Để khôi phục, bảo tồn, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp trong tỉnh, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ đầu tư mở rộng quy mô, cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch gắn với giới thiệu các làng nghề, sản phẩm làng nghề...
Quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp
Huyện Đồng Xuân có các sản phẩm nổi bật xuất phát từ các nghề truyền thống như đan đát thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3), dệt thổ cẩm thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh), bánh tráng Long Bình (thị trấn La Hai). Tuy nhiên, mỗi xã chỉ còn một vài hộ tham gia và làm theo quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.
Hay như Tuy An được biết đến qua sản phẩm thúng chai, chiếu cói, bánh tráng truyền thống, song việc duy trì các làng nghề cũng gặp nhiều vấn đề. Ông Nguyễn Công Hải, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy An thông tin: Đến thời điểm này, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện gồm sản xuất chiếu cói xã An Cư, đan thúng chai xã An Dân, chế biến bánh tráng Hòa Đa (xã An Mỹ) vẫn duy trì hoạt động.
Đối với làng nghề chế biến bánh tráng Hòa Đa, trước đây có hộ sản xuất quy mô lớn hơn làm đầu mối thu gom, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của bà con, nhưng hiện tại tình hình thị trường có phần khó khăn nên cơ sở này không thu mua nhiều như trước. Do đó việc phát triển thành chuỗi sản xuất chưa thể hình thành. Hai làng nghề còn lại cũng gặp khó về nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ...
TX Đông Hòa có 2 làng nghề sản xuất chiếu cói và gốm đang bị mai một do thiếu nguồn nguyên liệu, bí đầu ra. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa cho biết: Các hộ sản xuất chiếu cói lấy nguyên liệu từ vùng trồng lát ở phường Hòa Hiệp Trung. Khi các hộ trồng lát chuyển sang trồng lúa, nguyên liệu sản xuất đứt nguồn. Làng nghề gốm thì khó về thị trường tiêu thụ nên các nghệ nhân không mặn mà sản xuất.
Trước đây, địa phương có kế hoạch cho các hộ đi học tập kinh nghiệm từ các làng nghề ngoài tỉnh và kết nối giải quyết đầu ra nhưng người làm nghề không còn nhiều nên “đứng bánh”, kế hoạch hỗ trợ của địa phương không thực hiện được.
Theo ngành chức năng, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu hoạt động quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh thấp; sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước. Từ năm 2015-2022, trên địa bàn tỉnh có 3 làng nghề được công nhận mới, nâng tổng số làng nghề hiện nay lên 20, trong đó có 17 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, 3 làng nghề thuần nông nghiệp.
Tiếp tục đầu tư
Thời gian qua, từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách tỉnh…, các ngành chức năng, địa phương đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ như xúc tiến thương mại, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các dự án, mô hình phát triển tại các làng nghề.
Dù được quan tâm, hỗ trợ, nhưng các làng nghề vẫn còn khó khăn trong ứng dụng cơ giới hóa, thiết bị tự động hóa vào sản xuất; công tác xây dựng vùng nguyên liệu, thương hiệu, nhãn hiệu tập thể chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức; hệ thống cơ sở hạ tầng làng nghề chưa đồng bộ, thiếu mặt bằng sản xuất, thiếu các công trình hạ tầng phục vụ phát triển, bảo tồn làng nghề…
Định hướng của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là bảo tồn và phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp để phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững, đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai đề án Khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn Phú Yên, giai đoạn 2021-2030. Mới đây, tỉnh cũng ban hành kế hoạch khôi phục, phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn năm 2023; chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường phối hợp, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với việc giới thiệu các làng nghề, sản phẩm thủ công từ làng nghề… Đồng thời hỗ trợ phát triển sản phẩm tiêu biểu gắn với phát triển sản phẩm OCOP; đổi mới các hình thức sản xuất, liên kết trong sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm…
Năm 2023, tỉnh phấn đấu công nhận mới 2 làng nghề gồm nước mắm Long Thủy (TP Tuy Hòa) và dệt thổ cẩm Xí Thoại (huyện Đồng Xuân); hỗ trợ sản phẩm làng nghề tham gia chương trình OCOP, liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó có ít nhất 14 sản phẩm làng nghề đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Ông Võ Đình Hạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thực hiện nhiệm vụ này, các sở Công Thương, NN&PTNT, VH-TT&DL… phối hợp triển khai hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề để tìm thị trường, đầu ra ổn định cho sản phẩm làng nghề. Các đơn vị tiếp tục đào tạo kiến thức về kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới, kỹ năng nghề cho cơ sở sản xuất tại làng nghề. Sở Công Thương sẽ hỗ trợ các làng nghề đưa sản phẩm truyền thống, mang tính đặc trưng vào các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, sàn thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu người dân và du khách.
VÕ PHÊ