Địa đạo Gò Thì Thùng (huyện Tuy An) và địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) là hai công trình quân sự trong lòng đất, hai chứng tích của lịch sử. Hai địa đạo này có nét kiến trúc tương đồng, chỉ khác nhau về quy mô và thời gian xây dựng.
Hệ thống giao thông hào chằng chịt
Địa đạo Gò Thì Thùng cách thị trấn Chí Thạnh 15km về phía tây, được xây dựng tại xã An Xuân (huyện Tuy An) là vùng đất sét pha đá ong, có độ cao 400m so với mực nước biển, khí hậu ở đây quanh năm mát mẻ.
Địa đạo được thiết kế và xây dựng vào tháng 5/1964, với tổng chiều dài hơn 2km, độ sâu từ 3-4,5m so với mặt đất, rộng 0,8m, cao 1,2-1,8m; cứ 20m có một cửa nhỏ được ngụy trang cẩn thận. Trong toàn bộ chiều dài của địa đạo có 486 giếng để lấy ánh sáng và thông gió. Đường hầm được gắn với hầm trú ẩn, kho vũ khí, phòng làm việc, nơi ăn nghỉ... Bao bọc xung quanh là hệ thống giao thông hào chằng chịt như mê cung với tổng chiều dài hơn 10km. Khi có địch thì quân ta di chuyển để đánh địch, xong lại rút vào đường hầm, như vậy sẽ an toàn, bí mật và bảo toàn được lực lượng.
Một số cán bộ cách mạng lão thành kể lại rằng, năm 1964, bên cạnh cán bộ, bộ đội, rất đông thanh niên được huy động đi đào hầm địa đạo Gò Thì Thùng. Nhiều người đi từ sáng đến khuya, làm việc hăng say. Người đào, người chuyền nhau vận chuyển đất ra ngoài. Mặc dù trong hầm rất nóng nhưng ai cũng vui, cũng tự hào vì được tham gia vào một phần việc quan trọng của cách mạng. Thời điểm đó, thành phần tốt mới được tuyển chọn đi đào hầm; ai tham gia cũng phải giữ bí mật.
Hai cựu thanh niên xung phong thăm lại địa đạo Gò Thì Thùng. Ảnh: THẠCH BÍCH |
Tháng 6/1966, quân ta từ trong lòng địa đạo Gò Thì Thùng, bất ngờ xông lên đánh giáp lá cà tiêu diệt 378 tên địch, bắn hạ 5 máy bay Tiểu đoàn dù 173 của Mỹ. Đây là một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Phú Yên.
Ngày nay, địa đạo Gò Thì Thùng là di tích lịch sử quốc gia, là điểm tham quan nằm trên tuyến du lịch miền tây Phú Yên. Tại đây, địa phương đã xây dựng 2 nhà che cửa chính, 3 nhà che giếng, khôi phục 95 đoạn hào, xây dựng nhà trưng bày kết hợp với nhà làm việc và tiếp khách. Lối đi lại trong khu di tích cũng được bê tông lát đá, giúp việc đi lại tham quan được thuận tiện. Đến thăm nơi này, du khách sẽ phần nào hiểu thêm về những năm tháng đấu tranh gian khổ và hào hùng của cha ông ta.
Pháo đài quân sự vững chắc
Địa đạo Củ Chi được ví như một “làng ngầm” trong lòng đất, công trình được thiết kế, thi công đơn giản vào những năm 1946-1948 trong hoàn cảnh khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp. Địa đạo dài hơn 200km, dưới lòng đất là các đường hầm chằng chịt như mạng nhện, tỏa rộng đến tận các làng xã. Đường hầm ban đầu chỉ là các đoạn ngắn, tại các làng, cấu trúc đơn giản. Càng về sau, cuộc chiến ngày thêm gay go ác liệt, giặc sử dụng nhiều loại vũ khí tối tân và lối đánh tinh vi hơn, buộc chúng ta phải có cách đối phó khôn khéo. Các đường hầm ngắn được nối lại thành một địa đạo quy mô hoàn chỉnh và hoàn toàn bí mật trong lòng đất.
Huyết mạch của địa đạo Củ Chi là một đường trục chính gọi là đường xương sống quanh co khúc khuỷu, thông suốt từ đầu đến cuối các làng. Từ đường xương sống này, các đường nhánh tỏa đi khắp nơi, thậm chí đến cả sào huyệt của địch. Các đường địa đạo gắn liền với từng hầm bí mật, hầm trú ẩn, phòng làm việc, trạm xá của đơn vị bộ đội; ngắn dài khác nhau, theo địa hình, tạo thành vành đai liên hoàn bảo vệ cho sản xuất, chiến đấu của quân và dân ta.
Miệng cửa hầm bí mật địa đạo Củ Chi chỉ đủ một người Việt Nam chui lọt. Ảnh: MINH CHÂU |
Các đường hầm, có nơi 3 tầng (tầng 1 sâu 3-4m, tầng 2 sâu 5-7m và tầng 3 sâu đến 8m), rộng 60-70cm, cao 80-90cm, đủ cho người đi lại khom lưng; cũng có đoạn rộng và cao hơn cho 2 người tránh nhau. Miệng hầm rất nhỏ vừa đủ cho 1 người chui lọt, nóc hầm cấu tạo theo hình tam giác hoặc vòng cung, có khả năng chịu được sức công phá của các loại bom mìn, kể cả xe tăng khi chạy qua.
Các cửa hầm chính được xây dựng từ 2-3 tầng, bọc bê tông cốt thép; các lỗ châu mai, ổ pháo quân sự bố trí tại đây và cũng tại nơi này có các cửa hầm lên, xuống, dọc ngang trong lòng đất để quân ta dễ dàng rút lui khi cần. Hàng triệu mét khối đất được đào ra, vận chuyển, dọn dẹp, ngụy trang nhằm che mắt quân thù.
Từ trong đường hầm có lỗ thông hơi đưa lên mặt đất, có cả lỗ chiếu sáng và ống thoát nước. Các giếng nước sạch được đào ngay cạnh đường hầm, đặc biệt là việc sử dụng bếp nấu Hoàng Cầm (không có khói) đã đảm bảo bí mật, an toàn cho cả vùng địa đạo. Khi nóc hầm đóng lại, tất cả đều trở về với cuộc sống tự cung tự cấp, sinh hoạt thường ngày diễn ra trong “làng ngầm” khiến địch khó mà phát hiện.
Quân địch liên tục tấn công vào hệ thống địa đạo bằng đủ cách như dùng bom mìn, chó nghiệp vụ, bơm nước vào địa đạo, phun hơi ngạt vào các miệng hầm... nhưng địa đạo được thiết kế có thể cô lập từng đoạn nên chỉ hư hại phần rìa, toàn bộ hệ thống địa đạo vẫn trụ vững.
Hệ thống đường hầm này trở thành pháo đài quân sự vững chắc, nơi làm việc, trú ẩn của Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn trong suốt thời gian dài. Từ căn cứ bí mật này, lực lượng biệt động, du kích của ta lúc ẩn, lúc hiện đánh cho địch không kịp trở tay mà vẫn bảo toàn được lực lượng.
Ngày ấy cuộc sống khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, nhưng vẫn ngời sáng tình yêu thương đùm bọc, giúp đỡ nhau của quân và dân. Từ trong lòng đất vẫn có lớp học, có trạm xá, phòng họp, có đội văn công... Tiếng hát của đội du kích cất lên từ đây, những đứa trẻ ra đời cũng từ đây; họ vẫn yêu nhau, vẫn nên vợ thành chồng. Chiến tranh, bom đạn không dập tắt được sự sống, sự ra đời của các thế hệ “mình đồng da thép”. Ý chí quật cường nối tiếp nhau viết nên trang sử vẻ vang trong suốt 30 năm (1945-1975) chiến tranh vệ quốc.
Ngày nay, địa đạo Gò Thì Thùng là di tích lịch sử quốc gia, là điểm tham quan nằm trên tuyến du lịch phía tây Phú Yên. Đến thăm nơi này, du khách sẽ phần nào hiểu thêm về những năm tháng đấu tranh gian khổ và hào hùng của cha ông ta. |
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG