Cũng như mỗi gia đình người Việt, mỗi độ tết đến xuân về, trên bàn thờ của gia đình tôi không thể thiếu mâm ngũ quả thờ cúng tổ tiên. Lễ vật cúng không nặng về giá trị vật chất mà thể hiện sự thành kính của con cháu đối với tổ tiên, qua đó nguyện cầu sang năm mới gia đình được khỏe mạnh, an khanh thịnh vượng.
Mâm ngũ quả gồm năm loại trái cây khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho sự ước nguyện của gia chủ. Tuổi niên thiếu, tôi sinh sống ở miền trung du phía Bắc, khi trưởng thành, tôi công tác xa nhà và có thời gian gần 10 năm sinh sống ở miền Nam. Từ độ tuổi trung niên đến nay cũng đã mấy chục năm, tôi lập nghiệp và định cư ở miền Trung đất nước.
Tùy từng địa phương với đặc trưng về sản vật và phong tục tập quán mà người dân chọn các loại trái cây khác nhau để bày lên mâm ngũ quả. Ở miền Bắc, mâm ngũ quả thường có các loại trái cây như: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt hoặc chuối, phật thủ, bưởi, quất, lê. Ở miền Nam thường gồm các loại: mãng cầu xiêm, dừa (hay dưa), đu đủ, xoài, sung, với ngụ ý “cầu sung (túc) vừa đủ xài”.
Ở miền Trung, phần đông người dân lao động không quá câu nệ hình thức ý nghĩa của mâm ngũ quả, mà chủ yếu thành tâm dâng cúng. Mâm ngũ quả thường có các loại trái cây như: chuối, bưởi, xoài, đu đủ, dừa, mận hoặc chuối, bưởi, thanh long, sung, cam, quýt...
Khi còn nhỏ, tôi thường xem cha sắp mâm ngũ quả một cách kỹ lưỡng. Trái cây dâng cúng gia tiên được mẹ tôi đi chợ lựa chọn rất kỹ, còn tươi và có màu sắc bắt mắt, ví như nải chuối phải nhiều trái, đều nhau và không bị dập. Trái bưởi cũng phải to, tròn đều, có cuống, lá và đã chín màu vàng tươi… Tất cả trái cây đều được cha tôi dùng một chiếc khăn khô mềm lau sạch, sau đó xếp gọn đẹp mắt.
Khi nhỏ, tôi chỉ thích nhìn cha làm mà không quan tâm ý nghĩa của mâm ngũ quả. Sau này lớn lên, có lần tôi hỏi cha và được ông giảng giải: Ngũ quả là năm loại trái cây. Con số năm thể hiện ước muốn của người Việt đạt được “ngũ phúc lâm môn”: Phú (giàu có, nhiều của cải) - Quý (phẩm chất sáng trong) - Thọ (sống lâu trăm tuổi) - Khang (có nhiều sức khỏe) - Ninh (cuộc sống bình an).
Còn năm màu sắc của trái cây cũng thể hiện ý nghĩa năm phương đưa về kính lên tổ tiên. Nải chuối xanh - ứng với mùa xuân (hành mộc). Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa xuân để đọng thành quả ngọt, nó còn có ý nghĩa che chở bảo bọc. Quả bưởi chín hay quả phật thủ màu vàng tượng trưng hành thổ nên được đặt ở giữa, trong lòng nải chuối, với niềm cầu mong được ban phúc lộc.
Ba loại quả khác có các màu đỏ (ứng với mùa hạ - hành hỏa) như cam, quýt chín…; màu trắng (ứng với mùa thu - hành kim) như quả đào, trái doi (miền Trung và miền Nam gọi là trái mận); màu đen (ứng với mùa đông - hành thủy) như trái hồng xiêm, miền Trung và miền Nam gọi là trái sa pô chê. Thường là vậy nhưng thực tế, mỗi gia đình có thể mua sắm mâm ngũ quả phù hợp điều kiện kinh tế.
Ngoài những lời giảng giải của cha về ý nghĩa nhân văn mâm ngũ quả ngày tết, tôi còn được nghe những ông già, bà cả ở quê nói về nguồn gốc sự xuất hiện của mâm ngũ quả có chút ly kỳ, huyền bí. Theo lời các cụ, mâm ngũ quả bắt đầu xuất hiện trong lễ Vu Lan (lễ báo ân cha mẹ), Mục Kiều Liên cứu mẹ khỏi kiếp Ngọa quỷ có nhắc đến việc chuẩn bị mâm ngũ quả dưới hình thức trái cây năm màu để cúng chư tăng.
Màu xanh tượng trưng cho đông phương, màu vàng tượng trưng cho trung phương, màu trắng tượng trưng cho tây phương, màu đỏ tượng trưng cho nam phương, màu sẫm bất kỳ tượng trưng cho bắc phương. Năm màu sắc này cũng tượng trưng cho ngũ hành trong vũ trụ là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Cũng có người giải thích rằng ngũ (năm) là biểu tượng chung của sự sống.
Ngũ quả chỉ sự tập trung đầy đủ các loại trái cây trong trời đất dùng thờ cúng. Sau này có dịp đọc sách, nghiên cứu thêm tài liệu, tôi hiểu rõ thêm những lời cha tôi giảng giải và lời ông già, bà cả khi xưa nói về nguồn gốc mâm ngũ quả chính là xuất phát từ phong tục tập quán của dân tộc và thuyết Phật giáo.
Một mùa xuân mới đang về. Cùng với mọi người, mọi nhà, gia đình tôi cũng đang tất bật chuẩn bị đón tết Nguyên đán Quý Mão. Và mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây, của nếp văn hóa dân tộc và trên hết là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
NGUYỄN HOÀI SƠN