Sau 1 năm triển khai dự án Truyền thông, hướng dẫn phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa tại phường 7 (TP Tuy Hòa), ngày càng có nhiều người dân cùng tham gia các hoạt động thực hành giảm nhựa, tiêu dùng xanh...
Nhiều hoạt động thiết thực
Hoạt động truyền thông phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa cho hội viên, phụ nữ và Nhân dân phường 7 do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) phối hợp với Hội LHPN tỉnh triển khai từ tháng 1-12/2022 với thông điệp “Giảm rác thải nhựa là việc cần làm ngay của chính mỗi người, vì sức khỏe của bản thân, của những người thân yêu và vì thiên nhiên trong sạch. Bạn có thể quyết định việc đó”.
Qua 1 năm thực hiện dự án, nhiều hoạt động đã được triển khai như: thành lập mô hình Tổ tự quản phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa, ra mắt mô hình Quầy đổi giỏ đi chợ; tổ chức 4 hội nghị tập huấn phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa cho 200 tiểu thương chợ Phường 7; tổ chức 6 hội nghị tập huấn phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa cho 300 hội viên phụ nữ tại 6 khu phố thuộc phường 7; tổ chức cuộc thi ảnh Check in tại chợ Phường 7 và truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các mô hình của dự án đã giúp gia tăng nhận thức của cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, qua đó ứng dụng các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa vào thực tế.
Một trong những mô hình thí điểm đã triển khai thành công là mô hình Tổ tự quản phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa. Mô hình này đã giúp tiểu thương, người tiêu dùng biết cách phân loại rác, giảm thiểu sử dụng, tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần, từng bước chuyển đổi sử dụng sản phẩm xanh, thân thiện môi trường. Cùng với mô hình tổ tự quản phân loại rác, các chuyên gia môi trường đã đến từng khu phố, tuyên truyền, vận động nhiều gia đình để người dân hiểu thêm các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa, từ đó có những hành động cụ thể, thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Hội LHPN tỉnh và các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra hoạt động phân loại rác tại chợ và hộ gia đình. Kết quả cho thấy, sau khi được tập huấn phân loại rác, hàng ngày tiểu thương và các gia đình đều thực hiện phân loại rác và giảm rác thải nhựa dùng một lần. Hội viên phụ nữ cũng như người dân ngày càng có ý thức về bảo vệ môi trường, tích cực ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng đô thị văn minh.
Thực hành giảm nhựa, tiêu dùng xanh
Các hoạt động truyền thông, các mô hình bảo vệ môi trường được triển khai đã giúp người dân phường 7 nâng cao nhận thức về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, tầm quan trọng của việc giảm thiểu rác thải nhựa với sức khỏe con người, từ đó nhiều gia đình bắt đầu tham gia các hoạt động thực hành giảm nhựa, tiêu dùng xanh, hạn chế rác thải nhựa.
Bà Vũ Thị Kim Hoa ở phường 7 cho biết, gia đình bà trước giờ vẫn biết phân loại rác tại nguồn là tốt cho môi trường nhưng gần đây, khi dự án giảm thiểu rác thải nhựa triển khai tại địa phương, các chuyên gia đến từng khu phố nói chuyện với bà con, gia đình bà mới bắt đầu phân loại rác triệt để. “Tôi dùng thùng sơn khoét lỗ dưới đáy thùng và gom tất cả rác rau củ của nhà bếp cho vào thùng để ủ thành phân vi sinh bón lại cho rau. Phần đầu tôm, xương cá, cơm canh thừa thì tôi để ra một thùng riêng để người nuôi heo lấy về sử dụng. Các loại rác tái chế tôi để dành một góc bán ve chai. Bên cạnh đó, tôi còn dùng giỏ đi chợ để hạn chế bớt túi ni lông. Nhờ phân loại tại nguồn mà số rác thải nhà tôi thải ra môi trường giảm rất nhiều, tôi lại có nguồn phân bón để trồng rau sạch. Thấy gia đình tôi tự làm phân vi sinh từ rác thải, những nhà bên cạnh cũng học hỏi, làm theo. Tôi nghĩ, chẳng cần phải làm gì to tát, mỗi gia đình chỉ cần có một thùng ủ rác và chịu khó phân loại rác ngay từ đầu thì rác thải sẽ mang lại nhiều lợi ích”, bà Hoa cho biết.
Tại buổi tổng kết dự án Truyền thông, hướng dẫn phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa tại phường 7 (TP Tuy Hòa), bà Trịnh Ngọc Ánh, điều phối kỹ thuật dự án, cho rằng: Các hoạt động của dự án đã được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ, góp phần nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, giảm rác thải nhựa. Để dự án được lan tỏa, mỗi địa phương cần có những hành động thiết thực, cụ thể nhằm kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa. Theo bà Ánh, thông qua dự án, các đơn vị mong muốn cộng đồng chung tay, mỗi người, mỗi ngày giảm một túi ni lông; phân loại rác tại nguồn để mỗi một hành động nhỏ sẽ chung tay tạo nên sự đổi thay lớn, giúp cho các thế hệ sau được sống trong môi trường trong lành, an toàn và bền vững.
Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chỉ đạo hội LHPN cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, phụ nữ và người dân các địa phương thực hiện phân loại rác, giảm rác thải nhựa, xây dựng mô hình mới nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Nguyễn Thị Phương Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ