TX Sông Cầu có 3 vùng sản xuất muối là Lệ Uyên, Trung Trinh (xã Xuân Phương) và Tuyết Diêm (xã Xuân Bình). Nghề làm muối thủ công phụ thuộc vào thời tiết, trông nắng sợ mưa. Vậy mà năm nay, tháng 3 mưa chưa ngớt.
Diêm dân cho rằng, thời tiết năm nay khác lạ, qua nửa tháng 3 mà trời còn mưa lạnh. Không phải một người mà cả vùng làm muối, ai cũng than ruộng muối khát nước mặn.
Ruộng muối mọc rong
Dọc quốc lộ 1, từ trung tâm TX Sông Cầu đi về hướng bắc đến đầu cầu Lệ Uyên, nhìn sang phía trái, có tấm biển “… muối Tuyết Diêm”. Phía dưới tấm biển này, người ta dễ dàng nhận thấy những đám ruộng rong nhớt, rong giẻ còn bám đầy. Gần trưa, ông Bùi Văn Dũng, một diêm dân ở Lệ Uyên, ra thăm ruộng trước nhà, nhìn đám rong giẻ than: Mấy năm trước cứ ra Giêng là lấy nước biển vào ruộng nuôi mặn rồi kết tinh muối, nhưng năm nay, đến giờ ruộng vẫn còn mọc rong. Lý do là vì từ tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch, ruộng muối đựng nước mưa nên rong giẻ, rong nhớt mọc dày.
Bà Nguyễn Thị Hiền ở thôn Trung Trinh nhìn ra cánh đồng muối vắng người chia sẻ: Tôi làm nghề đầm da ruộng muối mướn nhưng nhiều ngày qua chưa có ai mướn vì mưa nhiều, nước ngọt còn ngập bờ ruộng.
“Trong các công đoạn làm muối thì đầm da ruộng là khâu công phu nhất, vì phải đầm mặt ruộng bằng phẳng để thời điểm ruộng đội muối, kết tủa muối trải đều cả mặt ruộng. Còn đầm không bằng phẳng thì chỗ này đội muối, chỗ kia còn nước sẽ phá hỏng cả đám ruộng”, bà Hiền nói rồi ngước nhìn trời như cầu mong cho nắng lên, nước mặn tràn vào ruộng muối để bà con diêm dân bước vào mùa sản xuất muối không quá trễ. Công việc đầm da ruộng muối cũng mang lại thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình sau nhiều tháng ăn không ngồi rồi.
Nắng ưa, mưa không chịu
Vùng muối Lệ Uyên, Trung Trinh lấy nước từ vịnh Xuân Đài, còn khu vực Tuyết Diêm thì lấy nước từ đầm Cù Mông. Thế nhưng hiện nay, ở những vùng nước này, nhiều người nuôi tôm hùm, ốc hương…, nước sinh hoạt đổ ra làm giảm độ mặn, kéo theo ruộng muối giảm sản lượng. Ông Phan Văn Tùng, một người chuyên làm muối ở Tuyết Diêm, cho biết: Trước kia cứ 3 nắng thì khô lứa muối. Mấy năm gần đây do nước biển giảm độ mặn nên phải mất 5 nắng mới khô. Cũng bởi độ mặn giảm nên một đám muối khoảng 1 sào (500m2), trước đây thu hoạch 5 gánh, nay còn 3 gánh.
“Nghề này nắng ưa, mưa không chịu. Mà nắng phải là nắng lửa, nghĩa là nắng trong trời, nước biển mới mau sắc lại thành muối. Theo kinh nghiệm nhiều diêm dân, cùng sức gió, nắng mạnh, nhưng gần đây lứa muối cào đạt sản lượng thấp là do độ mặn của nước biển không còn như trước”, ông Tùng nói.
Diêm dân Bùi Thị Hồng cũng ở thôn Tuyết Diêm, cho rằng những năm trước trời nắng nhưng thường nồm, gió từ biển thổi vào nên đám kết tinh ăn mực nước một lóng ngón tay. Gần đây cũng nắng mạnh nhưng do độ mặn thấp nên đám kết tinh ăn mực nước nửa lóng ngón tay mới bắt muối. Vì vậy khi muối kết tinh những năm trước cao gấp 2 lần những năm gần đây. “Thời tiết năm nay khác lạ, qua nửa tháng 3 rồi mà còn mưa, lạnh, ruộng muối thiếu nước mặn. Không phải tôi mà cả làng muối Tuyết Diêm này ai cũng than”, bà Hồng thổ lộ.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, vùng làm muối TX Sông Cầu có 183,8ha, trong đó 13,5ha sản xuất muối sạch áp dụng phương pháp trải bạt. Tổng số hộ tham gia sản xuất muối là 570 hộ. Sản lượng muối hằng năm trung bình đạt 150 tấn. “Địa phương đang đề nghị trung ương hỗ trợ kinh phí, nâng cấp cơ sở hạ tầng, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi phục vụ việc rút nước ngọt, dẫn mặn vào những cánh đồng muối. Qua khảo sát, hiện nay, hệ thống thủy lợi, giao thông, công trình đê bao xuống cấp, đến mùa mưa lũ bị sạt lở, bồi lấp ruộng muối. Sở NN-PTNT đang xây dựng đề án tập trung quy hoạch diện tích các cánh đồng sản xuất muối lớn, đầu tư cải tạo hạ tầng khôi phục sản xuất, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và chế biến muối”, ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết.
Cùng với chờ đợi chủ trương, chính sách, bà con diêm dân Sông Cầu cũng đang cầu mong cho mưa thuận gió hòa, thời tiết tốt, những cánh đồng muối có đủ nắng, nước có đủ độ mặn để kết tinh thành những hạt muối chất lượng, thu hoạch cho sản lượng cao, đời sống của diêm dân không ngừng được nâng lên.
MẠNH LÊ TRÂM