Với kiến trúc Huế, ta thường thấy bức bình phong được xây dựng trước sân nhà. Ở nhiều nơi khác, bình phong lại được đặt tại sảnh nhà hay trong phòng khách… Đây là một nét kiến trúc đặc trưng trong nhà ở của người Việt từ xưa đến nay.
Trong những ngôi nhà truyền thống ở Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, từ sân bước lên thềm nhà, ta thường thấy có một hàng cột hiên, giữa các cột hiên là khoảng trống, chúng thường được liên kết với nhau bằng những tấm phên, có thể chống lên, hạ xuống gọi là tấm dại.
Về sau tấm dại đã phát triển thành bức bình phong trong nhà, có tác dụng che nắng, che mưa, che bớt cơn gió trái mùa. Những nhà trung nông từ thành thị đến nông thôn thường dùng tấm dại tre nứa; nhà giàu có thì dùng tấm dại gỗ với những đường nét trang trí đẹp, thuận mắt.
Một nét đặc trưng của kiến trúc Huế là từ đình chùa, am miếu, nhà thờ họ đến nhà ở gia đình đều có bức bình phong trước sân nhà. Bình phong thường được xây bằng gạch hay trồng cây chè tàu cắt xén, phía sau là hòn non bộ trên bể cạn. Đây là yếu tố minh đường trong phong thủy, một vũ trụ thu nhỏ hướng nội.
Bình phong ngoài trời trước sân nhà ở Huế có chức năng chủ yếu là ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho ngôi nhà và gia chủ. Sau này, bình phong còn là nơi trang trí mỹ thuật trong kiến trúc cho ngôi nhà. Nhiều bức bình phong được chạm trổ rất đẹp, được con cháu giữ gìn từ đời này qua đời khác.
Khi được đặt trong nhà, những bức bình phong có tác dụng chắn gió, chia không gian trong những ngôi nhà có tiền sảnh lớn hay phòng khách rộng. Bình phong trong nhà là những tấm phên đan bằng nứa khá phổ biến trong kiến trúc Á Đông.
Trước đây, bình phong chỉ được dùng trong cung cấm để che chắn chỗ nghỉ của bậc quân vương, hoặc làm kín đáo thêm nơi phòng the của cung tần, mỹ nữ. Ở chốn kinh kỳ, bình phong từng được ví như một thước đo về độ phong lưu của gia chủ. Ngày nay, bình phong dùng che chắn tầm nhìn bất lợi về phong thủy như hai cửa đi đối nhau, giữa phòng khách và không gian bếp.
Bình phong thường được làm bằng gỗ, nhựa hoặc tre, cao hơn đầu người; dùng điều chỉnh hướng đi của sinh khí, mang đến sức khỏe và vận may, tài lộc cho gia đình. Một bức bình phong thường có 4 tấm, 6 tấm hoặc 8 tấm liên hoàn nối với nhau bằng bản lề, các cụ vẫn chuộng loại 4 tấm, có thể xếp gọn, dễ di chuyển nhiều nơi trong nhà.
Trên bề mặt mỗi tấm là một bức họa sơn thủy, hoa lá… sinh động. Ngày nay, đa phần được làm bằng khung gỗ hay khung nhôm và dùng những tấm vải hoa che chắn. Tấm vải hoa được thay đổi theo mùa và sở thích của gia chủ, như mùa hè thì hoa sen, mùa thu thì hoa cúc, mùa đông hoa hướng dương… Quý nhất vẫn là bình phong bằng gỗ được cẩn ngọc trai, khảm xà cừ, đá quý.
Bình phong vẫn tồn tại trong mỗi ngôi nhà Việt. Ngày nay, bình phong được nhiều người ưa thích và đang được nhắc đến như một thú chơi thời thượng. |
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG