Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh vừa giám sát việc quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, bảo tồn, duy tu, bảo dưỡng, phát huy hiệu quả giá trị các di tích lịch sử - văn hóa (LSVH), danh lam thắng cảnh (DLTC) phục vụ du lịch giai đoạn 2020-2022 trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá chung về công tác bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị các di tích LSVH, DLTC trên địa bàn tỉnh thời gian qua, bà Đặng Thị Hồng Nga, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát cho biết:
- Thực hiện theo chỉ đạo và điều hành của UBND tỉnh, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, hàng năm bố trí nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và huy động nguồn lực khác để tu bổ, phục hồi, cải tạo, nâng cấp một số di tích theo phân cấp quản lý.
Đến nay, các di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh đã được Sở VH-TT&DL cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và bàn giao hồ sơ, mốc giới ngoài thực địa cho các địa phương quản lý theo phân cấp. Đối với các di tích cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai kế hoạch thực hiện cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích được giao quản lý, dự kiến hoàn thành trong quý II/2023.
Hầu hết địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, giới thiệu ý nghĩa, nguồn gốc của lễ hội và giá trị văn hóa, lịch sử của di tích tại lễ hội; qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, Nhân dân và du khách trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích; thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức lễ hội.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, cách mạng của dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, ý chí tự lực vươn lên của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch.
Bà Đặng Thị Hồng Nga |
* Những hạn chế, khó khăn các địa phương đang gặp phải trong công tác này là gì, thưa bà?
- Đó là, công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc tham gia bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích LSVH, DLTC thời gian qua còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ di tích LSVH đã được xếp hạng còn nhiều bất cập, hạn chế, nhất là công tác lập quy hoạch các di tích, khoanh vùng cắm mốc giới bảo vệ di tích, quy hoạch sử dụng đất di tích. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích đã được xếp hạng còn chậm, chưa được quan tâm đúng mức, chưa đảm bảo theo quy định. Đến nay chỉ hoàn thành việc cắm mốc đối với các di tích quốc gia và hoàn thành hồ sơ quy hoạch đối với 2 di tích quốc gia đặc biệt là Gành Đá Đĩa và Tháp Nhạn.
Công tác đầu tư, tôn tạo, sửa chữa nâng cấp di tích chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều di tích, danh thắng được xếp hạng đang bị xuống cấp, hư hỏng nặng vẫn chưa được đầu tư tương xứng với giá trị của di tích. Những di tích đã được xếp hạng 10 năm vẫn chưa được phục dựng, quản lý bảo vệ theo quy định. Việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về di tích còn hạn chế. Việc tổ chức và quản lý hoạt động di tích tại địa phương theo phân cấp quản lý chưa được thường xuyên. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ, thuyết minh viên tại các khu di tích chưa được quan tâm, bố trí đảm bảo để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ theo thực tế…
* Vậy, theo Ban VH-XH, làm thế nào để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bất cập nói trên?
- Ban kiến nghị, đề xuất Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH; đồng thời ban hành quy định, định mức các chính sách hỗ trợ kinh phí để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để thống nhất trên cả nước. Ban đề nghị Bộ VH-TT&DL kịp thời ban hành các thông tư quy định cụ thể trong việc xã hội hóa hoạt động tu bổ, phát huy giá trị di sản văn hóa để thống nhất chung trong cả nước đối với các di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt.
Ban VH-XH HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại Di tích lịch sử Gò Thì Thùng. Ảnh: THÙY THẢO |
Ban cũng kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, huy động các nguồn lực thực hiện xã hội hóa hoặc liên kết đầu tư, tôn tạo các di tích; sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 911 về phân cấp quản lý di tích LSVH và DLTC trên địa bàn và Quyết định 21 của UBND tỉnh để tăng cường trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích LSVH, DLTC trên địa bàn tỉnh và phù hợp với tình hình thực tế. UBND tỉnh cần quan tâm bố trí đầu tư nguồn lực, nguồn ngân sách cho việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị và tu bổ, tôn tạo, đầu tư nâng cấp các di tích, danh thắng đang bị xuống cấp; sớm ban hành đề án tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. UBND tỉnh chỉ đạo, hoàn thành việc lập quy hoạch cụm di tích quốc gia và di tích cấp tỉnh được giao quản lý đảm bảo theo Nghị định 166 của Chính phủ; sớm hoàn thành việc cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích, quy hoạch di tích, quy hoạch đất di tích, kế hoạch sử dụng đất liên quan đến vị trí, diện tích đất có di tích trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Ban VH-XH đề nghị Sở VH-TT&DL tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về di tích; tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích; chủ động phối hợp các ngành, UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra, quản lý đất đai thuộc khu vực bảo vệ di tích, hoàn thành việc xây dựng quy hoạch di tích; hướng dẫn các địa phương về chuyên môn trong việc lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích, việc kiểm tra bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy định của pháp luật; thường xuyên tổ chức giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác phát huy giá trị di tích và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về di tích theo quy định; chủ trì tổ chức đánh giá tiềm năng các di tích, di sản, danh thắng của tỉnh có khả năng thu hút khách du lịch để trình cấp có thẩm quyền ban hành mức thu phí phù hợp…
Ngoài ra, ban đề nghị UBND cấp huyện thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về quản lý, bảo vệ di tích; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ đối với các di tích được giao quản lý theo phân cấp quản lý, quy chế quản lý và Chỉ thị 12 của UBND tỉnh; rà soát, phối hợp ngành chức năng của tỉnh sớm giải quyết, xử lý dứt điểm những tồn tại hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý di tích; chủ động cân đối ngân sách địa phương và bố trí kinh phí đầu tư công để thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích được giao quản lý trên địa bàn.
* Xin cảm ơn bà!
Từ khi phân cấp quản lý di tích, trách nhiệm các ban ngành và chính quyền các cấp được phân công cụ thể hơn, công tác quản lý di tích từng bước đi vào nề nếp. Sở VH-TT&DL đã phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật DSVH, tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di tích cơ bản đã đáp ứng được với nhu cầu ở địa phương. |
THÙY THẢO (thực hiện)