Thứ Bảy, 23/11/2024 03:58 SA
Nét văn hóa kiến trúc cố đô Huế
Chủ Nhật, 16/07/2023 09:00 SA

Nhà vườn - nét văn hóa kiến trúc đặc sắc của xứ Huế. Ảnh: CTV

Thiên nhiên ban cho Huế nét đẹp riêng, kiến trúc Huế lại tô điểm cho thiên nhiên đẹp bội phần. Tới Huế, du khách dễ thấy được sự hài hòa giữa thiên nhiên, đất trời với các công trình kiến trúc.

 

Từ thời các Chúa Nguyễn, Huế (Phú Xuân) đã được chọn làm thủ phủ xứ Đàng Trong; đến thời Tây Sơn, Huế vẫn được vua Quang Trung chọn là kinh đô. Dưới thời vua Gia Long, Phú Xuân được mở rộng và là kinh đô của Triều Nguyễn trong suốt 143 năm (1802-1945).

 

Non nước hữu tình

 

Huế mộng mơ nằm bên bờ sông Hương, vùng núi cây xanh bốn mùa, ở phía đông dãy Trường Sơn hùng vĩ. Cảnh sắc nơi đây như những bức tranh sơn thủy trữ tình với nhiều sông suối bắt nguồn từ đỉnh Trường Sơn tìm đường về biển. Nơi đây còn là sự giao hòa của vùng núi cao, gò đồi, đầm vịnh uốn lượn như con rồng xanh khổng lồ trườn ra biển Đông.

 

Ban ngày Huế nhẹ nhàng, yên tĩnh; đêm về trở nên lung linh bởi ánh đèn phản chiếu từ cầu Tràng Tiền và các công trình kiến trúc trải dọc hai bờ sông, cùng những chiếc thuyền rồng đưa du khách thưởng ngoạn đêm trăng, nghe điệu hò Huế trên sông Hương.

 

Có ý kiến cho rằng, TP Huế được tổng hợp từ các khu vườn Huế. Trong các khu vườn Huế có những ngôi nhà cổ (nhà rường) rất đẹp - một nét văn hóa kiến trúc mà ít nơi nào có.

 

Nhà vườn là một chỉnh thể được bố cục dựa trên các yếu tố địa hình, khí hậu, cũng như trình độ thẩm mỹ, kỹ thuật cao. Vườn Huế với tổ hợp mai, lan, cúc, trúc, tùng, hồng… gợi nên phong cách sống bình thản, giàu sáng tạo. Tổng hòa các nhà vườn thành làng như một công viên thu nhỏ, trong đó có đình chùa, các ngôi bảo tháp, nhà rường đáp ứng yêu cầu ăn ở, tín ngưỡng của con người.

 

Kiến trúc hài hòa với thiên nhiên

 

Tới Huế, du khách dễ thấy được sự hài hòa giữa thiên nhiên, đất trời với các công trình kiến trúc. Từ kinh thành Phú Xuân xưa, đến Huế sau này, hàng chục cung điện được quy hoạch theo phong thủy, mang ước vọng giàu sang, thịnh vượng, quyền lực và lâu bền. Các công trình kiến trúc đều do nghệ nhân và thợ thủ công Huế cùng các kíp thợ trong Nam, ngoài Bắc xây dựng.

 

Kiến trúc cũng như tính cách con người Huế có sự kế thừa và phát triển từ văn hóa cội nguồn của dân tộc, chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, văn hóa Chăm Pa. Tại Huế, từ quy hoạch nhà dân đến đình chùa, công sở đều chú ý đến thuyết phong thủy. Việc trang trí mỹ thuật gắn liền với yếu tố thiên nhiên, khí hậu, kinh tế và xã hội. Những ngôi nhà truyền thống có gian giữa, tổng thể kiến trúc có trục chính, trục phụ…

 

Kiến trúc Huế ẩn mình trong cây xanh, tất cả các công trình trong nội thành phải thấp hơn Ngọ Môn. Tháp cao nhất ở Huế là chùa Thiên Mụ cũng chỉ cao 21m. Về màu sắc trang trí, cung đình thì sơn son thếp vàng lộng lẫy; các công trình khác như nhà ở, công sở… mang màu gạch, màu gỗ, đá tự nhiên. Điêu khắc thường mang dáng hình hoa lá, chim muông, con người, kiến trúc, thiên nhiên là tình bằng hữu, ước mơ của con người là: Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh.

 

Kiến trúc Huế còn đặc trưng bởi các bức bình phong. Từ đình chùa, am miếu, nhà thờ họ, đến nhà ở… đều có bình phong, thường được làm bằng vôi gạch hay cây chè tàu... Phía sau là hòn non bộ và bể cạn, đây là yếu tố minh đường trong phong thuỷ, một vũ trụ thu nhỏ hướng nội. Bình phong có chức năng chủ yếu là ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Sau này bình phong còn là nơi trang trí mỹ thuật trong kiến trúc nhà ở truyền thống; có những bức bình phong hàng trăm năm tuổi và được con cháu gìn giữ nguyên trạng.

 

Thiên nhiên ban cho Huế nét đẹp riêng, kiến trúc Huế lại tô điểm cho thiên nhiên đẹp bội phần. Người xưa xây dựng kinh thành Huế có dụng ý. Từ thành quách, sông đào, hồ ao, đường sá, cầu cống, tường rào cây xanh, khu dân cư, công sở, quán chợ… đều để lại thành quả lao động nghệ thuật, tạo dựng một đô thị xanh - đô thị vườn, mà các đô thị ngày nay còn phải học ở Huế nhiều.

 

Người Huế thanh tao khó chấp nhận sự thô kệch nặng nề, vì vậy họ sáng tạo dáng vẻ kiến trúc nhẹ nhàng hơn bằng cách sử dụng mảng mái nhà nhỏ hơn, chiều cao mái nhà thanh thoát, bờ nóc không cong vút đã làm cho kiến trúc Huế dễ thương. Nghệ thuật ốp gốm trang trí, sơn son thếp vàng, nghệ thuật thêu và đúc đồng góp phần làm cho kiến trúc Huế thêm lộng lẫy.

 

Kiến trúc ở Huế đang được tôn tạo và phục hồi, để phát huy thế mạnh đặc trưng của thành phố. Nơi đây hàng năm đón hàng triệu khách du lịch ở mọi miền đất nước và bạn bè trên thế giới. Huế có 5 di sản được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, là niềm tự hào của Việt Nam.

 

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek