Sau mỗi mùa vươn khơi bám biển đánh bắt hải sản, bà con ngư dân lại đưa tàu cá lên bờ để kiểm tra máy móc, duy tu, bảo dưỡng, họ gọi là làm nước. Phần việc kéo dài khoảng 15-30 ngày, chi phí từ vài chục đến cả trăm triệu đồng, nhằm đảm bảo an toàn cho mùa đánh bắt tiếp theo và tăng tuổi thọ cho con tàu.
Việc đầu tiên là đưa tàu lên bờ ở vị trí bằng phẳng, chống, kê tạo chân trụ cho nó đứng vững suốt trong thời gian làm nước. Bước tiếp theo là dùng nước áp lực cao để làm trôi những lớp hàu bám trên vỏ tàu, dùng giấy nhám chà để lớp sơn cũ bóc ra rồi rửa sạch tàu. Sau đó tiến hành tu bổ, xảm (trít xác tre, bột chai giữa các tấm ván gỗ của thân tàu để chống nước thấm vào), sơn lại tàu. Trong những công đoạn làm nước cho tàu cá, xảm là quan trọng nhất.
Báo Phú Yên ghi lại một số hình ảnh tại cơ sở làm nước tàu cá ở khu phố Phú Thọ 3, phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa.
Nhiều tàu cá đang trong quá trình làm nước |
Đồ nghề chuyên dụng gắn bánh ô tô được đưa xuống nước để kéo, lăn tàu cá lên bờ |
Gia cố lại cabin của tàu |
Tàu cá được kéo lăn trên những bánh xe ô tô từ từ rời khỏi mặt nước |
Dán composite toàn bộ bên ngoài phần thân tàu ngập nước |
Kê từng chân trụ chắc chắn để chiếc tàu đứng vững trong suốt thời gian làm nước |
Lăn keo chống thấm và sơn lại toàn bộ vỏ tàu |
Đóng đinh, gia cố thân tàu sau khi đã được xảm, lăn keo, dán composite |
XUÂN HIẾU (thực hiện)