Tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, tăng thu nhập, giải phóng sức lao động… là những hiệu quả mà việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp mang lại cho bà con nông dân thời gian qua. Với những hiệu quả này, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa trong suốt quá trình canh tác.
Tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động
Có trên 10 năm trồng tiêu, ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) cho biết, trước đây từ khâu chăm sóc đến thu hoạch, ông đều phải làm thủ công. Để tưới nước cho 3ha hồ tiêu, 2 công lao động phải mất hơn 8 giờ đồng hồ mới xong. Năm 2020, được tiếp cận nguồn vốn vay, ông đầu tư 45 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo ông Sơn, so với phương pháp tưới truyền thống, tưới nhỏ giọt có nhiều ưu điểm vượt trội như: tiết kiệm nước, giảm thiểu được lượng nước thất thoát, giúp đất luôn tơi xốp, tiết kiệm điện bơm nước và giảm công lao động. Ngoài ra, hệ thống tưới này còn có thể kết hợp bón phân, bón thuốc cùng nước tưới thông qua các đầu nhỏ giọt.
“Từ ngày lắp đặt hệ thống tưới tự động, mỗi lần tưới vườn, tôi chỉ cần bật cầu dao, cài đặt giờ rồi đi làm việc khác. Ngoài giảm công lao động, hệ thống tưới tự động còn giúp tiết kiệm nước. Trước đây, lượng nước tưới trung bình 300m3/ha/lần tưới thì nay giảm còn 60m3/ha”, ông Sơn so sánh.
Trên cánh đồng lúa tại các huyện Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy An, Đồng Xuân, hệ thống máy móc như máy cày, máy sạ hàng, máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm… xuất hiện ngày càng nhiều, dần thay thế sức lao động của nông dân. Theo Sở NN&PTNT, mỗi vụ sản xuất với gần 25.000ha lúa, nông dân đã sử dụng máy móc hầu như trên 90% trong các khâu làm đất, thu hoạch.
Ông Phan Văn Thuận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho hay: Hầu hết các khâu trong sản xuất lúa tại địa phương đều đã được cơ giới hóa. Với việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, khâu gieo sạ đã có máy cày, máy làm đất và cả thiết bị máy bay không người lái (drone), đến lúc thu hoạch lại có máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm và xe cơ giới vận chuyển lúa từ ruộng về tận nhà. Ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, việc áp dụng cơ giới hóa còn giải quyết trong những khâu khó khăn của ngành Nông nghiệp hiện nay là thiếu nhân công mùa vụ, hiện chỉ cần 1-2 người điều khiển là có thể làm việc, giúp nông dân tiết kiệm chi phí, giải phóng sức lao động.
Tiến tới cơ giới hóa đồng bộ
Chia sẻ tại hội thảo Ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp được tổ chức tại huyện Sông Hinh mới đây, ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Hiện nay, việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất bước đầu giúp giải phóng sức lao động, đảm bảo đúng thời vụ, tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Để tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực đầu tư, hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị cơ giới hóa; đồng thời triển khai rất nhiều mô hình cơ giới hóa vào sản xuất như hỗ trợ máy băm cỏ, máy làm đất đa năng, công cụ gieo hạt, tưới nước…
Theo Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sông Hinh Lý Thị Thu Hằng, toàn huyện hiện có 1.250 máy cày các loại, 10 máy sạ hàng, 12 máy gặt đập liên hợp, 200 máy gặt rải hàng, 5 máy cuộn rơm, 55 máy tuốt lúa và 8 máy bốc mía… Nhờ thực hiện đồng bộ việc cơ giới hóa trong sản xuất nên số lượng máy phục vụ nông nghiệp ngày càng tăng, đáp ứng phần nào nhu cầu lao động khan hiếm tại địa phương. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng cơ giới hóa vào khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, nhất là bảo quản sơ chế sản phẩm chưa cao. “Khó khăn lớn nhất của người dân trong việc ứng dụng cơ giới hóa là nguồn vốn. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng nhà nước để mua sắm máy móc, trang thiết bị vật tư nông nghiệp theo Quyết định 68 của Thủ tướng Chính phủ”, bà Hằng nói.
Năm 2022, gia đình ông Chu Văn Điệp ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ 1 máy băm cỏ đa năng với mức hỗ trợ 50% giá trị. Từ ngày có máy này, ông Điệp đầu tư mua thêm 3 con bò cái sinh sản, việc chuẩn bị thức ăn cho đàn bò 6 con của gia đình ông trở nên nhẹ nhàng. Ông Điệp chia sẻ: “Sử dụng máy nên mỗi lần băm cỏ trong vòng 20-25 phút, tôi chỉ mất 10.000 đồng tiền điện/ngày và tiết kiệm được thời gian để làm những công việc khác. Nhờ sử dụng máy nên cỏ được băm nhỏ dễ sử dụng, còn băm bằng tay bò chỉ ăn được phần lá và thân mềm”.
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng nhiều dự án, mô hình và giúp nông dân áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Riêng năm 2022, toàn tỉnh sử dụng 224.505 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất các loại cây nông nghiệp và công nghiệp đạt từ 50-90%. Thời gian tới, trung tâm sẽ đẩy mạnh cơ giới hóa, giúp bà con thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang sản xuất bằng máy móc, thiết bị hiện đại, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh |
NGỌC HÂN