Thứ Hai, 07/10/2024 12:43 CH
Phu Văn Lâu, di sản kiến trúc cố đô Huế
Chủ Nhật, 17/09/2023 10:00 SA

Phu Văn Lâu là nơi niêm yết các văn bản mà triều đình nhà Nguyễn cần bố cáo cho thần dân, thiên hạ biết. Ảnh: Internet

Nằm phía bờ bắc sông Hương, Phu Văn Lâu tọa lạc ở giữa dải đất chạy qua trước mặt kinh thành và trên trục đường chính của quần thể kiến trúc kinh đô Huế, gồm có Điện Thái Hòa - Ngọ Môn - Kỳ Đài - Phu Văn Lâu - Nghinh Lượng Đình - sông Hương và núi Ngự Bình.

 

Ý nghĩa của Phu Văn Lâu

 

Mặc dù không phải là công trình có quy mô lớn hay đóng vai trò quan trọng trong hệ thống các công trình hành chính thời nhà Nguyễn, nhưng Phu Văn Lâu vẫn là công trình kiến trúc có giá trị về nghệ thuật, với những nét đặc sắc rất riêng.

 

Công trình được xây dựng từ thời Gia Long (1802-1820), có quy mô nhỏ với tên gọi là Bảng đình (đình treo bảng), năm 1819 được thay thế bằng một tòa nhà 2 tầng và đổi tên là Phu Văn Lâu. Nhiều người thường gọi và viết là Phú Văn Lâu, thêm dấu sắc vào chữ đầu để cho dễ nghe, nhưng đã làm sai lạc ý nghĩa của công trình.

 

Chữ “Phú” thường dùng nhất có ý nghĩa là giàu, còn chữ “Phu” ở đây thì mang một nội dung khác: Phu là bày ra, truyền rộng ra, ban bố cho mọi người biết; “Văn” là vẻ đẹp, văn hóa, văn chương, văn học nghệ thuật; “Lâu” là tòa nhà lầu cao 2 tầng. Về sau công trình này còn có tên là ngôi đình treo chiếu chỉ.

 

Tên Phu Văn Lâu đã nói lên chức năng chính của công trình này, tòa nhà lầu là nơi niêm yết các văn bản mà triều đình nhà Nguyễn (1802-1945) cần bố cáo cho thần dân, thiên hạ biết như: Chiếu chỉ của vua, kết quả các kỳ thi Hội, thi Đình… Ngoài ra, đây còn là nơi tổ chức các đại lễ khánh hỷ mang tầm quốc gia, với sự hiện diện của vua, quan lại và các tầng lớp nhân dân ở chốn kinh kỳ.

 

Đặc biệt, tại bến Phu Văn Lâu, năm 1916 Trần Cao Vân và Thái Phiên giả người câu cá để gặp vua Duy Tân bàn việc khởi nghĩa. Chuyện bại lộ, vua Duy Tân bị Pháp bắt đày biệt xứ ra đảo Réunion (Ấn Độ Dương). Ngày nay vào ban đêm trên dòng sông Hương vẫn nghe câu hò nhớ về sự kiện này: Chiều chiều trên bến Vân Lâu/ Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm/ Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông/ Thuyền ai thấp thoáng trên sông/ Đưa câu mái đẩy, chạnh lòng nước non.

 

Kiến trúc công trình

 

Phu Văn Lâu được xây dựng từ thời Gia Long, đến năm 1819 công trình được xây dựng lại 2 tầng. Năm Khải Định (1916-1925), nơi đây xây dựng thêm hệ thống lan can xung quanh, mở rộng bậc cấp, các bờ quyết, bờ nóc trên mái nhà gắn phù điêu hồi long (rồng quay đầu lại) chầu mặt trời ở giữa đường bờ nóc.

 

Lần trùng tu gần đây nhất (1994-1995), Phu Văn Lâu được xây dựng theo mô hình kiến trúc cũ, mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 11,62m và nền cao 1,14m; mặt nền lát đá cẩm thạch, quanh sân lát gạch bát tràng. Nhà có chiều cao 11,87m, 2tầng, 8 mái được lợp ngói ống tráng men màu vàng (ngói hoàng lưu ly). Thời xưa bộ dàn trò bằng gỗ lim, nhà có 16 cột tròn sơn màu đỏ sậm. 4 cột chính ở giữa cao 7,6m, đường kính 33cm, chạy từ móng đến nóc tầng trên, 12 cột quân ở chung quanh cao 2,8m nhỏ hơn cột chính. Cột được dựng trên hòn đá tảng cao 31cm, phía trên hình tròn, dưới hình vuông, hệ thống lan can chung quanh cao 0,65m, không gian tầng trệt trống nên rất thoáng, có một cầu thang lên tầng lầu.

 

Trên tầng lầu, 4 mặt đều dựng đồ bản, kiểu đối lùa khung tranh, mặt trước trổ cửa sổ vuông chắn góc, hai mặt bên là cửa sổ tròn, chạy xung quanh là lan can con tiện bằng gỗ được trau chuốt rất thẩm mỹ. Trong đợt trùng tu năm 1994 đã thay đổi một số bộ phận như cột, kèo… bằng bê tông cốt thép sơn giả gỗ. Một số bộ phận kiến trúc thay đổi chút ít, đường nét và vật liệu xây dựng không còn được nguyên mẫu như thời Gia Long.

 

Bên ngoài công trình, phía trước có 2 khẩu súng thần công bằng đồng, châu đầu vào nhau và bên lề đường là 2 tấm bia bằng đá, mỗi tấm khắc 4 chữ “khuynh cái hạ mã” nghĩa là đi ngang qua khu vực này đều phải nghiêng nón và xuống ngựa để tỏ lòng thành kính; đáng tiếc là 2 tấm bia này đã bị hư hỏng, chưa được phục hồi. Bên ngoài công trình là sân lát gạch và những thảm cỏ xanh mướt trải rộng, điểm xuyến những gốc phượng vĩ cổ thụ tạo bóng mát và nở hoa đỏ rực cả mùa hè.

 

Vào năm 1843, vua Thiệu Trị cho xây dựng bên phải Phu Văn Lâu một lăng nhỏ Bi đình, trong đó dựng tấm bia đá khắc bài thơ Hương Giang hiển phiếm (Buổi sớm bơi thuyền trên sông Hương) để ca ngợi vẻ đẹp của sông Hương, ngày nay di tích này vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.

 

Trải qua bao lần trùng tu và tôn tạo với thời gian hơn 200 năm, diện mạo của Phu Văn Lâu có thay đổi ít nhiều. Nhưng nhìn chung đây là một công trình kiến trúc xinh xắn, có giá trị cao về văn hóa và lịch sử. Không gian kiến trúc của Phu Văn Lâu là không gian mở, công trình mang tính lễ đài, tại một quảng trường rộng lớn, trước bức tường thành rêu phong của kinh thành Huế.

 

Phu Văn Lâu về phương diện quy hoạch, kiến trúc là một tác phẩm tạo hình nghệ thuật đẹp, mang cốt cách, đặc trưng kiến trúc thời nhà Nguyễn. Nay Phu Văn Lâu là nghênh thượng đình, một điểm dừng chân, ngắm cảnh của hàng ngàn khách du lịch trong chương trình tham quan cố đô Huế.

 

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek