Chủ Nhật, 24/11/2024 09:36 SA
Vui buồn chuyện nghề kiến trúc
Thứ Năm, 27/04/2023 07:14 SA

Hạ tầng đô thị Tuy Hòa - tỉnh lỵ của Phú Yên ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, trong đó có sự đóng góp của đội ngũ kiến trú sư và kỹ sư xây dựng trong việc quy hoạch và xây dựng thành phố. Ảnh: NGỌC THẮNG

Mỗi năm đến ngày Kiến trúc Việt Nam (27/4), những người làm nghề kiến trúc có dịp ôn lại vui buồn trong công việc của mình. Nhắc lại để hiểu và yêu nghề hơn, để mang lại nhiều công trình đẹp từ sự lao động sáng tạo của mình.

 

Kiến trúc sư và nghề

 

Xã hội lúc nào cũng tôn trọng ngành Kiến trúc. Trước sự phát triển của đô thị hôm nay, phấn đấu xây dựng các đô thị thông minh, đô thị xanh - sạch - đẹp, đô thị sinh thái..., kiến trúc sư (KTS) là những người chắp nối cho các tiêu chí này.

 

KTS thiết kế nhà cửa, công trình, các đồ án quy hoạch, đó là cách hiểu phổ biến, đôi khi người ta vẫn gọi là nghệ sĩ; đặc thù công việc là cùng một lúc mang yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật. Theo lẽ thường, không có một KTS nào tự ngồi vẽ ra công trình để ngắm nhìn, vẽ rồi phải được sự đồng ý của chủ đầu tư, được xét duyệt và cấp phép xây dựng. Còn họa sĩ có thể tự do sáng tạo theo ý thích, rồi đem bán hoặc trưng bày, nếu không thì tặng bạn bè, người thân hay cất giữ.

 

Thực tế, KTS làm rất nhiều việc. Tư vấn là việc KTS đưa ra những phân tích, định hướng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến công trình, dự án như tư vấn về pháp luật đầu tư, giải pháp quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật, vật liệu xây dựng, thi công, vận hành công trình... Quá trình tư vấn là sự trao đổi giữa KTS và chủ đầu tư, để hình thành và đưa ra ý tưởng, là tiền đề cho mọi diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, đôi bên ít khi được nhìn nhận đúng, nhất là đối với các dự án lớn, các chủ đầu tư thường ít muốn nghe KTS trình bày trong giai đoạn này.

 

Thiết kế bản vẽ là giai đoạn cụ thể những ý tưởng, giải pháp trong quá trình tư vấn thành những bản vẽ; với những mặt bằng, mặt đứng, không gian phối cảnh... cùng những kích thước, số liệu. Để có những bản vẽ kỹ thuật thi công phải qua nhiều bước, với sự tham gia của KTS, các kỹ sư kết cấu, điện nước, giao thông san nền, dự toán công trình... KTS là chủ nhiệm dự án phải điều phối, kết nối các bộ phận thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau sao cho nhịp nhàng và chính xác.

 

Mỗi công trình như một đứa con tinh thần, từ khi phác thảo ý tưởng đến xây dựng hoàn thành. KTS có niềm vui đó là ký kết được hợp đồng, hồ sơ được xét duyệt, được cấp phép xây dựng; dự lễ khởi công hay khánh thành công trình. Ngược lại cũng có nhiều nỗi buồn, nhất là khi phương án thiết kế không được xét duyệt, hay vì lý do khách quan nào đó không được thi công xây dựng.

 

Nghề kiến trúc cũng như nghề thợ may phải cẩn thận, kỹ càng “bảy lần đo, một lần cắt”. Mỗi nét vẽ của KTS là tiền bạc, là mồ hôi công sức, nên đừng bao giờ xa rời đạo đức nghề. Không phải khi là KTS, ai cũng cầm bút làm đúng nghề, có người trở thành giảng viên, nhà quản lý, doanh nhân..., nhưng cuộc đời đẹp nhất của mỗi KTS là có được những công trình, là tác phẩm đem lại nét đẹp cho đời.

 

Các kiến trúc sư và kỹ sư của Công ty CP Tư vấn - Xây dựng Phú Yên trao đổi thiết kế công trình. Ảnh: HOÀNG XUÂN THƯỞNG

 

Những vai bất đắc dĩ

 

Thực tế, ngoài những phần việc nói trên, KTS còn phải làm rất nhiều việc không mang tính sáng tạo, không nặng về kỹ thuật, mà phải sắm rất nhiều vai, trong đó có những vai bất đắc dĩ.

 

Vai quan hệ, đó là việc KTS phải lo vận động để có được dự án, có được công trình và cuối cùng là có hợp đồng giao việc. Trong quá trình triển khai, KTS lo các loại giấy tờ xin thỏa thuận chứng chỉ quy hoạch, xin được cấp đất xây dựng, xin giấy phép xây dựng và vô vàn giấy tờ khác…

 

Để được việc, KTS phải làm hài lòng chủ đầu tư và các cơ quan quản lý; đôi khi còn phải đóng vai hòa giải khi làm việc với một tập thể và ai cũng có cái tôi quá lớn.

 

Trong trường hợp khi cách thức thi công của nhà thầu và chủ đầu tư còn chưa chuyên nghiệp, trình độ thợ thi công còn hạn chế, chủ đầu tư lại hay can thiệp vào quá trình thi công, thì KTS buộc phải bảo vệ quyền tác giả của mình, đó là thi công đúng hồ sơ thiết kế.

 

Đồ án thiết kế chỉ thành hiện thực khi có sự tham gia của chủ đầu tư, sự vào cuộc của các nhà thầu thi công, của cán bộ kỹ thuật, công nhân và đội ngũ cung cấp vật tư, thiết bị cho công trình; mỗi khi các công đoạn trên có chất lượng không tốt, thường mang lại nỗi buồn cho tác giả.

 

Chủ đầu tư và KTS ban đầu tìm đến với nhau với mục đích khá tốt, người muốn có công trình theo ý thích của mình, còn KTS muốn thể hiện khả năng chuyên môn, cả hai đều vì mục tiêu có một tác phẩm kiến trúc tốt để lại cho đời. Thế nhưng trong quá trình thực hiện, đôi khi giữa chủ đầu tư và KTS ai cũng có quyền, có cái tôi quá lớn, dẫn đến “cơm không lành, canh không ngọt”.

 

Nỗi buồn mà KTS thường gặp phải đó là vẽ theo sự áp đặt của người khác (sân sau), theo ý tưởng của người ngoài đạo, chứ không phải là lao động sáng tạo thực sự của mình, đôi khi công trình khi xây dựng xong, KTS không dám nhận đó là sản phẩm, là đứa con tinh thần của mình.

 

Hôm nay về nông thôn hay các đô thị tại Phú Yên, ta thấy từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến cảnh quan kiến trúc có sự đổi mới. Trong sự phát triển chung đó có bàn tay đóng góp của đội ngũ KTS - những người đi trước tạo dựng phối cảnh, một thiên nhiên thứ hai tốt hơn cho cuộc sống của con người.

 

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek