Mối tình kết nghĩa Hải Dương - Phú Yên đã gắn bó keo sơn, son sắt thủy chung hơn 60 năm qua, kể từ khi hai miền Bắc - Nam còn chia cắt. Vậy nên, mỗi lần về Hải Dương, nhiều người Phú Yên có chung cảm giác như về ngôi nhà của mình.
Phố Tuy Hòa giữa lòng TP Hải Dương. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Son sắt, nghĩa tình
64 năm trước, trong những ngày hai miền của đất nước bị chia cắt bởi đạn bom chiến tranh, vào ngày 9/1/1960, lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Hải Dương và Phú Yên được tổ chức tại TX Hải Dương (nay là TP Hải Dương).
Với tinh thần và ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt”..., hàng vạn thanh niên ưu tú của quê hương Hải Dương đã lên đường vào Nam, sát cánh cùng quân dân Phú Yên anh dũng chiến đấu, đánh hàng trăm trận, lập nên nhiều chiến công vang dội. Nhiều người trong số đó đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, yên nghỉ trong lòng đất mẹ Phú Yên.
Sau ngày Bắc - Nam thống nhất, đất nước hát khúc khải hoàn, mối quan hệ kết nghĩa giữa Hải Dương và Phú Yên vẫn được duy trì và ngày càng trở nên gắn bó keo sơn. Hải Dương giúp Phú Yên hàn gắn vết thương chiến tranh, tái thiết tỉnh nhà mà Thư viện Hải Phú ngày nay là một trong những minh chứng sống. Theo năm tháng, cán bộ, quân và dân hai tỉnh tiếp tục vun đắp tình đoàn kết, son sắt thủy chung.
Những chủ nhân của đảo Cò. Ảnh: CTV |
Ði chợ Phú Yên, dạo phố Tuy Hòa…
Cùng anh chị em văn nghệ sĩ của Phú Yên về thăm lại Hải Dương mới đây, chúng tôi như những người xa quê lâu ngày được trở về chính ngôi nhà của mình. Ðặc biệt, trên quê hương xứ Ðông này, chúng tôi được đi chợ Phú Yên - chợ lớn nhất của Hải Dương và là một trong những chợ to đẹp nhất của vùng Ðông Bắc. Chúng tôi cũng đã dạo phố Tuy Hòa và nhiều khu phố khác mang địa danh của vùng đất hoa vàng cỏ xanh như: Tuy An, Sơn Hòa, Ðồng Xuân, Ngân Sơn, Xuân Ðài… rất đỗi thân thương.
Gần đây nhất, trước thềm năm mới 2024, những người làm công tác văn hóa quần chúng của Trung tâm Văn hóa và Ðiện ảnh (Sở VH-TT&DL) Phú Yên có chuyến giao lưu văn nghệ truyền thống tại một số địa phương của Hải Dương. Không chỉ hỗ trợ về âm thanh, nhạc cụ, sân khấu…, các địa phương còn dành cho đoàn bằng tất cả tình cảm của người trong một nhà.
Ông Lê Trung Hiền, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Ðiện ảnh tỉnh, trưởng đoàn nhớ lại: Tối nào đoàn biểu diễn cũng thu hút đông đảo người dân đến xem và cổ vũ nhiệt tình; lãnh đạo địa phương đến động viên, thăm hỏi ân cần. Ðặc biệt khi ra đường, dạo phố, biết chúng tôi là người Phú Yên kết nghĩa, bà con Hải Dương ai ai cũng tỏ ra thân thiện.
Tham quan đền Cao An Phụ. Ảnh: XUÂN HIẾU |
Hấp dẫn đảo Cò
Về Hải Dương lần này chúng tôi còn được tận mắt chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ của TP Hải Dương. Từ một thị xã nhỏ, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, TP Hải Dương được công nhận đô thị loại III vào tháng 8/1997, lên đô thị loại II tháng 8/2006 và đến tháng 5/2019 là đô thị loại I. Không chỉ là trung tâm kinh tế, chính trị năng động của tỉnh Hải Dương, TP Hải Dương còn là vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, là một trong những vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng văn hóa và văn hiến tâm linh chính của cả nước, Hải Dương có gần 1.100 di tích lịch sử, trong đó có 133 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và nhiều di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, như Côn Sơn - Kiếp Bạc, An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương…
Sau khi cùng đến tham quan một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và thưởng thức những món ăn đặc sản nổi tiếng của Hải Dương như rươi Tứ Kỳ, bánh gai Ninh Giang…, nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương và một số cán bộ của hội đưa chúng tôi về vùng quê Thanh Miện, đến với đảo Cò Chi Lăng Nam. Hòn đảo nằm giữa lòng hồ An Dương rộng chừng 3ha, nổi lên như viên ngọc bởi những rặng tre xanh.
Nghe có người từ Phú Yên ra, chị Nguyễn Thu Huệ là cán bộ văn hóa của địa phương, nhà ở gần đảo đã đến làm hướng dẫn viên và thuyết minh; có cả tài công đưa đoàn tham quan đảo bằng thuyền máy.
Theo chị Huệ, đảo Cò có diện tích hơn 7.300m2, là nơi sinh sống, trú ngụ của khoảng 16.000 cá thể cò khác nhau, như cò lửa, cò đen, cò ruồi...; hơn 6.000 cá thể vạc xám, vạc xanh, vạc đen..., đều là những loài quý hiếm. “Ðảo Cò đã có từ lâu nhưng được công nhận là di tích quốc gia và nhiều người biết đến xuất phát từ một bài văn của một nữ sinh viết về đảo này”, chị Huệ cho biết.
Còn người dân địa phương lưu truyền sự tích, vào đầu thế kỷ XV, những trận đại hồng thủy khiến dải đê lớn ven sông Hồng 3 lần vỡ, liên tiếp gây ngập lụt, cuốn trôi làng mạc và sau đó tạo thành hòn đảo nổi giữa hồ. Theo thời gian, cây cối trên đảo xanh tốt, tôm cá từ các nơi đổ về. Từng đàn cò, đàn vạc cùng tìm về đây trú ngụ, sinh sản. Ban ngày cò rời đảo đi kiếm mồi và trở về lúc chiều tối, còn vạc thì ngược lại.
Chiều muộn, khi nắng còn vương nhẹ trên những nhành tre, nhìn lên không trung, chúng tôi thấy chao nghiêng những cánh cò bay về đảo, in bóng xuống mặt hồ tựa như những cánh cò trên đồng lúa Tuy Hòa bay qua đôi bờ sông Ba. Tiếng kêu gọi đàn của cò bố mẹ, tiếng ríu rít đòi mồi của cò con vang xa, tạo thành bản hòa tấu của thiên nhiên với sông nước hữu tình, thơ mộng, yên bình.
Có người đã một hai lần về Hải Dương, có người lần đầu tiên đặt chân đến với xứ Ðông này, nhưng ai cũng có cảm giác như người đi xa trở về nhà, về với quê hương của mình. |
XUÂN HIẾU