Đi trên những con đường làng bằng bê tông ở vùng nông thôn, bắt gặp ngôi nhà có hàng rào cây xanh được cắt tỉa vuông vắn, thẳng băng trông như những tấm thảm xanh, dù trời nắng chang chang vẫn nhìn thấy mát mắt.
Có người đi qua xóm nhà với hàng trăm mái ngói, tường xây nhưng chỉ thoáng nhìn qua mà chỉ chăm chăm những hàng rào cây xanh và nhớ ngôi nhà đó. Cái lạ là những nhà có hàng rào cây xanh dù cũ kỹ cỡ nào thì không gian cũng rất đẹp.
Làm đẹp hàng rào
Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thảo ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, phía trước có hàng rào cây xanh rất bắt mắt. Nhiều người qua lại thấy ông cắt tỉa hàng rào, đứng lại trầm trồ. Ông Thảo cho biết: “Hàng rào nhà tôi trồng 2 loại cây: duối và chìa vôi. Phải mất khoảng 10 năm mới hình thành hàng rào cao 1,6m có độ dày bề mặt hơn 1m như thế này”.
Nhà ông Thảo ngửa mặt ra đồng Lẫm. Chiều chiều, ông rủ mấy người bạn đến hàng ba trước nhà uống nước trà bàn chuyện đồng áng. Con đường chạy dọc theo hàng rào cây xanh được đổ bê tông theo chương trình bê tông hóa nông thôn. Mùa này cánh đồng lúa đang thì con gái lên xanh mơn mởn, nhiều thanh thiếu niên đến đứng cạnh hàng rào chụp hình lấy view đồng ruộng.
Trung bình 2 tháng, ông Thảo dành thời gian cắt tỉa, làm đẹp hàng rào một lần. “Mỗi lần sửa sang, cắt tỉa bằng phẳng, ngửi mùi của lá cây vừa cắt, tay dính mủ duối riết rồi quen. Hằng ngày, đi ra đi vào sân nhà thấy hàng rào xanh mướt, người ta khen đẹp mình cũng vui theo”, ông Thảo nói.
Từ cầu Cây Cam, xã An Định lên thôn Trung Lương 1, xã An Nghiệp (huyện Tuy An), nhìn vô xóm nhà kề bên ruộng lúa có ngôi nhà với hàng rào cây xanh thẳng tắp, rất đặc biệt. Đó là ngôi nhà của ông Đỗ Văn Trí với hàng rào cây xanh bằng cây dâm bụt. Ông Trí cho hay: “Cứ năm mười ngày hoặc nửa tháng, tranh thủ lúc chiều mát, tôi tỉ mẩn cắt tỉa, chỉnh sửa lại hàng rào, giống như nói chuyện với cỏ cây. Xóm nhà này hồi trước hầu như nhà nào cũng có hàng rào cây xanh, nhưng nay chỉ nhà tôi còn giữ nét xưa”.
Cũng theo ông Trí, sửa hàng rào cũng như “cắt tóc” cho cây xanh. Vì bận việc nhà nông nên có khi vài tháng, đến lúc rảnh, ông mới tranh thủ sửa sang hàng rào làm cho khuôn viên sân nhà mình đẹp hơn. “Thường nhà có hàng rào cây xanh thì chừa sân đất, mỗi lần đi ngang nhìn thấy cảnh này, nhiều người như bị níu chân bởi cảnh đẹp thơ mộng ở nơi thôn dã”, ông Trí chia sẻ.
Sống lại tuổi thơ
Ông Lê Văn Kim ở thôn Vĩnh Phú, xã Hòa An, huyện Phú Hòa cho hay: Dịp tết vừa rồi, tôi đi vòng trong thôn thấy nhiều người đang cắt tỉa hàng rào cây xanh. Lâu lắm rồi tôi mới lại thấy cảnh này nên đứng lại nhìn. Tôi mê khuôn viên những ngôi nhà có hàng rào thân thiện với môi trường, vì làm sống lại hình ảnh tuổi thơ. Hồi nhỏ đi chơi, chúng tôi thường úp mũ trên hàng rào cây xanh, chơi bắn bi, đá dế rồi chạy nhảy, sẩm tối chạy lại hàng rào lấy mũ đội về.
Theo chị Trần Thị Nga ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa, đi về vùng nông thôn thấy nhà có hàng rào cây xanh như gặp lại tuổi thơ. Hàng rào như tấm thảm xanh dịu dàng, dù trời nắng chang chang vẫn thấy mát mắt. “Từ lâu, trên những con đường quê, hàng rào được xây bê tông, giăng lưới B40 nên những ngôi nhà có hàng rào cây xanh như duối, dâm bụt… chỉ còn trong ký ức. Hôm rồi tôi qua nhà bà Năm bán bánh ướt. Do nhà bà ở phía sau nên tôi ít khi qua lại. Thấy nhà bà vẫn còn chừa lại hàng rào cây xanh, tôi nhìn đắm đuối. Hồi nhỏ tôi hay ngồi dựa lưng vào hàng rào cùng chúng bạn bày trò chơi buôn bán. Nếu là hàng rào bằng cây duối thì một đứa trẻ có thể nằm lên đó ngắm trăng sao vào ban đêm”, chị Nga nói.
Chị kể tiếp, thấy hàng rào lại nhớ ba. Hồi còn sống, ba chị cũng trồng cây xanh làm hàng rào, ông cắt tỉa công phu. Lúc chị đi học xa nhà, đến hè về thế nào ba cũng cho ăn món đặc sản của miền thôn dã: canh rau đắng. Rau đắng mọc theo chân hàng rào cây xanh, ba đi dọc phía trong nhổ cả rổ. “Lúc qua nhà bà Năm thấy hàng rào cây xanh, tôi đứng lại một hồi tưởng nhớ đến ba, nhớ một quãng đời trong căn nhà tranh vách đất, hàng rào mộc mạc, đơn sơ, có ba có má…”, chị Nga trải lòng.
MẠNH LÊ TRÂM