Chương trình giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025 tiếp cận theo hướng đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, nhằm góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; tạo ra sinh kế giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình này trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả.
Tích cực hỗ trợ
Anh Sô Lan Xuân ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) khuyết tật chân nhưng có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng dành cho hộ cận nghèo, anh cùng gia đình chịu khó cải tạo ruộng vườn, chăm sóc rẫy mía hơn 3ha. Nhờ mía được giá, gia đình anh có thu nhập ổn định, trả hết nợ ngân hàng và thoát hộ cận nghèo. Anh Sô Lan Xuân thổ lộ: “Bản thân khuyết tật nhưng tôi còn có gia đình bên cạnh và sự hỗ trợ, giúp sức của chính quyền, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi… Từ đó, cuộc sống gia đình đỡ vất vả, năm 2022, tôi đã thoát hộ cận nghèo”.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH) cho biết: Triển khai chương trình GNBV, tỉnh đã thực hiện các mô hình đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; truyền thông về giảm nghèo đa chiều. Sở LĐ-TB-XH cũng đã phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ tiền điện cho 13.046 hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 7,8 tỉ đồng; cấp 19.570 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; 42.619 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo; xây dựng mới và sửa chữa xóa 215 nhà ở tạm cho hộ nghèo từ Quỹ Ngày vì người nghèo với số tiền hơn 8,1 tỉ đồng…
Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình GNBV, giúp người dân có cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Kết quả, năm 2022, tỉ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh qua rà soát là 12,12% (khoảng 31.882 hộ). Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo là 4,1%, giảm 0,87% so với đầu kỳ; hộ cận nghèo là 8,02%.
“Bên cạnh thực hiện việc hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình GNBV, tạo việc làm thường xuyên, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thì việc đào tạo nghề, tư vấn việc làm, cải thiện dinh dưỡng là rất thiết thực, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Đồng thời, hoạt động này còn tăng cường kết nối về kinh tế - xã hội giữa các địa phương, tạo việc làm, nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng cơ sở hạ tầng vào sản xuất, tăng cường sự tham gia của những hộ nghèo trong cộng đồng trong quá trình ra quyết định phát triển của địa phương”, bà Hiền nói.
Đại diện địa phương kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững tại hội nghị triển khai chương trình giảm nghèo bền vững năm 2023. Ảnh: KIM CHI |
Còn nhiều vướng mắc
Theo các ngành chức năng và các địa phương, trong năm qua, việc triển khai thực hiện chương trình GNBV trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tại hội nghị triển khai chương trình GNBV năm 2023, ông Lê Bá Tự, Phó Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Phú Hòa cho rằng, việc ban hành văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về triển khai chương trình chưa kịp thời. Vốn năm 2022 chậm so với thời hạn lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong cân đối, xác định nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động nguồn lực hợp pháp để thực hiện chương trình và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân kế hoạch vốn được giao.
Còn theo Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Sơn Hòa Nguyễn Thị Mỹ Linh, đến thời điểm này, một số dự án trong chương trình GNBV vẫn chưa được giải ngân, người dân chưa được thụ hưởng. Nguyên nhân một phần là do nguồn vốn của chương trình đến cuối năm 2022 mới phân bổ. Mặt khác, các văn bản hướng dẫn của trung ương và địa phương chưa rõ ràng và chậm, dẫn đến việc địa phương tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật triển khai các dự án của chương trình chưa kịp thời…
Ông Nguyễn Hữu Từ, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết: Là năm đầu thực hiện chương trình GNBV giai đoạn 2021-2025, vì vậy việc triển khai các dự án thành phần còn chậm trễ, chưa tác động đến việc nâng cao cuộc sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn trung ương phân bổ về chậm nên chương trình triển khai chưa kịp. Các ngành đang xin hướng dẫn chuyển vốn để tiếp tục duy trì và triển khai các dự án, chương trình đến người dân thụ hưởng. Cũng theo ông Từ, hiện một số dự án chưa triển khai được do vướng mắc như: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo còn vướng về quy định mức hỗ trợ cho hộ gia đình tham gia dự án nên chưa triển khai thực hiện; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững vùng nghèo, vùng khó khăn, do thời gian năm tài chính 2022 không đủ tuyển sinh nên các địa phương cũng chưa triển khai… Ngành LĐ-TB-XH tập trung triển khai chương trình GNBV năm 2022, 2023 và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của chương trình này.
Cần sớm tháo gỡ
Hiện nay, Sở LĐ-TB-XH đang đề xuất một số kiến nghị với các bộ, ngành trung ương. Trong đó, đề nghị Chính phủ tích hợp các dự án, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; các dự án hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp, hướng dẫn cách làm ăn cho người nghèo thành một chính sách trong chương trình xây dựng nông thôn mới và giao cho ngành NN-PTNT quản lý, giảm đầu mối quản lý, tập trung, lồng ghép các nguồn lực nhằm đạt được nhiều mục tiêu trong chương trình GNBV và xây dựng nông thôn mới. Chương trình GNBV có nội dung hỗ trợ xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững… Tuy nhiên, theo Nghị định 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ tại chương V quy định cơ chế hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, không quy định cơ chế hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững dẫn đến thiếu cơ chế, chính sách thực hiện ở địa phương.
Đồng thời, sở cũng kiến nghị nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nên giao ngành NN-PTNT chủ trì và thực hiện, còn ngành LĐ-TB-XH thực hiện các mô hình kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững… Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người lao động…
KIM CHI