Hạnh phúc là điều mà mọi người luôn mong muốn hướng đến, tuy nhiên không phải ai cũng định nghĩa được hạnh phúc là gì? Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Báo Phú Yên ghi nhận trải nghiệm về hạnh phúc của một số độc giả đại diện những lứa tuổi, công việc khác nhau.
SƯ THẦY THÍCH KHẢI TUẤN, THIỀN VIỆN TRÚC LÂM PHÚ YÊN: Hạnh phúc là một hành trình, không phải là đích đến
Con người luôn không ngừng tìm kiếm hạnh phúc trong suốt hành trình của cuộc sống. Nhưng hành trình đến hạnh phúc không đơn giản khi cuộc đời luôn tiềm ẩn những điều không như chúng ta mong muốn. Dù vậy, dưới góc nhìn của những nhà tu hành, hạnh phúc lại ở rất gần và dễ dàng đạt được khi chúng ta để tâm bình yên bằng cách trân trọng giây phút hiện tại, bỏ bớt đi những mong cầu không cần thiết.
Với tôi, hạnh phúc rất giản dị. Là nhắm mục tiêu, nỗ lực hết sức để đạt được lý tưởng phụng sự xã hội của mình; để đến được điểm B nhưng vẫn tìm thấy niềm vui, an lạc từng chút một trong suốt hành trình từ A đến B; là thưởng thức trọn vẹn từng phút giây của hiện tại. Bởi nói cho cùng, hạnh phúc là sự cảm nhận từ bên trong, của tâm hồn, chứ không phải là những việc ở bên ngoài.
Cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều áp lực khiến không ít bạn trẻ sống vội vàng, mất phương hướng. Những năm gần đây, khá nhiều bạn tìm đến thiền viện tham gia các khóa tu. Trong số đó có những bạn bị trầm cảm, thấy bản thân cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, không có sự kết nối với người thân và có nhiều suy nghĩ tiêu cực. Lúc này, tôi chỉ lắng nghe, gợi ý họ mở lòng chứ không cho câu trả lời. Qua nhiều năm đồng hành cùng các bạn trẻ, tôi nhận ra, mỗi người đến với mình đều có những khó khăn riêng nhưng họ cũng có năng lực tự chữa lành. Họ nói ra được những vướng mắc trong lòng thì sẽ tìm cách tự chăm sóc vết thương để hồi phục và hòa mình vào cuộc sống.
CHỊ LÊ THỊ HẢI LOAN, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ CẦU VỒNG: Nỗ lực hết mình để tạo ra hạnh phúc
Càng tìm kiếm, bạn càng tìm thấy rất ít - Đó là hạnh phúc. Về phạm trù này với tôi được nhìn nhận rất giản đơn: Nếu bạn không tìm thấy hạnh phúc, bạn hãy tạo ra nó.
Tôi tự nhận thấy mình có cái may mắn là lúc nào cũng thấy mình may mắn. Vì vậy, tôi chọn mỉm cười với mọi người, với mọi việc bằng niềm tin rằng nụ cười của mình, dù ít, dù nhiều cũng sẽ lan tỏa đến những người xung quanh. Chọn mỗi ngày bưng chén cơm lên với tràn đầy lòng biết ơn, nguyện ít nói điều không hay, ít làm người khác buồn và chọn nỗ lực làm việc.
Tôi coi lộn xộn là kẻ thù của bình yên và hạnh phúc. Vì vậy, tôi cố gắng dọn dẹp bản thân mình, dẹp đi các mối quan hệ không cần thiết, vứt bỏ những lăn tăn trong số các mục tiêu để hướng vào một điểm duy nhất: niềm vui, hạnh phúc của các thành viên trong gia đình. Với tôi, nếu gieo hạt tốt trên phần đất xấu, thay vì đổ lỗi đất xấu quá, cây không mọc được thì tôi sẽ cải tạo phần đất trồng. Cũng như vậy, tôi không đổ thừa cho người thân và người phối ngẫu của mình vì những điều bất như ý trong cuộc sống, mà tôi chọn quay về tập trung vào dọn dẹp phần đất mà mình gieo hạt. Tôi tin rằng, sẽ chẳng có áp lực nào quật ngã được một con người với tâm hồn an yên.
CHỊ LÊ THỊ HỒNG PHẤN (XÃ BÌNH KIẾN, TP TUY HÒA): Vun đắp tình thân từ bữa cơm gia đình
Hai vợ chồng tôi làm công nhân xưởng may, không có quá nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái; thu nhập cũng chỉ đắp đổi nhưng với tôi, gia đình quan tâm, chăm sóc lẫn nhau, sống có trách nhiệm; các thành viên khỏe mạnh, thương yêu nhau thì đó là hạnh phúc.
Tôi làm việc cả ngày, ở lại công ty nên chuẩn bị cơm trưa cho gia đình từ sáng sớm. Buổi trưa, chồng tôi tranh thủ giờ nghỉ chạy về nhà ăn cơm với hai con, chở đứa lớn đi học, chở đứa nhỏ sang gửi nhà ngoại rồi tiếp tục đi làm buổi chiều. Cuộc sống bận rộn, đôi khi thấy mình vất vả quá nhưng nhận thấy rằng chồng cũng đang rất cố gắng, các con ngoan ngoãn nên tôi cũng yên lòng.
Làm việc cả ngày nên buổi chiều tôi thường cố gắng nấu bữa cơm để cả gia đình quây quần bên nhau. Ngoài việc bảo vệ sức khỏe cho cả nhà, bữa cơm chiều còn là sự quan tâm, chia sẻ vui buồn, là sự vun đắp mối quan hệ tình cảm ấm áp giữa các thành viên, là thời gian quý báu nhất trong ngày để vợ chồng tôi và các con có thể gần gũi, trò chuyện, nắm bắt tình hình học tập của các con, định hướng cho con cách ứng xử.
CHỊ NGUYỄN THỊ ÁNH TUYẾT (PHƯỜNG 7, TP TUY HÒA): Mong có sức khỏe để nhìn con gái trưởng thành
Tôi bị bệnh G35 xơ cứng rải rác đã diễn biến nặng nên phải xạ trị. Khi ấy, tôi đang là sinh viên Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) nhưng bác sĩ khuyên đừng học nữa, hãy nghỉ ngơi, lo ăn uống, làm những điều mình thích. Nghe đến đó, ba tôi suy sụp. Ba bảo, mơ ước của ba là thấy con ngồi trên giảng đường đại học. Dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, ba sẽ đồng hành cùng con. Sau đó, ba vào TP Hồ Chí Minh, hai cha con thuê một căn nhà trọ nhỏ. Hằng ngày ba chở tôi đi học, đi bệnh viện điều trị. Những ngày ấy, nhìn những người cùng phòng bệnh quen thân cứ lần lượt ra đi lòng tôi đầy sợ hãi.
Sau khi tốt nghiệp, bệnh tiến triển nặng, tôi mất 2 năm nằm liệt giường, thị lực có lúc chỉ còn 20% nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ bỏ cuộc. Tôi đã tập vận động, tập đi lại và cuối cùng, có thể di chuyển giống như người bình thường dù cơ thể vẫn rất đau đớn. Rồi tôi gặp chồng mình, sinh được một cô con gái kháu khỉnh. Nhìn con, tôi như được tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để vượt qua bạo bệnh. Khi có con, hạnh phúc của tôi chỉ đơn giản là có sức khỏe để đồng hành cùng con đến lúc trưởng thành.
KỸ SƯ NÔNG - LÂM NGHIỆP LÊ TRÌNH MINH THƯ (TP TUY HÒA): Một mình vẫn vui
Cách đây 3 năm, tôi bỏ việc ở phố để về xã An Xuân (huyện Tuy An) làm trang trại. Đây là nơi tôi hiện thực hóa ước mơ nghiên cứu về sự thích nghi của các loại nấm dược liệu trên đất Phú Yên, đồng thời giúp mang lại nguồn thu đủ để tôi không phải nghĩ nhiều về kinh tế.
Thay vì dành nhiều thời gian để tiếc nuối quá khứ hoặc âu lo cho tương lai, tôi dự trù những tình huống có thể xảy ra và đối mặt với những rủi ro một cách sẵn sàng. Khi đã chủ động xây dựng các kế hoạch bảo vệ trong tương lai, tôi yên tâm tận hưởng từng phút giây trong cuộc sống hiện tại.
Người ta thường bảo con gái cần phải có một người che chở và bảo vệ. Nhưng nếu có vượt ra ngoài chữ “thường” ấy thì cũng có sao đâu. Với tôi, thay vì chờ đợi hay trông cậy vào một ai đó thì tôi muốn tự chăm sóc, bảo vệ chính mình, tự hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Tôi hoàn toàn không phải là người có cái nhìn bi quan về tình yêu và hôn nhân, vẫn chờ đợi một người phù hợp, nhưng ở tâm thế bình an, không vội vã kiếm tìm.
Ngày trước, có thể ba mẹ bất an nên khi thấy con gái qua tuổi 35 mà chưa lấy chồng, họ đã rất lo lắng và giục giã. Nhưng bây giờ, mọi người phần nào an tâm, tôn trọng quyết định của tôi khi thấy con đã chín chắn, trưởng thành, biết lo lắng cho cha mẹ, tự tìm thấy niềm vui, ý nghĩa của cuộc sống. Với tôi, hạnh phúc hiển hiện trong mỗi giây phút trôi qua. Và nếu duyên chưa tới thì vẫn cứ tận hưởng cuộc sống một mình. Vẫn vui.
THÁI HÀ (ghi)