Những con đường bê tông nối dài qua các thôn xóm, nhà cửa xây sửa khang trang, người dân tất bật công việc ruộng rẫy, mua bán, trẻ em hân hoan đến trường trên những chiếc xe đạp… là những gì hiện hữu ở xã miền núi Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) hôm nay. Sự định hướng đúng đắn, đầu tư kịp thời, hỗ trợ tích cực của Đảng và chính quyền các cấp… đã giúp cuộc sống của người dân Xuân Lãnh đổi thay từng ngày.
Phụ nữ Ba Na ở thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân) chia sẻ cách sử dụng các ứng dụng số trên điện thoại. Ảnh: THỦY TIÊN |
Nâng chất cuộc sống người dân
Theo UBND xã Xuân Lãnh, xác định lấy nông nghiệp làm gốc để xây dựng, phát triển kinh tế, thời gian qua, địa phương này tập trung hướng dẫn người dân phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Trong năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 1.700ha; trong đó diện tích sản xuất lúa hơn 188ha, diện tích trồng sắn hơn 1.300ha, diện tích mía khoảng 150ha. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt khoảng 2.035 tấn, đạt 100,25% kế hoạch năm.
Bên cạnh trồng trọt, tận dụng lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp, địa phương còn hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi với các vật nuôi chủ lực là bò, heo và gia cầm. Hiện đàn bò toàn xã có khoảng 1.500 con, trong đó hơn 78% là bò lai; đàn heo có gần 2.000 con, đàn gia cầm hơn 3.000 con, nuôi rải đều ở tất cả các thôn.
Ông Lê Văn Thông ở thôn Soi Nga cho biết từ khi được cán bộ địa phương hướng dẫn trồng lúa nước, gia đình ông và nhiều hộ dân khác đã biết cách trồng, chăm sóc cây lúa đạt hiệu quả. Mùa lúa vừa rồi, gia đình ông Thông thu hoạch bình quân 6 bao (300kg)/sào, cung cấp đủ gạo cho cả gia đình đến mùa sau. “Ở vùng này, cây lúa là cây cung cấp lương thực chính cho các gia đình.
Vì vậy, nhà nào cũng trồng vài sào để chủ động lương thực. Còn muốn thoát nghèo, tăng thu nhập, bà con nuôi bò và trồng sắn. Gia đình tôi nhờ nuôi được đàn bò, mỗi năm bán 2 con bò thịt thu vài chục triệu đồng, có tiền mua sắm vật dụng, xây sửa nhà cửa, cho con ăn học”, ông Thông cho hay.
Nhờ được hướng dẫn, đầu tư làm ăn đúng hướng, nhiều hộ dân ở địa phương này đã thoát nghèo bền vững. Tết năm nay là cái tết vui nhất với So Minh Hương ở thôn Xí Thoại khi vợ chồng anh vừa thoát nghèo vừa xây được ngôi nhà mới khang trang, sạch đẹp.
Trong ngôi nhà vừa xây xong, anh Hương không giấu được niềm vui, chia sẻ: Nhờ các cấp chính quyền hỗ trợ 44 triệu đồng và tạo điều kiện cho vay thêm 40 triệu đồng nữa nên gia đình mới có điều kiện xây nhà mới. Niềm ao ước bấy lâu đã trở thành hiện thực, đây là động lực để chúng tôi tiếp tục cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi dạy các con khôn lớn.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh Duyên, cán bộ xã Xuân Lãnh, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, giảm nghèo bền vững cho người dân. Thông qua các kênh kết nối của địa phương, hơn 3.600 hộ dân của xã đã được vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng Chính sách xã hội, NN&PTNT với tổng dư nợ hơn 232 tỉ đồng để phục vụ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đến cuối năm 2023, toàn xã có 103 hộ thoát nghèo, còn 454 hộ nghèo, chiếm 16,79%.
Chuyển đổi số về làng
Hòa cùng với công cuộc chuyển đổi số của quốc gia, của tỉnh, ở xã miền núi Xuân Lãnh, công cuộc chuyển đổi số đang được địa phương quan tâm triển khai, người dân tích cực hưởng ứng.
Theo chị Trần Thị Lụi, người đồng bào Ba Na ở thôn Xí Thoại, chị đã mở tài khoản trên ứng dụng E-Mobile Banking của Ngân hàng NN&PTNT từ năm ngoái. Nhờ có tài khoản số mà việc giao dịch với khách mua sản phẩm dệt thủ công của làng nghề dễ dàng hơn rất nhiều. Không chỉ vậy, chị còn thanh toán tiền điện, nộp tiền điện thoại… qua tài khoản này, không phải đi lại mất thời gian như trước.
Ông Lê Văn Khương, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Xí Thoại cho hay: Toàn thôn hiện có 219 hộ với 745 người. Hiện có khoảng 40% hộ dân đã chủ động sử dụng wifi, hơn 85% dân số của thôn sử dụng điện thoại thông minh. Mặc dù hơn 90% dân là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng mọi người vẫn rất tích cực hưởng ứng chuyển đổi số theo cách riêng. Đó có thể là việc bà con cài đặt, khai thác ứng dụng dịch vụ công, cũng có thể là việc giao dịch trên mạng xã hội, hay thanh toán trên tài khoản số…
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh Trương Thái Hòa, bước đầu địa phương tập trung cho công tác xây dựng chính quyền số, mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân. UBND xã đã ứng dụng phần mềm quản lý văn bản iOffice, sử dụng mạng nội bộ trao đổi công việc, 100% cán bộ công chức sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ trong công tác. Hiện nay, UBND xã đã ứng dụng chữ ký số để số hóa văn bản điện tử trên phần mềm quản lý văn bản, điều hành.
“Cùng với đó, chúng tôi thực hiện các quy định về định danh điện tử để phổ cập danh tính số, tuyên truyền hướng dẫn người dân cài đặt các ứng dụng số sử dụng… Địa phương rất vui mừng vì người dân hưởng ứng tích cực. Nhiều người còn chủ động khai thác các ứng dụng số để phục vụ kinh doanh, cuộc sống gia đình, góp phần cùng địa phương thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn”, ông Hòa nói.
Theo UBND xã Xuân Lãnh, với mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống người dân, xã cũng đã đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở. Bê tông giao thông nông thôn được phủ tới 8/8 thôn, 100% hộ dân được sử dụng điện, tỉ lệ sử dụng nước sạch đạt 99%, trường trạm được chuẩn hóa… |
THỦY TIÊN