Trong bối cảnh khó khăn chung, được sự chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành trung ương, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác xã hội (CTXH).
Sở LĐ-TB-XH tập huấn nghiệp vụ CTXH trong bệnh viện cho nhân viên y tế của tỉnh. Ảnh: HOÀNG LÊ |
Theo đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm; nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội triển khai hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được đẩy mạnh.
Chung tay trợ giúp
Toàn tỉnh hiện có hơn 50.000 đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH). Hiện hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đây là nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh. Bên cạnh đó, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người, tạo thành một mạng lưới trợ giúp các nhóm đối tượng BTXH, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Những kết quả trên có được là nhờ sự đồng thuận của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là việc triển khai đề án Phát triển nghề CTXH theo Đề án 32 và liên thông việc triển khai Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Phú Yên với sự vào cuộc của các ban ngành, hội đoàn thể. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Việc kết nối yêu thương, chăm lo cho các đối tượng này luôn được MTTQ các cấp ưu tiên. Ngoài nguồn hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên còn tích cực vận động toàn xã hội giúp họ có thêm điều kiện, động lực vươn lên.
Trên thực tế, trong khoảng thời gian 3 năm bị ảnh hưởng mọi mặt bởi đại dịch COVID-19, tỉ lệ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tăng về số lượng cũng như mức độ, phân bố đều khắp ở các địa phương trong tỉnh. Số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có hơn 300.000 người đang được hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chiếm hơn 35% dân số. Ngoài ra, cả tỉnh còn có hàng chục ngàn cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề phức tạp như ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em. Đối với địa phương tập trung 32 dân tộc thiểu số cùng sinh sống như Phú Yên, đời sống người dân còn khó khăn, nhất là người lao động, tỉ lệ giảm nghèo đa chiều chỉ đạt 0,87%... Đây là những đối tượng cần được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CTXH.
Nâng cao nhận thức, chuyên nghiệp hóa CTXH
Mặc dù đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của CTXH gia tăng, nhưng các dịch vụ CTXH ở tỉnh ta chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các dịch vụ này chỉ mới tập trung tại các cơ sở BTXH có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng các nhóm đối tượng theo quy định. Các hoạt động từ thiện, thiện nguyện, các hoạt động an sinh xã hội chưa bao quát được hết vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nghề CTXH trong cộng đồng và cuộc sống xã hội. Trên địa bàn tỉnh còn thiếu các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu, chăm sóc, trợ giúp và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng. Cơ cấu các dịch vụ CTXH có sự kết hợp của các cơ quan, đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng, thiếu hụt các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp cho người dân, làm giảm hiệu quả của các chính sách phúc lợi xã hội.
Đối với chương trình Phát triển CTXH trong giai đoạn 2021-2030, để đạt được những mục tiêu đề ra của Chính phủ, đại diện tổ chức UNICEF tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần có một khung pháp lý mạnh mẽ hơn quy định rõ hơn về nhiệm vụ chức năng của nhân viên CTXH, các nguyên tắc và giá trị của nghề nghiệp. Việt Nam cần xây dựng luật về CTXH, từ đó công nhận vai trò và chức năng của nhân viên CTXH trong từng lĩnh vực khác nhau như y tế, phúc lợi, tư pháp và giáo dục… Như vậy, vấn đề quan trọng bên cạnh ban hành các thể chế, chính là con người làm nghề CTXH, hoạt động CTXH. Trong khi đó, nhân lực làm CTXH hiện là vấn đề bất cập không chỉ ở Phú Yên mà hầu khắp các địa phương. Hiện đội ngũ này đa phần phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể, cán bộ phường, xã và đôi khi là những người dân tự nguyện tham gia. Đa số họ làm việc theo kinh nghiệm, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH còn hạn chế. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư thiếu tính bền vững.
Những vấn đề vướng mắc nêu trên đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH. Trong đó, bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì nhiệm vụ trọng tâm trước mắt vẫn là phải nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH nhằm huy động các nguồn lực từ xã hội, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào CTXH, đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân đối với phát triển CTXH.
Trong chuyến làm việc với lãnh đạo tỉnh vào đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, Phú Yên cần tập trung đầu tư phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người có công, đối tượng BTXH, người nghèo… Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước: tăng trưởng, phát triển kinh tế phải đi đôi với quan tâm, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, ưu tiên cho mục tiêu giảm nghèo, trợ giúp các đối tượng yếu thế. Trong tiến trình này, chúng ta nhận thức được rằng, một xã hội văn minh và tiến bộ rất cần có các chính sách, kế hoạch và pháp luật cụ thể để phát huy các nguồn lực phát triển và tìm các phương thức đa dạng để bảo vệ, chăm sóc hiệu quả những đối tượng yếu thế. Và việc chuyên nghiệp hóa CTXH là một vấn đề quan trọng góp phần giải quyết các vấn đề xã hội do mặt trái của phát triển kinh tế sinh ra.
Ở những lúc càng khó khăn, nghề CTXH càng thể hiện rõ nét vai trò, chức năng với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của đội ngũ người làm CTXH. Do đó, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển CTXH phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục duy trì củng cố đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH để thực hiện các chương trình đảm bảo an sinh xã hội; từng bước phát triển mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH trên địa bàn. Mục tiêu tổng thể của chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 tỉnh Phú Yên là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân. Các hoạt động này đã và đang theo đúng kỳ vọng thúc đẩy nghề CTXH hướng tới chuyên nghiệp - sáng tạo - phát triển, như chủ đề ngày CTXH Việt Nam năm nay đã đề ra.
Mục tiêu tổng thể của chương trình Phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 tỉnh Phú Yên là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân. |
PHẠM THỊ MINH HIỀN
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH