Thứ Hai, 02/12/2024 02:45 SA
Kiên trì thực hiện công tác dân số trong tình hình mới
Thứ Bảy, 25/03/2023 11:00 SA

Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã dần chấp nhận quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con. Ảnh: THÁI HÀ

Đội ngũ cán bộ dân số ngày càng tinh giản, hoạt động của công tác dân số và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) gặp không ít khó khăn, dù vậy công tác dân số trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 

Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Hương, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh về vấn đề nói trên.

 

* Thời gian qua, bên cạnh những khó khăn chung thì công tác dân số cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật của ngành?

 

- Năm 2022, tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở cơ sở có nhiều biến động, chưa ổn định. Đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số mới khôi phục nhưng vẫn chưa đầy đủ. Hoạt động dân số ở cơ sở chưa được đồng bộ. Công tác tuyên truyền chưa hiệu quả. Việc thu thập thông tin biến động về DS-KHHGĐ chưa đầy đủ. Công tác dân số ở cấp xã được phân công cho viên chức trạm y tế thực hiện; người mới, việc mới, chưa được đào tạo kịp thời… Dù vậy, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, kịp thời của Sở Y tế, sự phối hợp của các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng.

 

Thống kê cho thấy, đến cuối năm 2022, tỉ suất sinh thô của tỉnh là 13,9‰; bình quân trong 5 năm qua, tỉ suất sinh thô giảm bình quân 0,2‰/năm, đạt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm tỉnh giao (chỉ tiêu giảm mức sinh 0,2‰/năm). Ước tính tổng tỉ suất sinh (TFR) đạt 2,07 con (mức sinh thay thế TFR ở khoảng 2,1 con); tỉ số giới tính khi sinh là 107,1 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống (thấp hơn mặt bằng chung của cả nước: 111,5 bé trai/100 bé gái). Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có chiều hướng giảm. Hiện tỉnh phấn đấu đưa tỉ số này về mức cân bằng tự nhiên (103-105 trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống) vào năm 2030.

 

Những kết quả nói trên rất đáng khích lệ, là thành quả của một thời gian thực hiện công tác dân số trong tình hình mới chứ không phải riêng của năm 2022.

 

Ông Nguyễn Hữu Hương

* Việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đòi hỏi ngành Dân số phải đổi mới nội dung tuyên truyền; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số toàn diện. Phú Yên đã triển khai các nhiệm vụ này như thế nào, thưa ông?

 

- Tỉnh luôn xác định công tác dân số là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, tỉnh đã chỉ đạo huy động toàn hệ thống chính trị và xã hội tham gia vào các hoạt động truyền thông về công tác dân số.

 

Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phổ biến, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nhóm đối tượng liên quan về các nội dung của công tác dân số trong tình hình mới như: tham gia sàng lọc trước sinh, sơ sinh; giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục, KHHGĐ, bạo lực gia đình, bạo lực học đường; hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; khám sức khỏe trước khi kết hôn; thực hiện KHHGĐ, chăm sóc SKSS, các bệnh lây truyền qua đường tình dục; hệ lụy của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các bệnh thường gặp ở người cao tuổi…

 

Nhìn chung, người dân hiện nay đã dần nhận thức được những lợi ích cho bản thân khi thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Phú Yên đã đạt được mức sinh thay thế; các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đã dần chấp nhận quy mô gia đình nhỏ từ 1-2 con. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm đến việc giáo dục giới tính sớm cho vị thành niên, thanh niên. Phụ nữ trong đội tuổi sinh đẻ đã quan tâm và tự nguyện tham gia các đợt chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ. Xã hội đã dần thấy được hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, sự già hóa dân số và các thách thức trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

 

Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ SKSS từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đã từng bước củng cố, phát triển đáp ứng cung cấp các dịch vụ cơ bản cho Nhân dân. 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi. Đến nay, tất cả bệnh viện tuyến tỉnh (trừ các bệnh viện chuyên khoa), trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ thuận lợi an toàn, hiệu quả. Mạng lưới dịch vụ KHHGĐ tiếp tục được củng cố; mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra SKSS trước hôn nhân tiếp tục được phát triển.

 

* Vậy thời gian tới, ngành Dân số Phú Yên sẽ có những định hướng và giải pháp nào để thực hiện các mục tiêu đề ra, thưa ông?

 

- Sau tổng điều tra dân số năm 2019, chúng tôi nhận thấy công tác dân số tỉnh nhà vẫn còn một số hạn chế và thách thức. Quy mô dân số chưa ổn định, tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ) tăng dần sau các cuộc tổng điều tra dân số. Cụ thể, năm 2009, tổng tỉ suất sinh là 1,96 con; đến năm 2019, tổng tỉ suất sinh vẫn đạt mức sinh thay thế là 2,11. Năm 2022, ước tính là 2,07 con. Điều này cho thấy việc giữ vững mức sinh thay thế (số con bình quân của một phụ nữ là 2,1 con) đến năm 2025 tầm nhìn đến 2030 cần có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp.

 

Bên cạnh đó, tỉ số giới tính khi sinh còn ở mức cao: 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống theo tổng điều tra dân số năm 2019 (tỉ số này của cả nước là 111,5). Năm 2022, tỉ số này là: 107,1 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức cho công tác dân số thời gian đến trong việc đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (103-105 bé trai/100 bé gái sinh ra sống).

 

Việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 21-NQ/TW đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, nhất là cấp cơ sở cần nhận thức một cách đầy đủ về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của công tác dân số và phát triển. Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền về dân số, SKSS, KHHGĐ cần được đầu tư, đổi mới, tạo được sự chuyển biến sâu sắc về ý thức và tâm lý trong thực hiện chính sách dân số, tạo sự đồng thuận xã hội chấp nhận quy mô gia đình có 2 con; không còn định kiến giới, tư tưởng trọng nam, thậm chí tư tưởng đông con.

 

Bên cạnh đó, hệ thống làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, đặc biệt là tuyến cơ sở cần được củng cố, hoàn thiện; bởi đội ngũ này đóng vai trò chính trong công tác tuyên truyền, vận động, thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại các địa phương.

 

Việc triển khai và hoàn thành các chỉ tiêu công tác dân số trong tình hình mới là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự phải kiên trì, nỗ lực của hệ thống làm công tác dân số và sự quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo. Đây sẽ là động lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác dân số và phát triển trong thời gian đến.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

THÁI HÀ (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek