Thứ Ba, 26/11/2024 00:58 SA
Những phi vụ trục lợi bảo hiểm
Chủ Nhật, 23/10/2005 18:15 CH

Các công ty kinh doanh bảo hiểm đang phải đối đầu với một số kiểu trục lợi như hợp thức hóa hồ sơ, thậm chí lập hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền bồi thường bảo hiểm. Trong những phi vụ như thế, phần thiệt thòi luôn về phía những khách hàng chân chính.

 

NHỮNG VỤ TRỤC LỢI BẢO HIỂM KHÔNG TRÓT LỌT

 

Một kiểu hành vi trục lợi bảo hiểm khá phổ biến hiện nay là sau khi xảy ra tai nạn, chủ xe đến công ty kinh doanh bảo hiểm để mua bảo hiểm xe. Chẳng hạn như trường hợp xe ô tô tải 78K-24… tự lật gây ra tai nạn tại xã Mcoai, huyện Hiên, tỉnh Quảng Nam. Sau khi xe lật, chủ xe không báo cho cơ quan chức năng mà âm thầm đến Công ty bảo hiểm Bảo Việt (gọi tắc là Bảo Việt) Phú Yên để mua bảo hiểm cho xe. Để khỏi bị phát hiện, chủ xe đã làm lại hiện trường xảy ra tai nạn gần nửa tháng. Điều đáng nói là bộ hồ sơ tại nạn trên được cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi xác nhận. Đã có bộ hồ sơ hợp lệ, chủ xe đến Bảo Việt Phú Yên để yêu cầu bồi thường mức thiệt hại 35,9 triệu đồng. Vì số tiền bồi thường lớn, hơn nữa vụ tai nạn chỉ xảy ra sau gần nửa tháng mua bảo hiểm nên Bảo Việt Phú Yên đã cẩn thận xác minh thì phát hiện chủ xe mua bảo hiểm sau khi xe đã xảy ra tai nạn. Vì vậy, Bảo Việt đã từ chối chi trả.

 

Giấy phép lái xe giả

Một trường hợp trục lợi bảo hiểm khác bị Bảo Việt Phú Yên từ chối chi trả là vụ tai nạn xe ô tô con mang biển số 52M-13… xảy ra tại địa phận tỉnh Đắc Lắc. Nguyên nhân của vụ tai nạn này là do xe nổ lốp, tự lật. Sau đó chủ xe đến Bảo Việt Phú Yên mua bảo hiểm có thời hạn trước khi xảy ra tai nạn 2 ngày. Để hồ sơ hợp lệ, chủ xe đã dựng lên vụ tai nạn xảy ra tại xã Cam Thịnh, thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) với nguyên nhân vụ tai nạn là xe nổ lốp trước lao xuống lề đường đang thi công ở Cam Ranh được UBND xã Cam Thịnh Tây xác nhận, rồi mang đến Bảo Việt Phú Yên yêu cầu bồi thường 40 triệu đồng. Tuy nhiên, khi Bảo Việt Phú Yên nhờ Bảo Việt Khánh Hòa xác minh vụ tai nạn trên thì trong thời gian đó tại địa bàn xã Cam Thịnh Tây lại có xảy ra một vụ tai nạn xe tải tự lật.

 

Để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, Lê Thanh Hoàng (SN 1970) thường trú ở tổ 10, Thanh Lộc Đán (TP Đà Nẵng) đã dựng lên vụ tai nạn giao thông xe mô tô 78-3383 tông chết khách bộ hành tại Km1037+950 thuộc địa phận xã Bình Long, Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nạn nhân là ông Nguyễn Văn có hộ khẩu thường trú ở Phổ Khánh, Đức Phổ (Quảng Ngãi), chủ xe là Lê Thanh Hoàng chấn thương sọ não với tổng số tiền thiệt hại 35 triệu đồng. Sau đó, Hoàng đem bộ hồ sơ trên đến Công ty Bảo hiểm PJICO yêu cầu chi trả bảo hiểm. Hồ sơ tai nạn đầy đủ các giấy tờ như: Biên bản khám nghiệm tử thi, giấy chứng tử, bản kết luận điều tra, biên bản khám nghiệm hiện trường… có chữ ký và con dấu của các cơ quan chức năng huyện Bình Sơn, nhưng các chữ ký và con dấu đều là giả. Thậm chí, Lê Thanh Hoàng làm giả con dấu, chữ ký của ông Lê Sỹ Lục - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phú Yên để tự cấp giấy phép lái xe mô tô. Khi Công ty PJICO phát hiện thì Hoàng đã “tẩu thoát”.

 

THIỆT THÒI LUÔN VỀ PHÍA KHÁCH HÀNG CHÂN CHÍNH

 

Ngoài kiểu trục lợi bảo hiểm trên, các công ty kinh doanh bảo hiểm  còn phải đối mặt với nạn trục lợi bảo hiểm kết hợp con người. Một hiện tượng khá phổ biến là khách hàng mua bảo hiểm không nhập viện hoặc điều trị nội trú, thậm chí không một ngày điều trị bệnh nhưng lại có đầy đủ hồ sơ về bệnh lý điều trị nội trú. Các công ty bảo hiểm biết rõ khách hàng có hành vi trục lợi bảo hiểm nhưng hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục pháp lý theo quy định, những trường hợp này các công ty bảo hiểm đều phải chi trả. Ông Nguyễn Hữu Thanh, Phó giám đốc Bảo Việt Phú Yên cho biết: “Hành vi trục lợi bảo hiểm kết hợp con người rất khó phát hiện, nếu phát hiện được thì rất khó chứng minh hành vi trục lợi của khách hàng. Thông thường những trường hợp này, chúng tôi đều chi trả cho khách hàng. Nhưng để đối phó với “nạn” trục lợi này thì phải có sự hỗ trợ, liên kết giữa các cơ quan chức năng”. 

 

Hành vi trục lợi bảo hiểm xảy ra nhiều thì càng gây thiệt thòi cho những khách hàng chân chính. “Nguyên tắc của kinh doanh bảo hiểm là chia sẻ rủi ro, cho nên rủi ro càng ít thì mức phí mua bảo hiểm thấp. Trong trường hợp, rủi ro xảy ra nhiều thì mức phí bảo hiểm sẽ tăng lên. Vì vậy, nếu xảy ra hành vi trục lợi bảo hiểm nhiều nhưng các công ty kinh doanh bảo hiểm không phát hiện, làm tăng mức chi bồi thường cao sẽ dẫn đến mức phí bảo hiểm tăng. Điều này sẽ bất lợi cho những khách hàng chân chính” – ông Thanh cho biết.

 

Để chấn chỉnh hành vi trục lợi bảo hiểm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 118/2003/CP ngày 13-10-2003 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 31/2004-TT-BTC ngày 12-4-2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 118 đã ban hành chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi trục lợi bảo hiểm. Để Nghị định 118 và Thông tư 31 đi vào thực tiễn cuộc sống là cả một quá trình, trước mắt, các công ty bảo hiểm tăng cường công tác quản lý và đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những khách hàng có hành vi trục lợi bảo hiểm.

 

NGUYÊN ĐỨC

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek