Chủ Nhật, 29/09/2024 22:30 CH
Nỗ lực đẩy lùi hủ tục tảo hôn ở miền núi
Thứ Bảy, 14/10/2023 13:00 CH

Bà Rơ Ô H Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) truyền thông về những hệ lụy của tảo hôn cho trẻ em gái trên địa bàn xã. Ảnh: THÁI HÀ

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, nạn tảo hôn ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh vẫn còn xảy ra, làm suy giảm chất lượng giống nòi, gây ra nhiều hệ lụy và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Từng bước xóa bỏ tình trạng tảo hôn, các cấp chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội đã nỗ lực đẩy mạnh truyền thông, triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

 

Giảm nhưng vẫn còn

 

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội như: làm mất đi cơ hội học tập, việc làm, giảm chất lượng dân số, sức khỏe bà mẹ và trẻ em; ảnh hưởng nghiêm trọng đến nòi giống, phát triển trí tuệ, chất lượng dân số và nguồn lực; là nguyên nhân và cũng chính là hậu quả của sự nghèo đói.

 

Huyện Sông Hinh có 11 xã, thị trấn với 20 dân tộc, gần 6.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm qua, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra một số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi từ 13-17 và rơi vào các trường hợp trẻ em gái ở các thôn, buôn có đồng bào DTTS, đời sống khó khăn.

 

Thầy Hồ Viết Thiệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Ea Bia, huyện Sông Hinh, cho biết: “Những năm qua, học sinh của trường vẫn còn trường hợp tảo hôn. Đây là khó khăn rất lớn đối với nhà trường trong giảng dạy và duy trì sĩ số học sinh. Chính vì vậy, bên cạnh làm tốt công tác dạy và học thì nhà trường phối hợp với Phòng Dân tộc huyện cung cấp kiến thức phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết, xóa bỏ hủ tục lạc hậu cho học sinh. Việc triển khai thường xuyên các hoạt động truyền thông đã tác động tích cực đến nhận thức và hành vi của các em, qua đó giúp các em hiểu được tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Đối với trường hợp học sinh tảo hôn, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm vận động để các em hoàn thành chương trình học”.

 

Chị Hờ Ngân ở xã Ea Bia, huyện Sông Hinh, có con gái ở độ tuổi vị thành niên rất lo lắng sợ con yêu đương kết hôn sớm, bỏ học. Chị Hờ Ngân chia sẻ: “Mình có con gái nên phải chủ động nhắc nhở con về tác hại của tảo hôn, chỉ rõ những trường hợp tảo hôn trong cộng đồng, cuộc sống của họ khó khăn như thế nào để con nhìn vào đó thấy được những hệ lụy mà tập trung học hành. Mình thường xuyên hỏi han, trò chuyện với con trong mỗi bữa ăn hay hỏi thăm bạn bè để biết thêm mối quan hệ của con ở trường và ngoài xã hội”.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Ksor Y Phun, trong 5 năm thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, địa phương đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, hậu quả, tác hại của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết, vận động đồng bào thực hiện theo quy định; tư vấn, can thiệp, triển khai các mô hình điểm và có kiểm tra, đánh giá việc thực hiện… Nhờ đó, thực trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết có phần chuyển biến tích cực so với trước. Hiện tình trạng tảo hôn xảy ra phần lớn ở hộ nghèo, đối tượng vị thành niên, thanh niên thất học, hiểu biết pháp luật và tiếp cận các phương tiện truyền thông còn hạn chế.

 

Bà con đồng bào DTTS ngày càng ý thức được hậu quả của nạn tảo hôn và luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương tham gia vận động con cháu kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật. Ảnh: THÁI HÀ

 

Từng bước nói không với nạn tảo hôn

 

Nhận thức được những ảnh hưởng của tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, các cấp, ngành trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên.

 

Thôn Tân Hải (xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa) là một trong những địa phương có 100% dân số là người đồng bào DTTS. Toàn thôn có gần 100 hộ, với trên 380 người. Trên địa bàn thôn đã không còn xảy ra tình trạng tảo hôn như nhiều năm trước. Bà con ngày càng ý thức được hậu quả của nạn tảo hôn và luôn ủng hộ chính quyền địa phương, vận động con cháu kết hôn đúng độ tuổi quy định của pháp luật.

 

Ông Sô Minh Dế, Trưởng thôn Tân Hải, cho biết: “Nhờ có sự tuyên truyền tích cực của các cơ quan, ban ngành, những năm gần đây, nhận thức của đại bộ phận đồng bào ở thôn Tân Hải về Luật Hôn nhân và gia đình đã được nâng lên đáng kể. Trên địa bàn thôn không còn tình trạng tảo hôn. Người dân đã nhận thức được tảo hôn là vi phạm pháp luật nên dạy bảo con cháu, vận động người thân trong gia đình thực hiện tốt chính sách dân số, nói không với nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết”.

 

Khẳng định việc ngăn chặn nạn tảo hôn được chính quyền địa phương rất quan tâm, ông Sô Minh Chiến, Chủ tịch UBND xã Phước Tân (huyện Sơn Hòa), cho biết: “Trước kia, trường hợp tảo hôn vẫn xảy ra nhưng gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, giao trách nhiệm đến từng thôn, buôn, từng cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nên tảo hôn giảm đáng kể”.

 

Còn tại xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), bà Rơ Ô H Nhoen, Chủ tịch Hội LHPN xã Krông Pa cho biết xã Krông Pa có 882 hộ, 7 thôn, buôn với 90% dân số là người đồng bào DTTS, sống chủ yếu bằng nghề nông. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã tồn tại lâu đời và để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất, tầm vóc thể hình và là rào cản lớn cho việc học tập, phát triển giáo dục của các bé gái. Từ năm 2017-2022, trên địa bàn xã có 30 trường hợp tảo hôn, chủ yếu ở đồng bào DTTS. Từ tháng 9/2019, Hội LHPN xã đã thành lập CLB Phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.“CLB ra đời đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã tuyên truyền, vận động thành công 4 trường hợp có ý định lập gia đình khi chưa đủ tuổi kết hôn”, bà Rơ Ô H Nhoen nói.

 

Ông Lê Văn Bi, cán bộ Phòng Dân số (Sở Y tế) cho biết: Những năm qua, vùng DTTS và miền núi trong tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về công tác dân số. Với sự vào cuộc quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, cưới xin chưa đủ tuổi trong vùng đồng bào DTTS được đẩy lùi, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc của Đảng và chính sách dân tộc của Nhà nước. Đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025).

 

Vùng DTTS và miền núi có hơn 220.161 người dân sinh sống, chiếm gần 25% dân số toàn tỉnh. Trong đó 60.114 người là đồng bào DTTS, chủ yếu là Ê Đê, Chăm, Ba Na, Tày, Nùng, Dao, Thái… Qua 5 năm thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tuy vẫn còn nhưng giảm đáng kể; nhận thức về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS được nâng lên; một số tập quán lạc hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã dần xóa bỏ.

 

Ban Dân tộc tỉnh

 

THÁI HÀ - NHÃ UYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek