Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, dường như ai ai cũng sống trong tâm thế vội vã. Mọi người vội vã làm việc, vội vã ăn uống, vội vã nói chuyện; quay cuồng phấn đấu, ganh đua, thể hiện bản thân… để rồi nếu không giữ cho mình một nội tâm kiên định thì trong lòng sẽ rất dễ tích tụ nỗi buồn, sự cô đơn, trống rỗng, mất phương hướng.
Nói vậy, không phải là đánh giá thấp xu hướng sống vội. Vì sống vội cũng mang lại nhiều điều tích cực, nhất là khi cuộc đời mỗi người là hữu hạn và ngắn ngủi, sống vội sẽ giúp chúng ta trải nghiệm nhiều hơn để tâm hồn thêm phong phú; làm được nhiều việc hơn, cống hiến nhiều hơn và cuộc đời ý nghĩa hơn. Nhưng ở góc độ sức khỏe, sống vội dễ gây ra sự căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tinh thần.
Ngược lại với nó, xu hướng sống chậm gắn liền với lối sống giản dị, tối giản ngày càng được nhiều người quan tâm. Xu hướng này có những ưu thế riêng như giúp chúng ta có thời gian chiêm nghiệm để nhận ra những vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên, con người, cuộc sống và đủ thời gian để nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, nhược điểm của lối sống này là chúng ta lại không biết được giới hạn cuộc đời mình là ở đâu. Vì vậy, nếu sống quá thong thả, ta có thể lãng phí nhiều thời gian quý giá mà chưa kịp làm điều gì tốt đẹp, ý nghĩa.
Thế giới thay đổi từng phút, từng ngày đòi hỏi con người vừa cần phải sống nhiệt thành, hết mình, nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ để nắm bắt cơ hội, phát huy tài năng của bản thân nhưng đồng thời, cũng phải chậm rãi, bình tâm để cảm nhận cuộc sống, nuôi dưỡng tinh thần, chờ đợi những cơ hội dành riêng cho mình. Như trong cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” của Phạm Lữ Ân, tác giả viết rằng “Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây” nhưng cũng viết rằng “Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ chín cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng nó. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm…”.
Một tác giả khác, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, trong cuốn sách “Tìm lại chính mình” thì cho rằng để có một đời sống ý nghĩa hãy sống bằng cái tôi đích thực: “Tận tâm tận lực làm những việc có thể, học những điều nên học, gánh vác những thứ cần gánh vác, đóng góp hết sức mình, không ngừng sửa đổi bản thân…”. Chỉ khi nào nội tâm kiên cường, con người mới có thể linh động chọn cho mình một cách sống phù hợp với từng hoàn cảnh cũng như giúp chúng ta đủ dũng khí đứng tách biệt khỏi trào lưu, đám đông để sống một cách bình thản và đi theo con đường riêng mà ta chọn.
AN NAM