Trong các quán cà phê, điểm du lịch hiện nay, nhiều nơi dùng tổ chim dồng dộc để trang trí, làm đẹp không gian. Tổ chim này rất đẹp làm nhiều người trầm trồ, say sưa ngắm nhìn.
Tổ chim dồng dộc mái có phần trên phình ra như hình chiếc giày ống. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Công phu, sắc sảo
Ông Nguyễn Thanh Hà ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân), vừa ngồi uống nước trà trước hiên nhà vừa ngắm tổ chim dồng dộc treo lủng lẳng trên cành cây cảnh trước sân cho hay: “Hôm rồi, tôi chặt bán lứa tre già, thấy có mấy tổ chim dồng dộc đẹp quá nên đem treo ở đó, ngắm mỗi ngày”.
Theo ông Hà, tổ chim dồng dộc có 2 loại, tổ chim đực và tổ chim mái. Cuối xuân, đầu hè là mùa dồng dộc làm tổ. Những chiếc tổ đu trên tàu dừa, đọt tre đan bằng lá mía, lá tranh tước nhỏ. Tổ chim mái dài, miệng tổ chúc xuống đất, khác với các loài chim khác miệng tổ ngửa lên trời, còn phần trên thì phình ra như hình chiếc giày ống là nơi để chim mái đẻ và ấp trứng. Chim non ra đời trú ngụ ở đó. Cách làm miệng tổ dài thòng xuống là để che giấu, ngăn kẻ thù như rắn và các loại khác chui vào ăn trứng và chim non.
“Tổ chim đực nhỏ hơn tổ chim mái. Tổ có hình chiếc giỏ một quai úp ngược phía dưới léo viền giống cái võng vắt ngang qua giữa hai khoảng trống. Khi chim non mọc đều lông cánh, chim đực sẽ tập cho chim non bay, chuyền từ tổ chim mái qua tổ chim đực trước khi bay đi xa, trưởng thành.
Qua nhiều lần để ý tôi thấy, cái võng này còn là chòi canh của chim trống, không cho các loại chim khác đến phá phách hoặc đẻ trứng vào tổ chim mái. Cả hai tổ gần nhau nhưng có khoảng cách nhất định, gió đung đưa đánh võng cỡ nào chúng cũng không đụng nhau và cả hai đều được đan rất khéo léo”, ông Hà nói.
Nói về việc làm tổ khéo léo của chim dồng dộc, ông Nguyễn Văn Bình ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) cho biết cũng làm tổ bằng rơm rạ, nhưng loài chim sẻ ở vùng ruộng lúa thường làm tổ là đống rơm dưới mái ngói, còn vùng núi chim sẻ lót tổ là đống bùi nhùi trên cây dừa.
Riêng chim dồng dộc bất cứ đâu vẫn làm trăm tổ như một, sắc sảo, khéo léo. Vì vậy, trong dân gian có câu: Khen con dồng dộc có tài/ Làm nhà bằng lá lớp ngoài, lớp trong/ Khen con dồng dộc có công/ Làm nhà bằng lá, lớp trong lớp ngoài…
“Về làm tổ công phu, dồng dộc sánh ngang với ong. Nếu ong vò vẽ lấy bột gỗ kết hợp với nước bọt tạo thành những viên giấy nhỏ, mang về xây tổ hay con tò vò xây tổ từ hàng ngàn viên bùn đất, thì dồng dộc làm tổ từ hàng ngàn cọng rơm rạ, lá mía, bông lau...”, ông Bình cho hay.
Tổ chim dồng dộc treo trên cây cảnh trước nhà ông Nguyễn Thanh Hà ở xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). Ảnh: MẠNH HOÀI NAM |
Làm đẹp quán cà phê, khu du lịch
Nhiều quán cà phê ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), chủ quán dùng tổ chim dồng dộc để trang trí, làm đẹp không gian quán. Ông Phạm Quang, một chủ quán ở xã miền núi này chia sẻ: Trong các loại tổ chim ngoài tự nhiên thì chỉ có tổ dồng dộc nhìn đẹp mắt và xinh xắn nhất nên vùng này nhiều người đi tìm, mang về trang trí quán cà phê. Du khách ở nơi xa đến say sưa ngắm nhìn tổ chim này.
Cũng theo ông Quang, tổ chim dồng dộc hiện nay rất hiếm, có người đặt mua 50.000-100.000 đồng/tổ nhưng rất khó gặp. Do chim dồng dộc bị bẫy nhiều, số lượng ngày càng giảm, chỉ còn số ít làm tổ trên đọt tre, những cành cây cao khó có ai trèo tới.
Bà Bùi Thị Nga ở xã An Xuân (huyện Tuy An) kể hôm trước bà lên vườn đỏ ở xã Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa), thấy có mấy tổ chim dồng dộc treo sau vườn. Người lớn có người biết, có người không, còn mấy đứa nhỏ tò mò, không biết tổ chim gì mà đẹp quá! Bà phải giải thích cho chúng biết, đó là tổ chim dồng dộc.
Về làm tổ công phu, dồng dộc sánh ngang với ong. Nếu ong vò vẽ lấy bột gỗ kết hợp với nước bọt tạo thành những viên giấy nhỏ, mang về xây tổ hay con tò vò xây tổ từ hàng ngàn viên bùn đất, thì dồng dộc làm tổ từ hàng ngàn cọng rơm rạ, lá mía, bông lau...
Ông Nguyễn Văn Bình ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân |
MẠNH HOÀI NAM