Nhằm trang bị cho trẻ em và người chăm sóc trẻ các kiến thức về kỹ năng tự bảo vệ mình, bảo vệ bạn bè trước các hành vi xâm hại, bạo lực, bóc lột, Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và Công tác xã hội tỉnh (trung tâm) thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho các đối tượng này.
Trẻ em xã miền núi Sơn Hội tham gia buổi truyền thông về phòng tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, bắt cóc. Ảnh: KIM CHI |
Trong năm qua, trung tâm đã tổ chức truyền thông nâng cao kỹ năng sống cho 4.234 học sinh tại các trường học trên địa bàn Sông Cầu, Đông Hòa, Tây Hòa, Sơn Hòa. Đồng thời truyền thông nâng cao nhận thức về kỹ năng bảo vệ trẻ em cho 1.003 người chăm sóc trẻ tại 15 điểm trên địa bàn Sông Hinh, Tây Hòa và Tuy An.
Sôi nổi các buổi truyền thông
Một buổi truyền thông tại hội trường UBND thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) về Luật Trẻ em, các kỹ năng bảo vệ trẻ em đã thu hút hơn 70 đại diện hộ gia đình tham dự. Các báo cáo viên của trung tâm cùng các bậc phụ huynh đã trao đổi về sức khỏe giới tính, những vấn đề liên quan đến việc xâm hại, quấy rối tình dục ở lứa tuổi vị thành niên. Đồng thời hướng dẫn những kỹ năng cơ bản, trang bị những kiến thức cần thiết để trẻ em có thể tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bị kẻ xấu dụ dỗ, xâm hại tình dục… Với nội dung thiết thực, phong phú, buổi truyền thông đã nhận được sự quan tâm, tham gia sôi nổi đóng góp ý kiến và trao đổi kinh nghiệm của các bậc phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Thảo cho biết năm nào cũng vậy, cứ đến dịp hè là vợ chồng chị cho con tham gia sinh hoạt văn hóa văn nghệ và các hoạt động dành cho trẻ em trên địa bàn. Suốt hơn 2 năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các con của chị cũng như các trẻ em khác bị “đóng khung” trong nhà với máy tính, tivi bởi có rất ít sân chơi hay hoạt động tập thể. Chính vì vậy, sau khi cuộc sống đã trở lại trạng thái bình thường mới, chị cho con tham gia các hoạt động dành cho trẻ em. Chị cũng tham gia các lớp truyền thông chăm sóc trẻ để có thêm kiến thức, kinh nghiệm giáo dục con cái.
Còn anh Bùi Tấn Lợi cho rằng các buổi truyền thông rất bổ ích, giúp phụ huynh có thêm kiến thức về phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em; tai nạn, thương tích, đuối nước… Đây là những kỹ năng cơ bản, như lá chắn trước những bất cập hay mọi tình huống có thể xảy ra.
Tại xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa), một buổi truyền thông dành cho trẻ em về phòng chống xâm hại, phòng chống bạo lực học đường, tránh bị lạm dụng tình dục; phòng ngừa tai nạn giao thông; làm gì khi gặp người lạ?... cùng các kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống đuối nước, các tình huống thoát hiểm đã được các tình nguyện viên, chuyên viên của trung tâm truyền đạt một cách ngắn gọn, dễ hiểu thu hút sự tham gia hào hứng của trẻ em ở xã vùng cao này.
Em Sô Thị Duyên ở thôn Tổng Binh hào hứng nói: Lần đầu tiên em được tham gia buổi truyền thông về trẻ em như thế này. Các anh chị hướng dẫn cách cảnh giác bị bắt cóc, dụ dỗ rất dễ hiểu. Các nội dung này rất bổ ích.
Tại TP Tuy Hòa, các buổi truyền thông dành cho các em mồ côi vượt khó cũng được tổ chức thường xuyên gắn với phòng chống bạo lực học đường, quy tắc “6 cánh hoa”, “5 ngón tay”, tránh bị lạm dụng tình dục, tránh bị điện giật, đuối nước… Vượt qua những e dè ban đầu, càng về sau các em càng hào hứng và mạnh dạn xung phong tham gia các trò chơi tương tác với các phần thưởng là đồ chơi, đồ dùng học tập... Chính những trò chơi tương tác này đã giúp các em ghi nhớ, khắc sâu những kiến thức đã được trang bị. Em Trần Ngọc Anh ở xã Hòa Kiến bày tỏ: “Nghe các cô chú tuyên truyền, hướng dẫn, em đã biết cách tự bảo vệ mình, biết làm gì khi gặp người lạ, gặp nguy hiểm và biết sử dụng điện an toàn, cách phòng tránh khi xảy ra cháy, mưa giông, sấm sét...”.
Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Ông Phạm Trần Lê, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Thông qua các buổi truyền thông, phụ huynh có thêm kiến thức trong việc dạy bảo con em mình có thể tự bảo vệ bản thân trước những tình huống xấu. Đồng thời nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, cộng đồng trong việc chủ động tham gia phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi xâm hại tình dục, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em tại gia đình, trường học và trong cộng đồng. Đối với trẻ em, tại các buổi truyền thông, các em được tham gia thảo luận nhóm, xử lý tình huống và đưa ra các giải pháp để tự bảo vệ khi có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực. Các em cũng có thể chia sẻ những kiến thức đã được học cho các bạn cùng lớp biết. Từ đó vận dụng vào thực tế, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ bản thân, tránh xa nguy hiểm và những loại tai nạn thường gặp. Ngoài ra, các em còn biết tìm kiếm sự giúp đỡ từ người lớn và các cơ quan bảo vệ trẻ em, biết được số điện thoại của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để gọi hỗ trợ khi cần giúp đỡ.
Anh Lê Tuấn Đạt, cán bộ văn hóa thông tin xã Sơn Hội, cho biết xã miền núi này có hơn 1.000 trẻ em. Vì đời sống còn khó khăn nên công tác chăm sóc, hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức. Các buổi truyền thông với cách hướng dẫn gần gũi, sinh động đã thu hút nhiều phụ huynh và trẻ em trong xã tham dự; giúp cộng đồng xã hội chung tay bảo vệ trẻ em trước những cạm bẫy của xã hội.
“Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trên internet về quyền trẻ em và trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời trang bị cho trẻ các kỹ năng cơ bản bảo vệ bản thân trước nguy cơ về đuối nước, tai nạn thương tích hay xâm hại tình dục”, ông Phạm Trần Lê cho biết.
KIM CHI