Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 4.200 doanh nghiệp, nhưng chưa tới 200 doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên. Điều này rất khó cho việc thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) và phát triển đoàn viên.
Ông Phan Quốc Thắng |
Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này, ông Phan Quốc Thắng, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết:
- Một trong những công tác quan trọng để xây dựng tổ chức công đoàn là thành lập CĐCS và phát triển đoàn viên, nhất là CĐCS ở các doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Trong năm qua, LĐLĐ tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo và tiến hành làm việc với các cấp ủy, ban thường vụ liên đoàn các cấp, nhất là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để có sự hỗ trợ trong việc phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS.
Năm 2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam giao Phú Yên thành lập 20 CĐCS ở các doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên. Bám sát chỉ tiêu đó, LĐLĐ tỉnh đã thành lập mới 25 CĐCS có 25 lao động trở lên và 11 CĐCS dưới 25 lao động. Riêng công tác phát triển đoàn viên thì LĐLĐ tỉnh đã phát triển được hơn 4.100/5.000 đoàn viên so với chỉ tiêu giao. Nguyên nhân phát triển đoàn viên không đạt là do dịch COVID-19 gây khó khăn, một số doanh nghiệp tạm ngưng công việc nên số công nhân đi làm các nơi giảm.
Năm 2023, Tổng LĐLĐ Việt Nam giao LĐLĐ tỉnh phát triển 8.400 đoàn viên và thành lập mới 16 CĐCS ở các doanh nghiệp có 25 lao động trở lên. Để sớm hoàn thành chỉ tiêu được giao, LĐLĐ tỉnh đã họp ban chấp hành, ban thường vụ để củng cố lại ban chỉ đạo và giao chỉ tiêu cho từng công đoàn cấp trên cơ sở. Sắp tới, LĐLĐ tỉnh tiếp tục triển khai một số cách cụ thể để làm sao cố gắng thực hiện chỉ tiêu mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
* Là một trong những địa phương có số lượng công nhân thấp, LĐLĐ tỉnh gặp phải những khó khăn gì để thực hiện được các mục tiêu phát triển CĐCS và đoàn viên trong thời điểm hiện nay, thưa ông?
- Hiện Phú Yên có khoảng 4.200 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chưa tới 200 doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên. Doanh nghiệp ở Phú Yên là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS hết sức khó.
LĐLĐ tỉnh cũng xác định trước mắt, các doanh nghiệp có đủ điều kiện thì cố gắng vận động để phát triển đoàn viên và thành lập CĐCS. Còn lại, một số doanh nghiệp nhỏ thì có thể nghiên cứu để thành lập công đoàn ghép. Hiện nay, theo thống kê, địa phương có khoảng 53.000 lao động. Những năm qua, các cấp công đoàn đã phát triển được 43.000 đoàn viên công đoàn, còn lại khoảng 10.000 công nhân lao động chưa vào tổ chức công đoàn, đa số nằm ở các doanh nghiệp siêu nhỏ nên công tác phát triển cực kỳ khó khăn. Nhưng không phải khó thì không làm được. Khó thì chúng ta phải cố gắng theo hướng vận động thành lập công đoàn ghép một số đơn vị, như vậy mới có khả năng đạt chỉ tiêu.
Đại diện Ban Thường vụ LĐLĐ huyện Tuy An trao quyết định thành lập Công đoàn cơ sở Chi nhánh Công ty TNHH Petro dầu nhờn GS Cao Nguyên. Ảnh: HÀ ANH |
* Như ông vừa nói là sắp tới tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập công đoàn ghép. Ông có thể cho biết rõ hơn về phương thức triển khai?
- Việc thành lập công đoàn ghép mới chỉ là ý tưởng. Sắp đến, LĐLĐ tỉnh sẽ họp và đề ra phương án cụ thể ở một số doanh nghiệp có ít công nhân lao động. Phương thức thành lập chủ yếu là ở những doanh nghiệp đóng gần nhau, trong khu công nghiệp. Gần nhau và cùng ngành nghề sản xuất thì ghép, còn những nơi khác thì chắc là không thể được.
* Việc thành lập công đoàn ghép chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập trong hoạt động công đoàn. LĐLĐ tỉnh đã lường hết những khó khăn phía trước?
- Bây giờ mới chỉ là ý tưởng, còn đi vào cụ thể, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ có hướng dẫn. Bởi hiện nay ở một số tỉnh có hoạt động sản xuất công nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, doanh nghiệp ít công nhân, nếu không có cách làm mới thì khó mà thành lập được tổ chức công đoàn.
* Bên cạnh các giải pháp mà ông vừa nói thì sắp đến, LĐLĐ tỉnh còn vận dụng các phương thức nào để hoàn thành nhiệm vụ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, thưa ông?
- LĐLĐ tỉnh xác định việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS rất khó khăn, chủ yếu là vận động, thuyết phục. Việc này nếu chỉ mỗi tổ chức công đoàn làm chắc chắn sẽ khó nên các cấp công đoàn đã phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện. Trong ban vận động cần cơ cấu ít nhất là phó chủ tịch cấp huyện và phó chủ tịch các xã, phường nơi có doanh nghiệp đóng chân.
Cùng với đó, LĐLĐ tỉnh xây dựng lịch trình cụ thể trước khi vận động; khi đoàn đến làm việc với ban giám đốc của đơn vị, doanh nghiệp để tiến hành vận động, thuyết phục. Nếu doanh nghiệp đồng ý thì công đoàn sẽ làm các thủ tục để thành lập ngay, không để mất thời gian. Vì việc tổ chức thành lập, quy trình thủ tục đã có sẵn.
* Xin cảm ơn ông!
NAM TRƯỜNG (thực hiện)