông: Khối lượng bị sạt lở, bồi lấp: 1117 m3; Cầu cống, tràn bị hư hỏng: 4 cái; Mặt đường nhựa bị hư hỏng: 7.100 m2; Rãnh đá xây bị hư hỏng, xói lở: 250m; Đá xây, đá hộc taluy bị hư hỏng: 170m3.             

                                                        

LY KHA

Từ khóa:

Ý kiến của bạn