Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, HTX do phụ nữ làm chủ. Các hoạt động hỗ trợ này đã giúp phụ nữ khẳng định vai trò của mình trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể (KTTT).
Đẩy mạnh tuyên truyền
Những năm qua, hội LHPN các cấp luôn xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, trong đó có các hoạt động hỗ trợ phát triển tổ hợp tác, HTX do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý là nhiệm vụ quan trọng của các cấp hội. Năm 2022, hội đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh cho hơn 56.000 lượt phụ nữ ở 9 huyện, thị xã, thành phố; vận động nguồn lực hỗ trợ 208 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp (đạt 260% chỉ tiêu); giúp hồ sơ thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách xã hội; giới thiệu các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật; tư vấn, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm... Các cấp hội còn hỗ trợ thành lập mới 2 HTX có phụ nữ quản lý (đạt 200% chỉ tiêu); duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của 16 HTX.
Theo chị Phạm Thị Thúy Ngọc (xã An Xuân, huyện Tuy An), ban đầu, chị làm thợ may, thu nhập ổn nhưng kinh tế không phát triển, chỉ đủ đắp đổi. Từ năm 2017-2019, chị chuyển sang nuôi gà công nghiệp. Nhưng cuối năm 2019, dịch COVID-19 ập đến, đầu ra sản phẩm khó khăn, 6.000 con gà không có đầu ra. Thấy việc chăn nuôi bấp bênh, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái nên chị Ngọc tập trung vào chất lượng, chủ động đầu ra để trụ được với nghề. Một lần thấy trên mạng có mô hình ủ thức ăn vi sinh nuôi gà, chị Ngọc đã liên hệ sau đó ra Hà Nội ở lại 10 ngày để học nghề. Về nhà, chị xử lý dược liệu tự nhiên sau đó trộn vào thức ăn giúp gà bớt bệnh, chất lượng thịt gà được nâng lên.
Chị Ngọc cho biết: “Năm 2022, dưới sự tư vấn, hỗ trợ của hội LHPN, tôi thành lập HTX Nông nghiệp hữu cơ An Xuân Phát. Tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn về quản lý HTX, biết cách tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi và được thụ hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng của Nhà nước. Nhờ kết nối, mở rộng các kênh bán hàng nên HTX của tôi mỗi tháng bán ra 500 con gà, lợi nhuận thu về gần 30 triệu đồng”.
Theo Hội LHPN tỉnh, trong tháng 3/2023, tại các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Tây Hòa, đơn vị đã tổ chức 3 hội nghị tập huấn về đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939) và các chính sách liên quan đến mô hình KTTT, HTX. Qua đó, đơn vị đã hướng dẫn cho nhiều chị em các bước thành lập, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kế hoạch hoạt động mô hình phát triển kinh tế, du lịch cộng đồng, HTX; hướng dẫn hội viên, phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp, từ đó góp phần tiếp thêm động lực cho chị em xây dựng ý tưởng để mạnh dạn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường.
Khẳng định vai trò trong xây dựng mô hình KTTT
Bà Nguyễn Thị Minh Thùy, Trưởng ban Gia đình xã hội - Kinh tế, Hội LHPN tỉnh, cho biết, thực hiện Đề án 939, Hội LHPN tỉnh đã có kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng cho các cấp hội phụ nữ trong tỉnh tập trung tổ chức triển khai các hoạt động của đề án, hướng đến tiếp sức mô hình KTTT do phụ nữ thực hiện, ưu tiên hỗ trợ cho nhóm phụ nữ yếu thế vươn lên làm chủ, phát huy lợi thế và tiềm năng phụ nữ trong sản xuất, kinh doanh.
Cùng với Đề án 939, đề án “Hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) vừa được Hội LHPN Việt Nam khởi động trong tháng 3 càng thể hiện sự quan tâm đồng hành của Chính phủ, tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam thực hiện quyền lợi và trách nhiệm tham gia khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
Đồng thời, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh còn tích cực phổ biến các chính sách tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho HTX đến cán bộ, hội viên HTX, tổ hợp tác; tổ chức các lớp tập huấn về kiến thức KTTT, xây dựng kế hoạch kinh doanh, chuyển đổi số, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… qua đó, góp phần phát triển khả năng tự chủ làm kinh tế của phụ nữ, giúp cho các hội viên có cơ hội, điều kiện để liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định đầu ra và có thể tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập một cách bền vững cho hội viên phụ nữ.
Thời gian tới, ngoài tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn, hội sẽ phối hợp các đơn vị hỗ trợ thực hiện các mô hình liên kết tạo thành chuỗi giá trị, nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ lẫn nhau trong việc thâm nhập và ổn định thị trường.
Bà Nguyễn Thị Minh Thùy, Trưởng ban Gia đình xã hội - Kinh tế, Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ